MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực hướng Đông, Nga vẫn không hấp dẫn được các công ty Trung Quốc: Cuộc đua ‘giải cứu’ nền kinh tế đầy cam go

01-05-2023 - 07:44 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc dường như cảnh giác trước việc gia tăng thương mại với Nga. Và trái với suy nghĩ thông thường, Moscow không có nhiều thứ để cung cấp cho Bắc Kinh.

Nỗ lực hướng Đông, Nga vẫn không hấp dẫn được các công ty Trung Quốc: Cuộc đua ‘giải cứu’ nền kinh tế đầy cam go - Ảnh 1.

Kể từ năm 2014, khi phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga do sự kiện Crimea, Điện Kremlin tuyên bố rằng các công ty Nga đang tới Trung Quốc để tìm cơ hội. Vậy từ đó tới nay, Trung Quốc đã giúp đỡ Nga về mặt kinh tế như thế nào?

Theo tờ Foreign Affairs, không dễ để đánh giá thực tế chuyển hướng kinh tế của Nga sang hướng Đông. Năm ngoái, Moscow đã tiến hành phân loại dữ liệu thương mại, khiến việc theo dõi sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga trở nên khó khăn.

Rà soát dữ liệu hải quan Trung Quốc là cách duy nhất để tìm ra các mặt hàng nào đang được (hoặc không được) hai nước giao dịch.

Các thông tin mà Foreign Affairs thu được đã mang tới một bức tranh toàn cảnh: Trung Quốc dường như cảnh giác trước việc gia tăng thương mại với Nga. Và trái với suy nghĩ thông thường, Moscow không có nhiều thứ để cung cấp cho Bắc Kinh.

Trung Quốc không mua dầu và khí đốt của Nga với mức chiết khấu lớn, nước này muốn tìm kiếm một loạt các nhà cung cấp năng lượng khác.

Nỗ lực hướng Đông, Nga vẫn không hấp dẫn được các công ty Trung Quốc: Cuộc đua ‘giải cứu’ nền kinh tế đầy cam go - Ảnh 2.

Nguồn ảnh: Global Times

Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga

Trên giấy tờ, mối quan hệ thương mại giữa Nga-Trung Quốc dường như đang phát triển. Giá trị hàng xuất khẩu (tính bằng USD) của Trung Quốc sang Nga đã tăng 12,8% trong năm 2022, một phần được thúc đẩy bởi biến động tỷ giá hối đoái.

Năm ngoái, đồng Nhân dân tệ mất giá so với đồng Đô la và đồng Rúp, làm tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhìn có vẻ mạnh mẽ này lại không phải là ngoại lệ trong các chuyến hàng của Trung Quốc vận chuyển qua sông Amur.

Hầu hết trong số 20 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 10% trở lên đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm ngoái. Chẳng hạn, giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Úc và Ấn Độ đã tăng 20% vào năm 2022, dù hai nước này không phải là đối tác thân thiết của Bắc Kinh.

Nỗ lực hướng Đông, Nga vẫn không hấp dẫn được các công ty Trung Quốc: Cuộc đua ‘giải cứu’ nền kinh tế đầy cam go - Ảnh 3.

Nguồn ảnh: Brink News

Giá trị (tính theo USD) của hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Nga vẽ nên một bức tranh khiêm tốn hơn về quan hệ thương mại giữa hai phía. Trong năm 2022, các công ty Trung Quốc đã vận chuyển lượng hàng hóa trị giá 76 tỷ USD sang Nga, gần bằng giá trị các chuyến hàng của họ tới Indonesia, đảo Đài Loan (Trung Quốc) và Úc.

Con số này chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và tương đương với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Thái Lan – nền kinh tế có quy mô chỉ bằng ¼ so với Nga.

Ngoài ra, kể từ năm 2014, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga chỉ tăng khoảng 40% trên danh nghĩa, trong khi đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ, Việt Nam và Singapore tăng tới hơn 200%.

Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao Nga không phải là thị trường hấp dẫn đối với các công ty Trung Quốc?

Đáp án tương đối rõ ràng. Nền kinh tế Nga đã ghi nhận một cuộc suy thoái vào năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng chắc chắn sẽ bị đình trệ trong năm nay và các dự đoán cho thấy, GDP của Nga sẽ không phục hồi về mức trước xung đột Ukraine, cho tới năm 2027.

