Nới lỏng giãn cách xã hội: Hân hoan đấy, nhưng đừng chủ quan!
Chúng ta có thể mừng thầm vì 7 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới nào xuất hiện. Chúng ta có thể hân hoan vì hôm nay có cảm giác dễ chịu hơn một chút. Nhưng có một sự thật là virus SARS-CoV-2 kia chưa hoàn toàn được khống chế.
- 23-04-2020Hà Nội tĩnh lặng trong tối trước khi nới lỏng giãn cách xã hội
- 22-04-2020"Nới lỏng" giãn cách xã hội: Tuân thủ "5 an toàn", cẩn trọng các khu tập trung đông dân, ký túc xá
Những hân hoan khi nới lỏng giãn cách
Sáng nay bạn đã đi ăn phở chưa? Đã tụ tập bạn bè cafe một chút ngắm phố xá sau 21 ngày hạn chế tiếp xúc xã hội chưa? Đã kịp chụp vài tấm ảnh đường phố phần nào nhộn nhịp sau những ngày giãn cách chưa? Nếu rồi, hẳn là bạn sẽ yêu trải nghiệm đó lắm. Hãy lưu giữ nó như một kỷ niệm đẹp, và về nhà ngay khi xong việc nhé.
Nếu chưa, cảm ơn bạn, vì vẫn nghiêm túc chấp hành lệnh giãn cách, ngay cả khi nó vừa được nới lỏng đêm qua.
Hôm nay là một ngày không có tiền lệ. 18h chiều qua, Thủ tướng thông báo nới giãn cách xã hội, Hà Nội và Sài Gòn đều được hạ mức nguy cơ. Khỏi phải nói, người dân hân hoan thế nào sau 3 tuần nghiêm chỉnh ở nhà để chống dịch COVID-19.
Sáng nay, có lẽ sẽ có người vừa chạy bộ vừa hít hà mùi xăng mà thấy thơm tho. Có người ngửi khí thải xe cộ trong tắc đường mà cảm giác hân hoan dâng trào. Và Facebook sẽ ghi nhận nhiều người check-in ở văn phòng như là họ yêu nó, yêu công việc của mình lắm (dù có thể mới tháng trước họ còn phát ngán, muốn nghỉ việc chết đi được).
Đêm qua, người ta đã hân hoan lên mạng liệt kê với nhau những quán phở ngon, những hàng bánh mì không ăn là phí đời, đã hò hẹn gặp gỡ một chút. Nhiều quán phở, quán ăn hẳn đã nhanh chóng xoay được nguyên liệu để đáp ứng cơn háo hức của thực khách. Không ít quán cafe đã kịp dọn dẹp, quét tước để rục rịch mở lại.
Người ta nói đùa nhau rằng, đêm qua là đêm giao thừa, chỉ thiếu mỗi pháo hoa. Và hôm nay dù không đào không mai, chỉ có sao dầu xoay xoay và phượng vĩ chớm nở, vẫn vui như là mùng 1 Tết. Và người ta hân hoan, vì trẻ con nghỉ ở nhà ít hôm nữa thôi là được đi học, bố mẹ lại hỉ hả có thời gian tung tẩy việc riêng. Người ta đã nghĩ đến việc rút tiền tiết kiệm để du lịch xả hơi, vì tin rằng chỉ ít hôm nữa thôi, mọi sự sẽ trở lại bình thường...
Niềm vui ấy, chẳng phải không có tí cơ sở nào, vì đã 1 tuần qua, Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 nào mới. Niềm vui ấy cũng dễ hiểu thôi, vì sau 3 tuần, người ta đã cảm thấy “quá nhiều” khi phải ở nhà gần như toàn thời gian, với những yêu thương và cả rắc rối dưới mái nhà. Niềm vui ấy cũng chẳng có gì không lành mạnh, vì giao tiếp xã hội, gặp gỡ người ngoài là nhu cầu thiết yếu của bất cứ ai, nhất là sau những ngày căng thẳng, lo lắng vì COVID-19.
Nhưng hôm nay chưa phải ngày công bố hết dịch ở Việt Nam.
Hôm nay cũng chưa phải ngày chúng ta toàn thắng trước virus SARS-CoV-2. Cũng không phải tất cả bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn và trở về trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo.
Hôm nay, đơn giản chỉ là ngày mà mọi thứ được nới lỏng thêm một chút, để một cuộc chiến mới bắt đầu.
Sau 3 tuần giãn cách xã hội, cùng với những tín hiệu vui của công tác phòng chống dịch, những căng thẳng trong kinh tế xã hội, trong cuộc sống dân sinh, những vất vả của một số bộ phận bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 ở đó đây đã phát lộ.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch vào chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Phòng, chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay”.
Và nới lỏng giãn cách xã hội, là tiền đề cho việc trở lại cuộc sống tương đối bình thường, để giao thương trôi chảy, để người dân có thể đi làm kiếm sống, để những đối tượng nhạy cảm với sự biến động kinh tế có cơ hội phục hồi. Các nhà quản lý hết sức nhân văn và có lẽ đã trăn trở lắm mới đưa ra quyết định đó.
Nhưng đừng quên, chúng ta phải kiếm sống song song với việc bảo toàn mạng sống của mình, gia đình và cộng đồng nữa.
Đừng chủ quan mà "đổ bỏ" công sức của chúng ta suốt những ngày qua
Chúng ta hân hoan một chút, thở phào một chút cũng không sao. Chúng ta thèm quay quắt một bát phở, một ly cafe, một hớp khí trời bên ngoài cũng ổn thôi. Nhưng chúng ta không được phép nghĩ rằng, mình (và cả xã hội) đã an toàn tuyệt đối, và cứ thế sống-bình-thường-như-trước-khi-có-dịch.
Dịch bệnh lần này đã dạy người ta nhiều thứ. Rằng chúng ta cần biết trân quý thiên nhiên. Rằng không khí chúng ta đang thở là miễn phí, mà khi còn được hít căng hai lá phổi thứ oxi tự nhiên đầy hương vị, ta cần phải học cách giữ gìn, chăm chút nó. Rằng con người thực ra rất nhạy cảm, và dù có sức mạnh chiếm lĩnh năm châu bốn bể, chinh phục mọi ngóc ngách của Trái Đất, ta vẫn có thể bị hạ gục chỉ bằng một con virus nhỏ tí ti, vô hình trong đôi mắt trần thế.
Rằng tiền, có đôi khi chỉ là giấy, khi ta có nó trong tay mà chẳng có cơ hội để tiêu; hoặc tiền là sự sống, nếu không có tích lũy để duy trì áo cơm trong những ngày ngặt nghèo. Rằng trong thảm họa, sự tử tế, hào hiệp và cả sự ích kỷ, độc ác của con người được phô bày rõ rệt, mà không mặt nạ nào đắp điếm được....
Và dịch cũng dạy chúng ta rằng, hơn bao giờ hết, con người ta thật ra rất cần có nhau, và liên đới với nhau theo một mối quan hệ chằng chịt. Bởi thế, một bước chân ham vui của ai đó bên ngoài, có thể kéo theo gánh nặng của hàng ngàn người khác, dù nhìn qua có vẻ chẳng liên quan cho lắm.
Đồng ý rằng, chúng ta đã và đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch và điều trị COVID-19, trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng căng thẳng. Đồng ý rằng, ngành y đã chiến thắng hai trận, trận đầu là làn sóng 16 người nhiễm bệnh có yếu tố Trung Quốc; trận sau, kinh khủng hơn, khi những người về từ châu Âu nhiễm bệnh kéo theo lây lan trong cộng đồng, với 6 ổ dịch lớn.
Nhưng trước mặt chúng ta còn một trận chiến quan trọng hơn, đó là cùng nhau bảo vệ thành quả phòng chống dịch song song với phục hồi, phát triển kinh tế. Đó là trận chiến mà chúng ta phải đặt tinh thần trách nhiệm cao hơn, quyết liệt hơn trước. Bởi càng nới lỏng giãn cách, ta càng cần đặt lên vai mình trách nhiệm bảo vệ cho cả cộng đồng, để những nỗ lực của cả xã hội và sự hy sinh tự do cá nhân của chúng ta trong suốt những tuần qua được bảo toàn.
Đây chưa phải là lúc ta thoải mái ra đường chơi khi không có việc gì cấp thiết. Chưa phải lúc ta hò hẹn thoải mái, tụ tập nhậu nhẹt cho “xả” những ngày cách ly tại gia. Chưa phải lúc ta ca khúc khải hoàn vội vã, chủ quan nghĩ rằng mình an toàn.
Vì đừng quên, virus SARS-CoV-2 cực kỳ dễ lây qua tiếp xúc, và nó sẽ tấn công bất cứ ai, sẽ tìm cách đoạt mạng những người lớn tuổi, người đề kháng yếu và có bệnh nền. Đừng quên bên ngoài đất nước chúng ta, hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm COVID-19, gần 180 nghìn người tử vong. Đừng quên các nhà khoa học đang cảnh báo, có khoảng 25 - 50% bệnh nhân nhiễm bệnh mà không có triệu chứng gì, không biết rằng họ đang mang virus và vô tình lây nhiễm cho người khác.
Gánh nặng với nền y tế sẽ khủng khiếp đến nhường nào, nếu chúng ta chủ quan đi lang thang một cách vô tư, tiếp xúc thoải mái với mọi người mà không thể biết, chính chúng ta và họ có phải người lành mang trùng hay không. Kịch bản nào sẽ chờ đợi, nếu bỗng chốc xuất hiện thêm quá nhiều bệnh nhân mà không biết ai là F0, F1… vì mọi người tự nới lỏng những quy tắc phòng dịch, “quên” rửa tay như thể mạng sống của chúng ta phụ thuộc vào điều đó, lơ là việc đeo khẩu trang nơi công cộng?
Cần nhắc lại, nới lỏng cách ly xã hội không có nghĩa là nước ta đã hết dịch, không có nghĩa là chúng ta mặc kệ những biến động của thế giới trước COVID-19 và tự huyễn rằng, sẽ chẳng có làn sóng thứ ba, thứ tư… Chúng ta chỉ có thể tự tin như vậy, nếu cả xã hội đồng lòng với các nhà chức trách, tuân thủ nghiêm túc giãn cách xã hội, không tới chỗ đông người khi không thực sự bức thiết và ý thức trong việc đeo khẩu trang khi ra đường.
Thậm chí, chúng ta cần tự ghi lại lịch trình bất thường của mình, đề phòng có tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bản thân nghi nhiễm bệnh, để chung tay phát hiện nhanh các đối tượng tiếp xúc, giảm tải công sức chạy theo điều tra khi có ca (nghi) nhiễm mới.
Mà tốt nhất, nếu không thực sự cần kíp đến mức không ra đường là nguy cấp, đừng chiều chuộng cái sự "thèm người" của chúng ta một cách dễ dãi. Nếu vẫn có thể làm việc ở nhà mà vẫn đảm bảo hiệu suất công việc, hãy tiếp tục guồng quay đó, như chúng ta vẫn đang làm suốt 3 tuần qua. Đừng quên, chúng ta có thể sống vui vẻ và thoải mái ở nhà như thế nào trong suốt thời gian giãn cách trước đây.
Nếu thích, bạn cứ gọi hôm nay là mùng 1 Tết lần hai cũng được. Nhưng hãy ứng xử với ngày hôm nay đúng như Nguyên đán: Mọi thứ chỉ là khởi đầu. Cuộc chiến mới với dịch COVID-19 vẫn đang phía trước. Giãn cách có nới lỏng thật, nhưng bản thân mỗi chúng ta sẽ không chủ quan mà cần duy trì kỷ luật, thậm chí còn khắt khe hơn trước để COVID-19 không có cơ hội bùng phát ở Việt Nam, làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta thêm lần nữa.
Trong chuỗi ngày đầy biến động này, aFamily khởi động chiến dịch “Doanh trại hạnh phúc” nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến từ các gia đình. Chúng tôi mong muốn xây dựng một cộng đồng, nơi phụ nữ có thể cùng chia sẻ hỗ trợ cho nhau, đồng thời cũng là hỗ trợ cho Tổ Quốc cùng chống lại đại dịch Covid-19.
Nếu coi khoảng thời gian này chính là một trận chiến chống lại giặc Covid-19 thì mỗi chúng ta, ai cũng là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một “doanh trại tại gia”. Hành trang trong tay là ý thức vì cộng đồng, vũ khí của chúng ta là sự đoàn kết. Nếu các bác sĩ, những đội ngũ y tế là lực lượng tiền tuyến thì chúng ta chắc chắn sẽ là những chiến sĩ hậu cần.
“Doanh Trại Hạnh Phúc" là một chuỗi các thử thách để đánh giá các doanh trại có thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 hay không. Các thử thách được chia thành 4 nhóm chủ đề:
Tập huấn Khỏe tại gia: Những phút giây gia đình tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe
Tập huấn Bếp chúng mình: Những hoạt động xoay quanh các bữa ăn hàng ngày của gia đình như đi chợ, lên thực đơn dinh dưỡng, chế biến món ăn,...
Tập huấn Nhà yêu dấu: Các chiến sĩ cùng nhau làm việc nhà: dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, …
Tập huấn Vui tuyệt đỉnh: Những hoạt động giải trí, trải nghiệm khác của gia đình như trồng cây, làm đồ chơi từ những vật dụng cũ,...
Các doanh trại được chọn bất cứ thử thách nào để tham gia cuộc thi. Không giới hạn số lượt gửi bài dự thi, càng tham gia nhiều thử thách cơ hội trúng giải càng cao. Doanh trại chia sẻ hình ảnh/video quá trình thực hiện thử thách kèm 1 đoạn mô tả tối thiểu 100 chữ về câu chuyện cách ly tại gia của gia đình mình. Nội dung hợp lệ là cần đảm bảo yếu tố an toàn trong mùa dịch.
Các bài dự thi sẽ được đăng tải trên website của cuộc thi và được bình chọn để trao giải thưởng.
Vừa chung tay đẩy lùi "giặc" Covid-19, lại vừa nhận về những phần quà giá trị, các doanh trại còn chờ gì mà không tham gia ngay thôi! Thông tin chi tiết về chiến dịch độc giả xem tại: dthp.vn
Trí thức trẻ