"Nới lỏng" giãn cách xã hội: Tuân thủ "5 an toàn", cẩn trọng các khu tập trung đông dân, ký túc xá
Khi nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế, sản xuất sẽ được phục hồi, học sinh đi học trở lại… Trong bối cảnh đó, cần có những quy định về phòng dịch càng cụ thể càng tốt ở từng lĩnh vực. Đặc biệt chú ý những nơi tập trung đông người lao động, các khu ký túc xá...
- 21-04-20207 công việc tại gia nếu bạn cứ làm đều đặn trong khoảng thời gian giãn cách xã hội thì sẽ giúp duy trì sức khỏe thể chất lành mạnh không khác gì tập gym
- 07-04-2020PGS.TS Nguyễn Huy Nga: "Nếu chúng ta không thực hiện tốt giãn cách xã hội thì dịch bùng phát và lúc đó sẽ có đỉnh"
- 05-04-2020Từ dịch Covid-19, nhìn lại đại dịch cúm từng giết chết 100 triệu người để thấy vì sao nên giãn cách xã hội
Người dân cùng một lúc vi phạm nhiều quy định: Ra đường khi không thật cần thiết; không đội mũ bảo hiểm; không đeo hoặc đeo khẩu trang không đúng quy định (ảnh chụp trên phố Hàng Gai trưa 21/4/2020). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Phải thực hiện “5 an toàn” đảm bảo phòng dịch
Tính đến ngày 22/4, Việt Nam đã hoàn thành 22 ngày thực hiện giãn cách xã hội, kết quả đạt được là 6 ngày liên tiếp (17-22/4) không ghi nhận thêm ca mới mắc COVID-19, số ca mắc các ngày trước đó cũng giảm rõ rệt.
Đây là thành quả không nhỏ nhờ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện tốt công tác khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch, nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân.
Đánh giá về hiệu quả của cách ly xã hội thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Việc không ghi nhận ca mới mắc COVID-19 liên tục trong những ngày qua là một tín hiệu mừng. Thời gian vừa qua, Việt Nam thực hiện việc giãn cách xã hội, người dân đã thực hiện hạn chế tiếp xúc nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, việc người dân ở nhà cũng là biện pháp giúp những người không biết mình mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hay không triệu chứng, không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng".
Thành công lớn nhất của giãn cách xã hội là hạn chế sự thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng, để dịch không bùng lớn. Tuy nhiên thực tế sắp tới, vẫn có thể có những ổ dịch nhỏ, cần cố gắng khống chế, không để "đốm lửa bùng thành đám lửa lớn".
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu theo đề xuất, sau ngày 22/4, nhiều địa phương sẽ được “nới lỏng” khi các hoạt động kinh tế, sản xuất đi vào hoạt động; học sinh cũng chuẩn bị đi học trở lại, lúc này toàn dân không chỉ tiếp tục thực hiện triệt để quy tắc “4 an toàn”, mà thậm chí là “5 an toàn”, mới đảm bảo phòng dịch.
Cụ thể “5 an toàn” cần thực hiện là:
Thứ nhất, người dân tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang vì đeo khẩu trang là việc quan trọng nhất trong phòng chống các bệnh lây lan qua đường hô hấp.
Thứ hai là phải tiếp tục duy trì, tránh việc giao tiếp gần dưới 2 mét.
Thứ 3 là không nên tụ tập đông người.
Thứ 4 là hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết và đặc biệt lưu ý những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.
Thứ 5 là khai báo y tế đầy đủ, nhất là khi có những triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, kể cả triệu chứng mệt mỏi mà không tìm ra nguyên nhân… khi khai báo, người dân sẽ được tư vấn, hướng tới làm xét nghiệm, chẩn đoán điều trị, sàng lọc ca bệnh trong cộng đồng.
"Sắp tới, các hoạt động bình thường trở lại sẽ làm tăng những nơi tập trung đông người, nếu không quyết liệt thực hiện phòng bệnh dịch rất dễ bùng phát mạnh. Bởi hiện tại trong cộng đồng chưa thể hết ca bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, nhất là những trường hợp nhẹ không có biểu hiện rõ các triệu chứng bệnh dễ làm lây lan ra cộng đồng", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh thêm lần nữa.
Đặc biệt chú ý trường học, khu công nhân, KTX
“Khi các hoạt động trở lại, mỗi lĩnh vực cần có những quy định cụ thể, càng cụ thể càng tốt về phòng dịch để dễ thực hiện và kiểm tra. Hiện Bộ Y tế đã xây dựng những hướng dẫn nguyên tắc chung với từng môi trường như: Trong nhà máy xí nghiệp, cho hệ thống phương tiện công cộng, cho các loại hình phương tiện giao thông… nhưng mỗi bộ, ngành cần có quy định chi tiết riêng”, PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất.
Cụ thể, khi các tỉnh thành cho học sinh đi học trở lại, quan trọng nhất là đảm bảo trường học an toàn. Muốn vậy, phải tạo ra được môi trường đảm bảo, ổn định tâm lý cho học sinh, các phụ huynh yên tâm. Hiện Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế,xây dựng những quy định cụ thể, chi tiết làm thế nào để có trường học an toàn.
Trong đó, cần phải chú ý các nguyên tắc bắt buộc như: Học sinh phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, vệ sinh khử khuẩn bàn ghế hàng ngày. Những trường hợp học sinh nào bị sốt được phát hiện thông qua việc đo nhiệt độ tại trường và khai báo của gia đình đều phải tiến hành khai báo và cho nghỉ học.
Đặc biệt, việc vệ sinh khử khuẩn trường học là vô cùng quan trọng, phải có quy định cụ thể về việc rửa tay, lau chùi bàn ghế; khuyến cáo các bà mẹ nên trang bị cho mỗi con em mình mang theo trong người lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn, ngoài việc nhà trường bố trí các điểm rửa tay xà phòng, dung dịch sát khuẩn…
Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (Cà Mau) rửa tay khử khuẩn để phòng, chống dịch dịch COVID-19. Ảnh: Kim Há/TTXVN
Bên cạnh đó, việc hoạt động trở lại các nhà máy, xí nghiệp, giao thông… cũng cần quy định riêng về phòng chống dịch. Hiện nay, đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhiều công ty đã làm rất tốt các việc như: Đo nhiệt độ của cán bộ, công nhân ra vào, bố trí ngồi cách xa nhau kể cả lúc ăn, lúc làm việc và thực hiện đeo khẩu trang… Quan trọng nhất trong thời gian tới là người dân không được chủ quan, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để những người lao động biết cách phòng bệnh.
"Việc quy định chi tiết các biện pháp phòng bệnh ở các lĩnh vực còn giúp cho người dân dễ dàng thực hiện và cũng dễ cho việc các cơ quan chức năng đi kiểm tra. Việc kiểm tra cũng vô cùng quan trọng để có thể quyết định cho việc hoạt động hay không thì mới đảm bảo nguyên tắc phòng bệnh", PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thời gian tới, cũng cần đặc biệt chú ý vấn đề phòng dịch tại các khu ở tập trung của công nhân, các khu ký túc xá… là những nơi khó kiểm soát và dễ lây lan dịch bệnh. Vừa qua, Singapore đã để lại bài học khi chủ quan, đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư.
Bên cạnh đó, ở khu ký túc xá các trường trung học, đại học, việc ăn ở của các học sinh, sinh viên, phòng bệnh trong khu tập trung cũng phải đặt lên hàng đầu. Vì đây là môi trường rất dễ lây lan do khó thực hiện triệt để được khoảng cách giao tiếp của các học sinh ở nơi ở.
"Do vậy, để tránh trường hợp dịch bùng lên tại các khu ở tập trung, cần phải thấy các khu ký túc xá, gia đình công nhân ở tập trung gần các khu công nghiệp là đối tượng cần quản lý. Việc quản lý, có cảnh báo để sớm phát hiện những ca bệnh đầu tiên nếu có ở những nơi nguy cơ cao; nếu có ca bệnh, thì khẩn trương khoanh vùng... sẽ giúp khống chế được ổ dịch" PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Báo tin tức