Quyết định của Moscow vào năm 2022 về việc từ bỏ các quy tắc quốc tế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một điều có thể gây cản trở cho họ. Trung Quốc có thể nổi tiếng với khả năng copy công nghệ nhưng các công ty của nước này vẫn muốn bí quyết của họ được bảo vệ khi kinh doanh ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, giới chức Bắc Kinh vẫn chưa ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước của họ thâm nhập thị trường Nga.

Nỗ lực hướng Đông, Nga vẫn không hấp dẫn được các công ty Trung Quốc: Cuộc đua ‘giải cứu’ nền kinh tế đầy cam go - Ảnh 4.

Nguồn ảnh: Reuters

Tuy nhiên, lý do chính khiến các công ty Trung Quốc miễn cưỡng kinh doanh trên sông Amur có thể liên quan nhiều tới Washington hơn là Moscow. Các doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các công ty đến từ bất cứ quốc gia nào phát sinh giao dịch làm ăn với các công ty Nga.

Cho tới nay, Washington mới chỉ áp đặt các biện pháp đó trong lĩnh vực quân sự. Song, nếu Mỹ mở rộng sang lĩnh vực kinh tế thì tất cả các công ty trên toàn thế giới sẽ buộc phải lựa chọn giữa thị trường Mỹ và Nga.

Cũng chính vì lý do này mà các công ty Trung Quốc có ít động lực để đầu tư thời gian và tiền bạc phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp Nga.

Xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc

Ở phía bên kia của cán cân thương mại, tốc độ gia tăng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc có vẻ ấn tượng hơn: Giá trị các chuyến hàng của Nga sang Trung Quốc đã tăng 43% trong năm 2022. Tuy nhiên, một lần nữa, thực tế có thể không màu hồng đến vậy.

Dầu thô, khí đốt và than đá chiếm phần lớn hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Trong năm 2022, giá của những mặt hàng này đã tăng vọt. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của nhiều người, Trung Quốc dường như không mua hàng hóa của Nga với giá chiết khấu cao.

Nỗ lực hướng Đông, Nga vẫn không hấp dẫn được các công ty Trung Quốc: Cuộc đua ‘giải cứu’ nền kinh tế đầy cam go - Ảnh 5.

Nguồn ảnh: Reuters

Quy mô xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc cho thấy một thực tế khiêm tốn hơn. Xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc vẫn ở mức thấp, khoảng 114 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này chỉ ngang bằng với mức xuất khẩu từ Malaysia (nền kinh tế có quy mô bằng 1/6 Nga) sang Trung Quốc.

Sắp tới, xuất khẩu năng lượng từ Nga sang Trung Quốc sẽ đạt mức ổn định. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn cẩn trọng duy trì sự kết hợp đa dạng giữa các nguồn cung cấp năng lượng. Những người trong ngành vận chuyển tin rằng Trung Quốc giới hạn nhập khẩu dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày với bất cứ đối tác cung cấp nào.

Tình hình tượng tự cũng diễn ra với khí đốt. Các chuyến hàng khí đốt vận chuyển qua đường ống Power of Siberia không thể tăng trưởng nhiều cho tới khi hệ thống này hoàn thành nâng cấp vào năm 2025.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã thúc đẩy dự án đường ống mới mang tên “Power of Siberia 2” nối Nga với Trung Quốc, tuy nhiên, Bắc Kinh dường như không mấy mặn mà do trước đó, Trung Quốc đã đồng ý xây dựng đường ống nối đảo Sakhalin của Nga với Trung Quốc đại lục.

Nếu “Power of Siberia 2” cũng được xây dựng, Nga sẽ cung cấp khoảng một nửa lượng khí đột nhập khẩu của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phụ thuộc vào Nga ở mức độ như châu Âu trước đây.

Nhìn chung, theo Foreign Affairs, các dữ liệu trên cho thấy rõ ràng Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong trong mối quan hệ kinh tế với Nga. Bắc Kinh không vội vàng cung cấp huyết mạch kinh tế cho Moscow.

Trong tương lai, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể tới “giải cứu” Nga bằng cách tăng cường đầu tư vào đó nhưng cho tới nay, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy họ chuẩn bị làm điều đó.

Theo Vy Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên