Những vấn đề sẽ biến cuộc gặp của ông Trump và ông Tập trở nên nóng bỏng
Những người lạc quan nhất cũng đã nghi ngờ liệu cuộc gặp này có tạo được bước đột phá ý nghĩa nào giữa Mỹ và Trung Quốc hay không. Tuy vậy, giới quan sát đã đề nghị một số nội dung chủ chốt có thể được đưa ra nghị sự giữa hai người đàn ông quyền lực bậc nhất thế giới.
- 28-11-2018Bữa tối này sẽ quyết định số phận chiến tranh thương mại và cả thế giới đang ngóng chờ nó
- 27-11-2018iPhone sẽ bị đánh thuế 10% nếu ông Trump không đạt được thoả thuận thương mại với Trung Quốc
- 24-11-2018Thương mại thế giới thấm đòn thuế quan
- 23-11-2018Hai nhà lãnh đạo sẵn sàng đàm phán, Chiến tranh Thương mại có cơ hội hạ nhiệt
- 23-11-2018Chiến tranh thương mại khiến Black Friday điêu đứng thế nào?
Ngày 1/12 tới đây, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có mặt tại Buenos Aires, Argentiana để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và có một cuộc gặp bên lề. Đây là lần gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đứng đầu thế giới kể từ khi căng thẳng thương mại leo thang hồi tháng 6/2018.
Nếu các quan điểm mâu thuẫn giữa hai quốc gia không được giải quyết về mặt chủ trương trong cuộc gặp lần này, những viễn cảnh tồi tệ hơn có thể xuất hiện trong tương lai gần. Không chỉ là việc cuộc chiến thương mại trở nên trầm trọng kéo dài, mà kịch bản về một cuộc chiến tranh Lạnh, hoặc thậm chí là một cuộc chiến tranh nóng – liên quan tới quân sự – cũng có thể nổ ra. Tất nhiên ở một khía cạnh nhất định, những rủi ro chiến tranh sẽ tránh được khi hai nhà lãnh đạo sẵn sàng tham gia vào cuộc thảo luận với một tinh thần cầu hòa và thiện chí.
Động cơ của cuộc chiến này không chỉ là vấn đề thâm hụt thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, như cáo buộc từ phía Mỹ, mà còn bao gồm những sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô của cả hai phía. Mỹ hiện có thâm hụt thương mại hàng hóa với 102 quốc gia trong năm 2017, trong khi Trung Quốc có thặng dư thương mại với 169 quốc gia trong năm 2016 .
Nếu Mỹ muốn giảm thâm hụt với Trung Quốc, việc đó có thể sẽ dẫn tới những khoản thâm hụt mới với các quốc gia khác để bù vào. Đó chỉ là sự tái phân bổ thâm hụt thương mại của Mỹ. Tương tự, hàng hóa Trung Quốc sẽ tìm được con đường khác để tới Mỹ. Và để bù đắp cho phần thặng dư sụt giảm với Mỹ, Trung Quốc sẽ gia tăng thặng dư với những quốc gia còn lại. Đối với Mỹ, điều này sẽ dẫn tới chi phí nhập khẩu có thể cao hơn, cùng với một phần là do các khoản thuế trừng phạt thương mại được chuyển qua cho người tiêu dùng.
Trung Quốc tiết kiệm quá nhiều, trong khi nước Mỹ lại tiết kiệm quá ít. Đó mới là nguồn cơn của sự mất cân đối vĩ mô này. Rõ ràng, vấn đề này không thể giải quyết bằng các nỗ lực song phương. Và nó đã thành vấn đề cố hữu của hai cường quốc giữ vị thế quan trọng nhất thế giới trong nhiều năm nay.
Mỹ từ lâu đã là một điểm đến quan trọng của hàng hóa Trung Quốc. Trong năm 2017, có 19% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là tới Mỹ. Mỹ cũng cần nguồn hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu cho những người tiêu dùng với thu nhập hạn chế. Mặt khác, Mỹ cũng biết rằng Trung Quốc là người mua năng động và mạnh tay nhất đối với các Trái phiếu Kho bạc do Chính phủ Mỹ phát hành, qua đó trở thành nhà tài trợ lớn nhất đối với các khoản thâm hụt của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, đóng vai trò là nơi tiêu thụ quan trọng của các doanh nghiệp Mỹ.
Đó là câu chuyện của nhiều thập kỷ, kể từ sau chiến tranh lạnh và khi nền sản xuất của Trung Quốc bùng nổ. Hiện nay, mối quan hệ phụ thuộc giữa Mỹ và Trung Quốc đã không còn dừng ở việc Trung Quốc cứ là xưởng sản xuất còn Mỹ cứ là nơi tiêu thụ chủ yếu trên thế giới. Trong một cuộc chơi, nếu một người chơi bỗng dưng muốn bẻ gãy luật lệ, những người chơi còn lại chắc chắn sẽ phản ứng không tốt đẹp.
Ở trường hợp này, Trung Quốc là kẻ phá bỏ luật lệ trước. Đó là việc cường quốc này không muốn tiếp tục là xưởng gia công của thế giới với các nhà máy sản xuất hàng hóa khổng lồ giá trị gia tăng thấp. Trung Quốc muốn chuyển đổi mô hình từ sản xuất sang dịch vụ, từ tập trung xuất khẩu sang đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, từ nhập khẩu công nghệ (chủ yếu từ Mỹ) sang làm chủ các phát minh sáng tạo. Quan trọng nhất là, việc Trung Quốc thúc đẩy tiêu thụ nội địa sẽ khiến cho tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc giảm đi, qua đó lượng tiền Trung Quốc tài trợ trở lại Mỹ – thông qua việc mua trái phiếu Kho bạc – cũng sẽ giảm tương ứng.
Các thay đổi trong chính sách của Trung Quốc có thể không nhằm mục đích làm tổn thương nước Mỹ. Nhưng nó vô tình lại khiến Mỹ cảm thấy mình bị đe dọa. Ông Trump đã có những hành động mạnh mẽ để trừng phạt việc Trung Quốc tự mình thay đổi luật chơi.
Chính vì thế, nếu muốn giải quyết triệt để các mâu thuẫn căn bản này, hai bên không chỉ thảo luận về các khoản thuế trong cuộc gặp tới đây. Hiện chưa có bất kỳ thông tin nào được đưa ra bởi Mỹ hay Trung Quốc về nội dung nghị sự, nhưng theo các nhà quan sát lâu năm kỳ vọng hai bên cần phải đề cập trực diện vào các mâu thuẫn căn bản.
Kịch bản thảo luận cho cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump cần đề cập trực diện tới 4 nội dung sau đây:
Vấn đề tiếp cận thị trường
Sau mười năm đàm phán quanh co, đây chính là lúc thích hợp cho một bước đột phá về hiệp ước đầu tư song phương Mỹ – Trung (Bilateral Investing Treaty – BIT). Cả hai bên sẽ cần phải nhượng bộ. Một BIT sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về sở hữu các công ty đa quốc gia đang đầu tư ở hai nước, loại bỏ cơ cấu liên doanh gây tranh cãi ở Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc dẫn tới tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ. Một BIT cũng sẽ cho phép mở rộng quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các tài sản và doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.
Vấn đề tiết kiệm
Cả hai quốc gia cần cam kết điều chỉnh cơ cấu vĩ mô một cách có trách nhiệm. Mỹ cần phải tiết kiệm nhiều hơn, cân nhắc đến ngân sách khi thực hiện các đợt cắt giảm thuế, như đã thực hiện trong năm ngoái khi ông Donald Trump vừa đắc cử. Xây dựng lại chính sách tiết kiệm, thay vì xây dựng các hàng rào thuế quan, là cách hiệu quả hơn để giảm thiểu thương mại với Trung Quốc cũng như bất kỳ đối tác thương mại nào khác. Với Trung Quốc thì ngược lại, nước này cần chi tiêu nhiều hơn, nhất là các khoản chi tiêu để tài trợ cho hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Khi người dân được sống trong môi trường đầy đủ phúc lợi, họ sẽ cảm thấy việc tiết kiệm không còn nhiều ý nghĩa nữa.
Vấn đền an ninh mạng
Hiệp ước được ký giữa Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình năm 2015 rõ ràng đã không đi đủ xa để giải quyết những căng thẳng dai dẳng trong vấn đề gián điệp, hacking và sự hạn chế kết nối giữa hai quốc gia. Cả hai sẽ cần đẩy mạnh và cởi mở hơn nữa trong việc hoàn thiện các chỉ số tổng hợp về các cuộc tấn công mạng, và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp mạnh mẽ.
Đối thoại
Hai người đứng đầu đã từng thảo luận riêng trước đó tại Bắc Kinh và Mar-a-Lago từ khi những căng thẳng thương mại còn chưa bùng nổ. Tuy nhiên, đó không hẳn là những cuộc nói chuyện nghiêm túc về chiến lược và kinh tế, và không đề cập tới thương mại. Cả hai bên cần có một ban thư ký thường trực, cùng tham gia đàm phán và chi tiết hóa các vấn đề nhỏ nhất xoay quanh các mâu thuẫn cốt lõi, một cách thẳng thắn và cởi mở. Các đối thoại cần phải đề cập tới những vấn đề chính sách quan trọng nhất (bao gồm cả chia sẻ dữ liệu, nghiên cứu chính sách công – tư ở hai nước).
Trong bối cảnh leo thang gần đây của các căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, thật khó để kỳ vọng một bước đột phá có ý nghĩa trong cuộc gặp tới đây, kể cả đối với những người lạc quan nhất. Một chương trình nghị sự căn bản cần được lên kế hoạch với tinh thần nghiêm túc như khi đàm phán một hiệp định song phương lớn. Cả thế giới đều đang dõi theo những gì sắp diễn ra.