Nỗ lực tìm kiếm vốn rẻ
Theo chia sẻ của chuyên gia, huy động vốn bằng hình thức nào, liều lượng ra sao sẽ phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh cũng như cân đối tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng. Cùng với việc tìm kiếm những vùng vốn rẻ, triển khai mạnh mẽ số hoá cũng giúp cho các ngân hàng giảm đáng kể chi phí hoạt động, bù đắp vào chi phí vốn.
- 20-06-20216 ngân hàng huy động được gần 6.000 tỷ đồng vốn rẻ nửa đầu tháng 6
- 23-04-2021Gia tăng thêm nguồn vốn rẻ
- 18-04-2021Các ngân hàng có thêm hơn 167.000 tỷ đồng vốn rẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, triệt để, tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để có thể giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.
Trên thực tế không chỉ thời gian này, mà lâu nay các nhà băng đều cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động và huy động được ngày càng nhiều hơn nguồn vốn rẻ để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, khi mà các ngân hàng cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, yêu cầu đó càng trở nên cấp thiết. Một trong những hướng đi của các ngân hàng hiện nay là tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), bởi đây là cấu phần có chi phí thấp nhất trong cơ cấu nguồn vốn huy động của các ngân hàng.
Tăng tỷ lệ CASA là mục tiêu của hầu hết các ngân hàng hiện nay
Không dừng lại ở đó, hầu hết các nhà bằng đều đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa tỷ lệ CASA. Như Techcombank lên kế hoạch tăng CASA chiếm khoảng 50% tổng tiền gửi; Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo VPBank sẽ thực hiện chiến lược tăng tỷ trọng CASA trong cơ cấu huy động, hiện CASA của ngân hàng này là 18,8% và kỳ vọng sẽ đạt khoảng 20% vào năm 2026; MSB đặt chỉ tiêu CASA đạt mốc 40.000 tỷ đồng vào năm 2023; MB cũng coi CASA là một trong những động lực tăng trưởng chính của ngân hàng năm nay…Hiện các ngân hàng có tỷ trọng CASA cao có thể kể tới như Techcombank với 43%, MB với 35%, Vietcombank là hơn 30%, MSB bứt tốc với tỷ lệ CASA hơn 27%, ABB là 21,5%...
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, trước đây CASA bán lẻ chưa được quan tâm nhiều vì tỷ trọng đóng góp thấp, ngân hàng số chưa phát triển và hành vi người tiêu dùng thay đổi chậm; trong khi các ngân hàng lớn hàng đầu có các lợi thế về mối quan hệ với các tập đoàn đã tạo ra khác biệt nhờ nguồn tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên VDSC kỳ vọng nửa cuối năm 2021, tỷ lệ thâm nhập bán lẻ của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số, từ đó cuộc đua CASA cạnh tranh hơn về phí và cải thiện CASA với tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng.
Bên cạnh gia tăng CASA, trên thực tế các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi giữa bối cảnh tốc độ tăng tiền gửi chậm lại ở khu vực dân cư. Mới nhất, SCB đã phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng tổ chức/doanh nghiệp với kỳ hạn 24 tháng và chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn với ưu đãi lãi suất. Sau đợt phát hành thành công chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc năm 2020, tháng 6/2021 vừa qua, SHB tiếp tục phát hành Chứng chỉ tiền gửi phát lộc đợt I - 2021 với tổng mệnh giá là 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc.
Trái phiếu cũng là kênh huy động vốn được nhiều ngân hàng lựa chọn trong thời gian này. Đơn cử, ACB mới đây đã công bố chào bán thành công 2.500 trái phiếu (tương ứng 2.500 tỷ đồng) cho một tổ chức với kỳ hạn ba năm, đáo hạn 15/07/2024. Trước đó, từ ngày 06/05/2021 đến ngày 08/07/2021, ngân hàng này đã phát hành 7 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 11.700 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm cũng ghi nhận một loạt hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng: TPBank có ba đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, lãi suất 3-4,1%/năm; SHB phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm cho hai công ty chứng khoán với lãi suất cố định 3,8%/năm…
Thống kê của SSI cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, nhóm ngân hàng đứng vị trí thứ hai về giá trị phát hành trái phiếu với 68.200 tỷ đồng - chiếm 33% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng huy động trái phiếu nhằm gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn giúp ngân hàng có nguồn vốn rẻ để hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn, nhất là ở giai đoạn phục hồi. Thêm nữa, trái phiếu ngân hàng được đánh giá có độ an toàn khá cao bởi tính thanh khoản cao, hoạt động các nhà băng cũng đặt dưới dự kiểm soát chặt chẽ của NHNN.
Theo chia sẻ của chuyên gia, huy động vốn bằng hình thức nào, liều lượng ra sao sẽ phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh cũng như cân đối tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng. Cùng với việc tìm kiếm những vùng vốn rẻ, triển khai mạnh mẽ số hoá cũng giúp cho các ngân hàng giảm đáng kể chi phí hoạt động, bù đắp vào chi phí vốn.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho hay, việc giao dịch trên các nền tảng điện tử thì chi phí sẽ chỉ rơi vào khoảng 1/50 so với chi phí truyền thống khi duy trì bằng con người. Ở TPBank, có tới hơn 92% tổng số giao dịch được thực hiện trên nền tảng số, nên chi phí được ngân hàng tiết giảm rất nhiều, kỳ vọng sẽ bù đắp được những vấn đề khác. Theo CEO TPBank, việc số hoá trong mọi quy trình vận hành nội bộ hay đẩy mạnh dịch vụ qua các kênh số không chỉ giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí, mà đi cùng với đó là tệp khách hàng của ngân hàng cũng có cơ hội mở rộng hơn, gia tăng lợi nhuận ở những khu vực thu nhập khác", ông Hưng chia sẻ.
Thời báo ngân hàng