MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi sợ về Huawei đã khiến thương vụ M&A lớn nhất làng công nghệ đổ bể như thế nào?

14-03-2018 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Huawei Technologies hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới và cũng đứng số 1 thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (13/3) đã có 1 động thái chưa từng có tiền lệ khi chặn đứng thương vụ Broadcom Ltd thâu tóm Qualcomm với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Động thái này được đánh giá là phản ánh nỗi lo ngày càng gia tăng về sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, bởi vì lý do chính dẫn đến quyết định "đánh chìm" thương vụ nếu hoàn tất sẽ là vụ M&A lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ lại chính là Huawei Technologies – nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới và cũng đứng số 1 thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông.

Tổng thống Trump đã hành động dựa trên khuyến nghị của Ủy ban đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CFIUS), cơ quan chuyên đánh giá về các mối đe dọa an ninh quốc gia từ các thương vụ M&A. Theo kết luận của cơ quan này, thương vụ giữa Broadcom và Qualcomm có thể làm suy yếu các hoạt động đầu tư của Mỹ vào công nghệ chip và không dây, dẫn đến vị trí lãnh đạo thị trường rơi vào tay 1 công ty Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD để phát triển các hệ thống không dây thế hệ tiếp theo.

1.Huawei là tập đoàn như thế nào?

Ra đời hơn 30 năm trước, Huawei từ 1 công ty công nghệ nhỏ bé ít ai biết đến đã trở thành 1 trong những công ty quan trọng bậc nhất thế giới trong mảng viễn thông, dẫn đầu nhiều mảng như thiết bị viễn thông, smartphone, điện toán đám mây và an ninh mạng. Với doanh thu 2017 đạt khoảng 600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 95 tỷ USD), Huawei tạo ra nhiều doanh thu hơn cả những tập đoàn nổi tiếng của nước Mỹ như Home Depot hay Boeing, đồng thời lớn gấp đôi Broadcom và Qualcomm cộng lại.

2.Huawei đóng vai trò như thế nào trong thương vụ của Broadcom và Qualcomm?

Huawei không hề liên quan đóng vai trò trực tiếp nào trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên cái tên này vẫn được nhắc đến rất nhiều vì tầm ảnh hưởng ngày càng lớn.

3.Tại sao phải lo lắng về Huawei?

CFIUS lo ngại rằng Broadcom sẽ cắt giảm nguồn vốn dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Qualcomm, giúp Huawei mạnh lên ở thời điểm các đối thủ từ Ericsson đến Nokia đều đang phải đối mặt với tình trạng cắt giảm đầu tư cho viễn thông. Về lý thuyết thì điều này sẽ đem phép các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE có thể "ngồi ghế trước" điều khiển phương hướng phát triển công nghệ viễn thông không dây, từ đó gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ.

CFIUS đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ thân thiết giữa Broadcom và Huawei. Năm 2012, Ủy ban tình báo Mỹ đã liệt Huawei và ZTE vào danh sách đen vì những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

4.Mối quan hệ giữa Broadcom và Huawei là như thế nào?

Huawei sử dụng các con chip của Broadcom trong các sản phẩm nối mạng, ví dụ như các thiết bị chuyển mạch (swich) điều hướng lưu lượng data giữa các máy tính được kết nối. Qualcomm cũng hợp tác với Huawei. Ngày 21/2 hai bên vừa thông báo đã hoàn thành thử nghiệm công nghệ tăng tốc mạng di động 5G. Điều này có thể dẫn đến kịch bản các nhà mạng không dây buộc phải quay sang Huawei hoặc các công ty Trung Quốc khác để mua các thiết bị viễn thông hiện đại nhất. Đây là điều mà Chính phủ Mỹ không thể chấp nhận do những lo ngại về an ninh. Hồi tháng 1 Huawei đã không thể đạt được thỏa thuận với nhà mạng Mỹ AT&T, dẫn đến không thể bán những chiếc điện thoại đời mới nhất của hãng cho người tiêu dùng Mỹ.

5.Các công ty Trung Quốc khác có bị ảnh hưởng không?

Động thái của ông Trump là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Mỹ đang có thái độ rất khắt khe đối với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Mỹ, rộng lớn là đối với hoạt động thương mại Mỹ - Trung. Về phần mình, Huawei hiện đang cung cấp rất nhiều cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng cho các nước châu Âu, châu Phi và cả khu vực Trung Đông.

6.Chính xác thì mối quan hệ giữa Huawei và Bắc Kinh là như thế nào?

Huawei được thành lập năm 1987 bởi Ren Zhengfei, người từng là kỹ sư của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc. Trong 1 báo cáo mà Mỹ công bố năm 2012, Huawei và ZTE bị xếp vào danh sách những mối đe dọa tiềm năng đối với lợi ích an ninh Mỹ do những dấu hỏi về mối quan hệ giữa Huawei và Chính phủ Trung Quốc. Sau nhiều cuộc phỏng vấn trong đó có cả với Ren, báo cáo kết luận Huawei đã không thể giải thích thỏa đáng về mối quan hệ này.

Dĩ nhiên Huawei nhiều lần bác bỏ kết luận này và khẳng định Ren và những người lao động của Huawei chính là chủ sở hữu. Trong mấy năm gần đây Huawei bắt đầu minh bạch hơn trong việc công bố kết quả kinh doanh, chi nhiều hơn cho marketing và tương tác với các hãng truyền thông nước ngoài.

7.Động thái của ông Trump sẽ giúp ích cho Mỹ trong cuộc đua 5G?

Không có điều gì là chắc chắn cả. Cùng với ZTE, Huawei đã bắt đầu chi hàng tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này từ năm 2009 và Trung Quốc hiện là một trong những nước nắm nhiều bằng sáng chế nhất (cả trong nước và quốc tế), bao phủ mọi thứ từ truyền dữ liệu đến an ninh hệ thống. Huawei (sở hữu khoảng 10% số bằng sáng chế về 5G) đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có thể thương mại hóa hoàn toàn mạng 5G.

Sự trỗi dậy của Huawei trùng hợp với xu hướng đi xuống của những đối thủ như Ericsson and Nokia. Huawei giờ đây không chỉ là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới mà còn cạnh tranh trực tiếp với Qualcomm khi đã có thể tự thiết kế chip của riêng mình.

Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về 5G – công nghệ tân tiến cho phép tải lên những video nhanh hơn và có dung lượng lớn hơn sẽ mở ra sân chơi hoàn toàn mới cho thị trường ứng dụng di động. Trong 1 cuộc phỏng vấn với CCTV tuần trước, Bộ trưởng công nghệ thông tin nước này tự tin khẳng định Trung Quốc thậm chí đã sẵn sàng để phát triển công nghệ 6G.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên