Nỗi lo lạm phát
Tháng 11, lạm phát tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đang đối mặt nguy cơ lạm phát nhập khẩu. Trong khi đó, dịch COVID -19 được dự báo sẽ bùng phát trở lại với biến chủng mới khiến giới đầu tư và dòng tiền lập tức tìm kênh trú ẩn vào chứng khoán, vàng, bất động sản (BĐS).
- 24-11-2021Nguy cơ lạm phát hiện hữu dù sức mua yếu
- 17-11-2021Sớm chặn bóng ma lạm phát
- 16-11-2021Nhìn lại các gói kích thích kinh tế trước nỗi lo lạm phát: Mỹ, Trung Quốc 'hạn chế', Nhật Bản 'tăng cường', Việt Nam sẽ ra sao?
Tiền gửi tiết kiệm giảm
Theo các chuyên gia, lạm phát ở Mỹ đã tăng lên mức 6,2%, cao nhất trong 31 năm qua và vượt quá kỳ vọng 5,8% của giới phân tích. Đối với Canada, tỷ lệ lạm phát trong tháng 10/2021 tăng chóng mặt lên mức cao nhất 18 năm qua là 4,7%. Lạm phát của Mexico đang ở mức 6,2%, trong khi chỉ số lạm phát mục tiêu của nước này là 3%. Tại Đức, tỷ lệ lạm phát trong tháng 10/2021 là 4,5%, cao nhất kể từ năm 1993 đến nay.
Ở Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng CPI 10 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất trong 6 năm. Trong năm 2021, chỉ số CPI chỉ tăng mạnh (1,52%) trong tháng 2, còn lại 9 tháng chỉ tăng hoặc giảm nhẹ trong khoảng -0,2% đến 0,6%. Dự báo, cả năm 2021, CPI sẽ tăng khoảng 2,1-2,3%. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả trên thế giới tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận tải biến động, khan hiếm nhiên liệu... đã và đang đặt ra nhiều băn khoăn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022.
Nếu như trước đây, dòng tiền gửi tiết kiệm được coi là kênh trú ẩn an toàn thì nay, tiền gửi từ dân cư vào tổ chức tín dụng tiếp tục giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2021, tiền gửi của dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng là gần 5,2 triệu tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ đồng so với cuối tháng trước.
Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng có xu hướng chậm lại trong nhiều tháng gần đây và bắt đầu chững lại từ tháng 7 năm nay. Tháng 8 và tháng 9 là hai tháng liên tiếp ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với tháng liền kề, ở mức 1.000 - 1.500 tỷ đồng.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất ở mức thấp khiến tiền trong dân cư chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn. Đơn cử, chứng khoán đang là một trong những kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ trong tháng 10/2021 đã có hơn 129.564 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước.
“Đu” sang chứng khoán, vàng và bất động sản
Từ đầu năm đến nay, số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam tăng thêm hơn 1 triệu tài khoản, cao gấp 2,7 lần so với con số đạt được trong cả năm 2020 và cao hơn 85% so với số lượng tài khoản mới trong cả năm 2019 và 2020.
Cùng với lượng tài khoản mở mới gia tăng kỷ lục, thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng vọt. Có phiên giao dịch, thanh khoản tại 3 sàn đạt mức lịch sử hơn 56.000 tỷ đồng.
Thị trường phát triển nhảy vọt cả về thanh khoản và chỉ số. Nếu tính từ vùng đáy năm 2020, khi COVID-19 lần đầu tác động đến thị trường, VN-Index từng xuống mốc 659 điểm. Đến nay, chỉ số đã tăng 833 điểm. Chứng khoán được nhiều người coi là đến thời “mua là thắng”, nhà đầu tư bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, nhóm “phím hàng” để tìm kiếm 3 chữ cái (mã chứng khoán), bỏ qua những thông tin cơ bản về doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia về vàng cho biết, trước áp lực giá cả leo thang, các nhà đầu tư tìm những kênh “trú ẩn” tài sản khác nhau. Từ nhiều năm nay, nhiều nhà đầu tư đều đặn mua vàng bởi nỗi lo lạm phát.
Theo ông Hùng, vàng vượt lên mốc 60 triệu đồng/lượng từ tháng 10 và duy trì cho đến thời điểm này, thậm chí có tuần, giá vàng tăng vọt lên mức 62 triệu đồng/lượng. Ông Hùng đánh giá, giá vàng khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới.
Với kênh đầu tư BĐS, ghi nhận theo các báo cáo nghiên cứu thị trường cho thấy, từ tháng 10 đến nay, lượng giao dịch tại thị trường thứ cấp tăng mạnh. Nếu trong tháng 8 và 9 thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS chỉ ở mức 640 tỷ đồng và 685 tỷ đồng thì sang tháng 10 con số đã tăng hơn gấp đôi, đạt khoảng 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thị trường sơ cấp cũng sôi động không kém. Các buổi công bố sản phẩm hay giới thiệu dự án từ đầu tháng 11 đến nay đều chứng kiến lượng người quan tâm và tham dự đông kỷ lục.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào BĐS tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng “sốt’’ đất. Khi đại dịch xảy ra, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng có xu hướng rót vào BĐS.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng lĩnh vực BĐS vẫn có những tín hiệu tích cực, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, với chung cư và nhà ở riêng lẻ tại miền Bắc có 6.226 giao dịch; tại miền Trung có 2.792 giao dịch; tại miền Nam có 2.597 giao dịch; Tại Hà Nội có 1.745 giao dịch thành công, tại TP Hồ Chí Minh có 352 giao dịch thành công.
“Ba năm vừa qua, giá BĐS vẫn tăng, một số khu vực phân lô đất nền, giá đất còn tăng “nóng”. Tuy nhiên, việc tăng “nóng” này là do một số nhóm nhà môi giới, đầu cơ, kích cầu nên giá đã nhanh chóng tụt xuống”, ông Nguyễn Mạnh Khởi thông tin.
Tiền phong