MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Liệu Việt Nam có thể lặp lại thành công của những "nền kinh tế hổ" thế kỷ trước?

Nikkei: Liệu Việt Nam có thể lặp lại thành công của những "nền kinh tế hổ" thế kỷ trước?

Theo Nikkei Asia, dấu ấn của Apple sẽ là một lợi thế cho Việt Nam trong việc thiết lập chuỗi cung ứng trong nước. Việt Nam vốn dĩ đã trở thành cứ điểm sản xuất của các các thương hiệu công nghệ hàng đầu như Intel, Samsung và Xiaomi trong hơn một thập kỷ qua.

Nikkei Asia đưa tin, Apple lấy nguồn hàng tai nghe AirPods từ Việt Nam và đang thử nghiệm sản xuất đồng hồ và máy tính xách tay. Việc chế tạo ra những thiết bị phức tạp hơn sẽ là một biểu tượng thành công cho ngành sản xuất của đất nước, cũng như quyết tâm của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

Theo đó, Việt Nam lọt top 6 nơi có số lượng nhà cung cấp cho Apple nhiều nhất. Tuy nhiên, không có nhà cung cấp nào trong số đó là doanh nghiệp Việt Nam.

Nikkei: Liệu Việt Nam có thể lặp lại thành công của những nền kinh tế hổ thế kỷ trước? - Ảnh 1.

Việt Nam lọt top 6 nơi có số lượng nhà cung cấp cho Apple nhiều nhất. Tuy nhiên, không có nhà cung cấp nào trong số đó là doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc thu hút hoạt động kinh doanh chuỗi cung ứng, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tạo ra lĩnh vực công nghệ cao trong nước. Cụ thể, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu công nghệ mà không có đối thủ châu Á nào sánh kịp: Tỷ trọng xuất khẩu của hàng công nghệ cao đạt 42% vào năm 2020, tăng từ 13% vào năm 2010.

Nhưng Theo Sách trắng do Bộ Công Thương công bố năm 2019, Việt Nam đang đi sau so với hầu hết các nước láng giềng châu Á trong việc gia tăng giá trị thương mại và sản xuất, yếu tố đánh giá mức độ đóng góp của nền kinh tế trong nước trong lĩnh vực thương mại.

Trong những thập kỷ trước, các nền kinh tế "hổ" của châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục đã thành công trong việc bắt đầu từ ngành sản xuất công nghệ thấp và dần dần nâng cao lên ô tô, chất bán dẫn và robot.

Nikkei Asia đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế mà các quốc gia này đã làm được: lực lượng lao động kỷ luật, chi phí thấp và chính sách công nghiệp của nhà nước. Nhưng Việt Nam chưa hoàn thiện một số yếu tố quan trọng như kỹ năng công nghệ và cơ sở hạ tầng tốt.

Liệu Việt Nam có thể thành công như các nền kinh tế hổ?

Trong thập kỷ trước, lạm phát tiền lương ở các trung tâm sản xuất ven biển phía Nam của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà cung cấp tìm cách chuyển sản xuất sang Việt Nam. Gần đây, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sau đó là đại dịch COVID-19, khi các đợt đóng cửa ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều công ty, bao gồm cả Apple - chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam.

Ví dụ, khi việc ngừng hoạt động đã làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa ra khỏi Trung Quốc, Anam đã chuyển sang sản xuất loa tại Việt Nam. Tại Hà Nam, nhà máy của công ty Hàn Quốc có dàn loa thông minh, bảng mạch lấp đầy toàn bộ căn phòng và các bộ phận chuyển động giữa các máy trạm.

Giám đốc Anam Việt Nam Park Hyeon-su cho biết: "Việt Nam đã hoạt động tốt cho đến nay nhờ thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nếu không nâng cấp lên các sản phẩm phức hợp, Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn của sự suy giảm công nghệ, ô nhiễm môi trường, năng suất lao động thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và hiệu quả thấp".

Để chào đón các nhà đầu tư, Việt Nam tạo ra sự ổn định của bằng các hiệp định thương mại, đường vận chuyển và chi phí thấp trong thị trường lao động. Nhưng Việt Nam đang thiếu tầng lớp quản lý và lao động có tay nghề cao. Giải pháp là đào tạo nhiều hơn sẽ mang lại những kỹ năng này.

Việt Nam không đơn độc trong các cuộc đua thương mại thế kỷ 21. Một câu hỏi mà một số nhà kinh tế đang đặt ra là liệu những câu chuyện thành công của thế kỷ trước có thể lặp lại trong thế kỷ mới hay không.

Từ những năm 1960, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã có một cách tiếp cận chiến lược đối với nền kinh tế toàn cầu. Họ thiết kế các chính sách công nghiệp cụ thể, dựng lên các rào cản thương mại, đào tạo lực lượng lao động địa phương và chọn những doanh nghiệp chiến thắng trở thành những người khổng lồ xuất khẩu. Tuy nhiên, những quốc gia này đã làm như vậy trong một thời đại khác.

Nikkei Asia cho biết, Việt Nam ngày nay đã có thể tái tạo một số thành công xuất khẩu của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Cụ thể, toàn cầu hóa đã diễn ra trong nhiều thập kỷ nay, khiến Việt Nam khó có thể sử dụng các chính sách bảo hộ tương tự để thúc đẩy những người khổng lồ xuất khẩu của mình, TS. Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong nói.

"Bây giờ thực sự khó khăn", ông Tùng cho biết. "Trước đây, mỗi quốc gia có thể sử dụng các chính sách như hàng rào thuế hoặc phi thuế quan để bảo vệ các công ty nội địa. Nhưng điều đó khó có thể thực hiện ở bối cảnh hiện tại. Và với nhiều công ty đa quốc gia như Tesla hay Toshiba, sẽ rất khó cho một công ty mới tham gia vào thị trường".

Tuy nhiên, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong cho rằng, Việt Nam đang tiến bộ từng ngày. Ví dụ, nội địa hóa đang bắt đầu xảy ra với Toyota Motor, một trong những nhà đầu tư nước ngoài có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam. Báo cáo phát triển bền vững năm 2021 của nhà sản xuất ô tô cho biết 6 trong số 46 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, Samsung đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và bắt đầu sản xuất một số bộ phận bán dẫn trong nước. Các nhà đầu tư cân nhắc những điều này và quyết định của Apple trong việc sản xuất đồng hồ Apple tại Việt Nam cho thấy việc sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn có thể nằm trong khả năng của quốc gia này.

Nikkei Asia nhận định, trong tương lai, khi người tiêu dùng đập hộp Apple Watch hoặc MacBook sẽ có thể được nhìn thấy dòng chữ: "Được lắp ráp tại Việt Nam" (Assembled in Vietnam).

Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội vượt qua các nước láng giềng như Malaysia hay Thái Lan, những nền kinh tế vốn nổi tiếng trong sản xuất hàng điện tử và ô tô. Bởi lẽ, theo chuyên gia kinh tế từ Natixis, bà Trinh Nguyễn, các quốc gia này gặp khó khăn vì thiếu tầm nhìn do chính trị trong nước đầy biến động.

Nguồn: Nikkei Asia


Giang Anh (lược dịch)

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên