MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu ở cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp “xanh vỏ, đỏ lòng”

22-05-2022 - 10:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu ở cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp “xanh vỏ, đỏ lòng”

Cơ quan của Quốc hội lưu ý nhiều vấn đề về nợ xấu, trong đó cả điểm “xanh vỏ, đỏ lòng” ở cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng ý kéo dài thời hạn thực hiện toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý nhiều vấn đề xung quanh đề xuất này.

Báo cáo đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 vừa được Ủy ban Kinh tế gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Trước đó, hồ sơ về nội dung này cũng đã được Chính phủ gửi Quốc hội với đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023.

Còn 412,67 nghìn tỷ đồng chưa xử lý 

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, trong thời gian áp dụng Nghị quyết, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42.

Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so với trước đây; một số biện pháp được thí điểm theo Nghị quyết số 42 như mua bán nợ theo giá trị thị trường, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán từng bước phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro (riêng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tại thời điểm 31/12/2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng và số chưa xử lý còn 412,67 nghìn tỷ đồng).

Một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 còn chưa thực sự phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án...).

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Báo cáo của Ủy ban cũng cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30/6/2022), mặc dù chính sách này hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng có thể phản ánh không đầy đủ nợ xấu của hệ thống các TCTD, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Có điểm "xanh vỏ, đỏ lòng" 

Đánh giá lại quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua, trong đó có vai trò hỗ trợ của Nghị quyết số 42, Ủy ban Kinh tế lưu ý rằng: Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao (47% tổng nợ xấu được xử lý); một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%).

Đáng chú ý, có điểm "xanh vỏ, đỏ lòng" được dẫn trong báo cáo. Đó là nợ xấu của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và đầu tư, kinh doanh trái phiếu nhìn "bề ngoài" thì rất thấp, chỉ chiếm lần lượt là 1,13% và 0,01% so với nợ xấu của toàn hệ thống. Tuy nhiên, xét về mức độ, những tỷ lệ trên chiếm tương ứng tới 19,57% và 2,87% tổng dư nợ tín dụng của từng lĩnh vực.

Theo Ủy ban Kinh tế, những lĩnh vực trên tiềm ẩn rủi ro cao, có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong điều kiện năng lực chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Như thông tin trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ký một báo cáo gửi đến Quốc hội trước thềm kỳ họp khai mạc ngày 23/5 tới.

Trong đó cho biết, đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là 10.934,3 tỷ đồng, chiếm 0,1% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 2.140,5 tỷ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%.

Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỷ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.

Theo Trung Chính

Nhịp sống kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên