MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi ám ảnh mang tên 'chi tiêu tiết kiệm từng xu' hằn sâu trong mỗi người Nhật: Giám đốc cúi đầu xin lỗi vì tăng giá sản phẩm, người dân cắt đôi gói giấy ăn để dùng được nhiều lần hơn

19-04-2019 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Một kịch bản tồi tệ xuất hiện ở nền kinh tế lớn ở châu Á, đó là người dân không chịu chi tiền mua sắm và các công ty cũng không tăng lương cho nhân viên.

Khi một nhà sản xuất kem cây popsicle nổi tiếng của Nhật Bản quyết định nâng giá sản phẩm lần đầu tiên sau 25 năm, thì các giám đốc điều hành của họ - công ty Akagi Nyugyo, đã đứng ra xin lỗi khách hàng. Vào tháng 4/2016, họ công bố một đoạn video dài 60 giây, xuất hiện vị chủ tịch với mái tóc bạc được một nhóm người mặc đồ màu tối hộ tống, tất cả đều cúi đầu xin lỗi cực kỳ thành khẩn. 3 năm sau đó, quản lý của Akagi Nyugyo, người đưa ra ý tưởng cho đoạn video, vẫn cảm thấy hối hận. Fumio Hagiwara nói: "Việc ấy không giống như các khách hàng phải chi thêm một khoản tiền."

Nỗi ám ảnh mang tên chi tiêu tiết kiệm từng xu hằn sâu trong mỗi người Nhật: Giám đốc cúi đầu xin lỗi vì tăng giá sản phẩm, người dân cắt đôi gói giấy ăn để dùng được nhiều lần hơn - Ảnh 1.

Akagi Nyugyo quyết định nâng giá kem cây popsicle lần đầu tiên sau 25 năm, các giám đốc phải cúi đầu xin lỗi khách hàng.

Nhật Bản là quốc gia phát triển duy nhất chứng kiến tình trạng mức lương giảm dần theo mỗi năm. Kể từ năm 1996, lương điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 13 điểm phần trăm, một nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp không muốn nâng giá sản phẩm hay đầu tư vào một thị trường dần thu hẹp. "Vòng xoáy" của sự sụt giảm đã dẫn đến "tâm lý giảm phát" (deflationary mindset) in sâu vào mỗi người dân Nhật Bản. Thống đống Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), Haruhiko Kuroda, đã nhận lỗi về phía mình vì không nỗ lực trong việc vực dậy nền kinh tế, áp dụng đủ mọi cách trong chiến lược của ngân hàng trung ương.

Tâm lý tiết kiệm hằn sâu vào mỗi người dân Nhật Bản đến mức khi nhận được khoản tiền thưởng theo mỗi đợt, họ lại sử dụng để tiết kiệm thay vì chi tiêu cho mua sắm. Michael Causton, một chuyên gia về mô hình chi tiêu của người Nhật và đồng sáng lập của công ty nghiên cứu JapanConsuming, cho biết: "Điều đó không có gì bất ngờ, bởi mức tiền lương của họ đi xuống trong một thời gian quá dài."

Nỗi ám ảnh mang tên chi tiêu tiết kiệm từng xu hằn sâu trong mỗi người Nhật: Giám đốc cúi đầu xin lỗi vì tăng giá sản phẩm, người dân cắt đôi gói giấy ăn để dùng được nhiều lần hơn - Ảnh 2.

Tăng trưởng tiền lương điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản đi xuống theo mỗi năm. (Biểu đồ: Bloomberg).

Sau 6 đợt suy thoái diễn ra trong 30 năm, việc tìm đủ mọi cách để tiết kiệm đã trở thành "nỗi ám ảnh" trên cả đất nước. Do đó, Cocorico Creates a Legend, một chương trình truyền hình, đã trở thành cú "hit" của những năm đầu thế kỷ 21. Chương trình này đưa ra thử thách cho những người nổi tiếng tham gia, họ phải "sống sót" trong vòng 1 tháng với 3 USD mỗi ngày. Đây chính là một "trò đùa" sâu cay đối với một quốc gia giàu có, nơi mức sống đang dần sụt giảm và tỷ lệ nghèo đã lên tới 16%.

Bởi vậy, một số người có chiến lược tiết kiệm tinh tế cũng trở nên nổi tiếng. Trong những tháng gần đây, blogger chia sẻ kinh nghiệm sống - Miwa Komatsu, đã tham gia một số talk show chia sẻ về cách cô kiếm được 100 nghìn USD trong 10 năm, dù mức lương chỉ là 1300 USD mỗi tháng với công việc nhân viên văn phòng và phải tự mình nuôi 4 đứa trẻ. Một trong những bí quyết của cô đó là cắt đôi gói khăn giấy để có thể sử dụng gấp 2 và dùng vỏ củ cải để lau bồn rửa thay vì giấy. Người phụ nữ 49 tuổi chia sẻ: "Mọi thứ như một trò chơi đối với tôi. Tôi vẫn thích làm những việc đó dù kinh tế không còn eo hẹp như trước."

Andrea Ferrero, nhà kinh tế học tại Đại học Oxford, là một trong những người đầu tiên đưa ra luận điểm rằng nỗi lo âu của người Nhật Bản có liên quan đến điều gì đó khó hiểu hơn là tư duy, đó là nhân khẩu học. Trong một bản báo cáo năm 2014 có tên " What Explains Japan’s Persistent Deflation?" (Tạm dịch: Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giảm phát liên tiếp ở Nhật Bản?), ông và đồng tác giả, Carlos Carvalho, đã chỉ ra rằng tình trạng dân số già ảnh hưởng đến sự sụt giảm của lãi suất và tăng trưởng. Đó là một phần lý do tại sao Nhật Bản phục hồi khá chậm sau khi bong bóng bất động sản và chứng khoán vỡ tung vào đầu những năm 1990.

Nỗi ám ảnh mang tên chi tiêu tiết kiệm từng xu hằn sâu trong mỗi người Nhật: Giám đốc cúi đầu xin lỗi vì tăng giá sản phẩm, người dân cắt đôi gói giấy ăn để dùng được nhiều lần hơn - Ảnh 3.

Người Nhật Bản ai cũng mang trong mình tâm lý tiết kiệm, tạo điều kiện cho sự "lên ngôi" của các cửa hàng đồng giá 100 yên (khoảng 20.000 VND).

5 năm trôi qua, nhiều ý kiến đồng tình rằng đây sẽ là tín hiệu cảnh báo cho các nền kinh tế phát triển khác, vốn đang già đi nhanh chóng và đang phải chật vật đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ferrero cho hay: "Đối với các quốc gia đang bước ra khỏi cuộc khủng hoảng, đây có thể là thời điểm những áp lực từ nhân khẩu học ngày càng có khả năng xuất hiện."

"Túi tiền" eo hẹp của những người đã nghỉ hưu như Makoto Miyakawa, 71 tuổi, là phần lớn lý do tại sao tăng trưởng của Nhật Bản chỉ đạt mức trung bình là 0,9% kể từ năm 2000, tức là khoảng 1/3 so với thập kỷ trước. Miyakawa cho biết vợ ông kiểm soát vấn đề tài chính của cả gia đình. Sau khi ông về hưu, bà quyết định giảm 1 nửa số tiền tiêu hàng tháng của ông, tương đương với 10 USD mỗi ngày. Hai vợ chồng rất cẩn thận trong việc chi tiêu, bởi họ không muốn tình trạng bội chi xảy ra hoặc không thể thanh toán chi phí thuốc thang, khám chữa bệnh.

Nếu có những "kẻ chiến thắng" xuất hiện trong bối cảnh ảm đạm này, thì đó chính là những nhà bán lẻ với các chương trình giảm giá. Nitori là một cửa hàng nội thất giá bình dân với câu khẩu hiệu nổi tiếng "Hơn cả số tiền bạn bỏ ra!". Theo đó, cửa hàng này đã mở rộng hoạt động kinh doanh, lọt top 10 nhà bán lẻ của cả nước, mỗi tháng lại có thêm khoảng 3 cửa hàng được khai trương. Cùng với đó là các cửa hàng đồng giá 100 yên, hầu hết đều chưa xuất hiện cho đến cuối những năm 1990, hiện đã có hơn 7.000 cửa hàng và thu về 7 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Một "tín đồ" của các cửa hàng giá rẻ, bà Naoko Ishikawa, 75 tuổi, chia sẻ: "Bây giờ không có lý do gì để cảm thấy xấu hổ khi mua sắm tại một cửa hàng 100 yên nữa."

Hương Giang

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên