MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lòng của môi giới BĐS: Không có sản phẩm bán, thu nhập giảm mạnh

22-11-2019 - 10:52 AM | Bất động sản

Không chỉ môi giới doanh nghiệp mà môi giới tự do cũng “lao đao” khi thu nhập liên tục bị lao dốc bởi không có hàng để bán, thậm chí có hàng cũng khó bán.

Đó là thực tế đang diễn ra tại thị trường nhà đất Tp.HCM ở giai đoạn này. Khá nhiều sàn BĐS cắt giảm nhân sự, trong khi thu nhập của môi giới giảm mạnh so với trước. Có trường hợp môi giới “tạm nghỉ nghề”, chuyển sang làm việc khác, chờ thị trường tốt lên.

Thu nhập môi giới giảm mạnh

Tiếp xúc với nữ môi giới tên Cẩm Nhung, là môi giới tự do, chuyên bán đất nền khu Đông Sài Gòn, Nhung chia sẻ: “Khó khăn chị ạ. Gần 3 tháng nay em chưa có giao dịch nào!”. Chúng tôi không quá bất ngờ với chia sẻ của Nhung bởi đây là tình trạng chung mà các môi giới đất nền Tp.HCM đang gặp phải khi mà không có nguồn hàng mới để bán, trong khi hàng cũ giá đã khá cao, nên dường như rất ít giao dịch xảy ra.

Nữ môi giới này giãi bày: “Thời điểm đầu năm 2019, tụi em bán hàng lai rai cho người mua ở thực, bình quân 1 tháng có 1 giao dịch. Nhưng khoảng 4-5 tháng nay thị trường “đứng” hẳn, kiếm khách khó khăn. Một số nền, NĐT giảm giá để bán ra hàng nhanh nhưng vẫn không có khách hỏi mua. Hoặc khách có đi xem đất nhưng họ không mua”.

Nỗi lòng của môi giới BĐS: Không có sản phẩm bán, thu nhập giảm mạnh - Ảnh 1.

Nhiều môi giới BĐS phải linh động thêm công việc khác rồi đợi thị trường tốt lên. Ảnh: Hạ Vy

Ước tính về thu nhập, Nhung cho biết, nếu so với thời điểm cuối năm 2017 thì thu nhập hiện tại giảm khoảng 60-70%. Nguyên 3 tháng nay em không có thu nhập do chưa bán được hàng.

Cùng tâm trạng, Vũ Tuấn Tú là môi giới cho một sàn BĐS ở P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, Tp.HCM cũng tỏ ra khá rầu rĩ khi cho biết, vài tháng nay chủ yếu hưởng lương cứng. Cũng có một số nền NĐT gửi lại bán nhưng bán chậm nên thu nhập bị gián đoạn.

Kể về thời “hoàng kim” của mình, Tú nói, đó là năm 2016 đến giữa năm 2018, một ngày có thể giao dịch được 2-3 nền. Giai đoạn đó, ngoài việc môi giới Tú còn có tiền để đầu tư đất, mua xe. Nhưng từ cuối năm 2018 đến nay thị trường đất nền Tp.HCM chậm lại nên thu nhập cũng bấp bênh theo, tháng được, tháng không có gì. Khoảng vài tháng nay, nam môi giới phải linh động kết nối thêm với sản phẩm ở các khu vực tỉnh lân cận để chào khách.

Nhưng khi được hỏi, liệu có bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác thì nam môi giới này khẳng định, sẽ không bỏ nghề chỉ là tạm thời linh động thêm công việc khác rồi đợi thị trường tốt lên.

Theo ghi nhận, lượng khách hàng tìm kiếm đất nền tại khu vực Tp.HCM vẫn còn nhưng chậm, đa số họ tìm nền đất giá rẻ nhất (đã có sổ) để mua và kì vọng mức giá còn tăng trong thời gian tới. Bên cạnh việc không có hàng mới để bán thì hàng cũ giá đã quá cao cũng là lý do môi giới chào bán chậm hơn so với trước đây.

Được biết việc bán hàng chậm đa số diễn ra ở thị trường nhà đất Tp.HCM, còn các môi giới khu vực tỉnh lân cận thì thu nhập vẫn khá ổn vì giao dịch đang ổn định, mặc dù cũng ít có những con số “đột phá” như trước đây.

Doanh nghiệp “gồng mình” nuôi quân

Trước bối cảnh khan hàng bán, doanh nghiệp BĐS cũng lâm vào thế khó. Bên cạnh việc tìm kiếm sản phẩm ngoài địa phận Tp.HCM để cho môi giới bán, duy trì hoạt động doanh nghiệp thì đại diện các sàn giao dịch BĐS đều tỏ ra bị áp lực khi mà thời điểm này phải “gồng mình” để bù các chi phí hoạt động, trong khi chưa có sản phẩm để bán ra.

Đại diện một doanh nghiệp BĐS có trụ sở tại Q.5, Tp.HCM cho biết, chi phí trung bình một tháng doanh nghiệp phải chi là 6 tỉ đồng. Hiện tại cũng khá áp lực vì vấn đề tìm sản phẩm để cho anh em môi giới bán trong khi đợi dự án đầu tư hoàn thành thủ tục.

Một doanh nghiệp BĐS có trụ sở tại Q.7, thành lập cách đây 1 năm hiện cũng rơi vào cảnh “gồng mình” nuôi gần 200 nhân sự. Từ đầu năm đến, theo vị CEO này, nhân viên môi giới chỉ lai rai bán hàng cũ. Kế hoạch là doanh nghiệp đang tìm kiếm sản phẩm tỉnh lân cận để anh em có hàng bán đến Tết. Dự báo thu nhập Tết của anh em môi giới năm sẽ không bằng năm ngoái.

Nỗi lòng của môi giới BĐS: Không có sản phẩm bán, thu nhập giảm mạnh - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp BĐS đang bị áp lực trước bối cảnh TT khó khăn chung. Ảnh: Minh họa internet

Theo ghi nhận, một số ít dự án chung cư đang triển khai trên thị trường Tp.HCM chủ yếu tập trung ở các ông lớn BĐS. Tuy vậy, rổ hàng khiêm tốn trong khi có một số doanh nghiệp “nuôi” cả 1.000 sales, nếu tính ra mỗi sản phẩm được bán bởi 4-5 môi giới, sự cạnh tranh rất lớn.

Chưa kể, hiện nay một số sàn dự tính cắt giảm nhân sự để ổn định hoạt động công ty trong dài hạn. Nếu cứ tình trạng không có hàng để bán, trong khi chi phí phải chi ra hàng tháng đều đặn thì một số doanh nghiệp bị “đuối sức”. Một lãnh đạo doanh nghiệp BĐS chia sẻ, thực tế bản thân doanh nghiệp không muốn mất nhân sự nghỉ việc, vẫn nỗ lực để tìm kiếm quỹ đất, dự án để nhân viên có hàng bán đều đặn, nhưng “cái khó bó cái khôn”, nếu cứ gồng mình để hoạt động vừa ảnh hưởng đến hoạt động chung của công ty, mà thu nhập của nhân viên cũng bị giảm sút. Cho nên, lựa từng thời điểm, việc cắt giảm nhân sự là một giải pháp giải quyết nhất thời trước khó khăn.

Được biết, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động bằng cách linh hoạt tìm kiếm, hợp tác sản phẩm. Còn những doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoặc mới thành lập thì thực sự đang gặp khó khăn trước bối cảnh thị trường hiện nay.

Hạ Vy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên