Nơi 'thừa mứa' nhân sự phải sa thải ồ ạt, chỗ tuyển hàng trăm nghìn người 1 tháng: Chuyện gì đang xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất thế giới?
Lãi suất, lạm phát tăng cao và nỗi lo suy thoái kéo dài. Dẫu vậy, các doanh nghiệp ở Mỹ vẫn đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng.
- 09-02-2023Thị trường dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất lên 6%, vượt xa kỳ vọng trước đó
- 09-02-2023Độc lạ toà nhà chọc trời được xây từ trên xuống: Công nghệ mới vừa tiết kiệm chi phí, vừa không tốn nhân công
Sự bùng nổ diễn ra ở các ngành ít được chú ý
Trong 3 tháng cuối cùng của năm 2022, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 1,1 triệu việc làm và tiếp tục tăng cường tuyển dụng vào tháng 1. Điều này có vẻ khó hiểu khi nền kinh tế năm ngoái đã hạ nhiệt, với dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đã giảm chi tiêu và một loạt các công ty thông báo cắt giảm nhân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Sự bùng nổ trong hoạt động tuyển dụng diễn ra ở các lĩnh vực lớn nhưng thường ít được chú ý đến. Các nhà hàng, bệnh viện, viện dưỡng lão và trường mẫu giáo đã bổ sung nhân sự sau thời kỳ đại dịch. Những công việc mới đó thậm chí còn nhiều hơn cả số lượng việc làm bị cắt giảm các nhà tuyển dụng lớn như Amazon hay Microsoft.
Các công ty trong ngành y tế, giáo dục, giải trí và khách sạn cùng các dịch vụ khác như giặt là và sửa chữa ô tô chiếm khoảng 36% tiền lương của khu vực tư nhân. Tổng cộng, các ngành này đã tạo thêm 1,19 triệu việc làm trong 6 tháng cuối của năm 2022, chiếm 63% tổng số việc làm của khu vực tư nhân trong thời gian đó.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ - cắt giảm nhân sự trong 2 tháng liên tiếp, chỉ chiếm 2% tổng số việc làm của khu vực tư nhân.
Xu hướng tuyển dụng ồ ạt trong các dịch vụ hàng ngày cho thấy đây là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời kỳ đại dịch. Khi đó, 22 triệu việc làm đã bị “mất”. Sau khi nhu cầu tăng cao hậu đại dịch, các ngành này bắt đầu tuyển dụng trở lại, nhưng họ gặp khó khăn trong việc duy trì đủ số nhân công và giữ chân những người hiện có.
Những nhân sự bị quá tải phải bỏ việc, tìm kiếm nhiều cơ hội ở nơi khác. Họ đi tìm những vị trí khác ít đòi hỏi về mặt thể chất hơn hoặc cho phép làm việc linh hoạt. Nhiều người Mỹ thậm chí vẫn không đi làm, một số lo lắng về bệnh tật, một số được trợ cấp thất nghiệp và số khác chọn nghỉ hưu sớm.
Giờ đây, khi ảnh hưởng của đại dịch giảm dần, nhiều giám đốc điều hành và chủ doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ cho biết họ đang thấy việc tuyển dụng dễ dàng hơn.
Eliot McDonald - giám đốc điều hành của chuỗi nhà hàng Layne’s Chicken Fingers, cho biết mỗi địa điểm của công ty ông cứ 2 tuần nhận được 1 đơn xin việc từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022. Nhiều nhân viên chỉ làm được 1 tháng rồi nghỉ việc. Nếu không có đủ nhân công, McDonald tự mình chuẩn bị món ăn.
Ông cho biết, trong nửa cuối năm ngoái, nhiều người nộp đơn xin việc có thể là do mức lương cao hơn. Lương trung bình mỗi giờ của công ty tăng từ 11 USD 2 năm trước lên 15 USD. Giờ đây, cả 4 cửa hàng của công ty đều có đủ nhân viên.
Chỉ riêng trong tháng 1, các nhà hàng và quán bar đã tạo thêm 99.000 việc làm. Ngành y tế tăng thêm 58.000 việc làm và các nhà bán lẻ tạo thêm 30.000 việc làm.
Theo Robert Frick, chuyên gia kinh tế doanh nghiệp của Navy Federal Credit Union, sự hồi phục sau xu hướng sa thải trong thời kỳ đại dịch có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường việc làm trong năm nay. Ông cho biết các viện dưỡng lão và trường mẫu giáo sẽ phải tuyển thêm người, tăng lương và có các chương trình khác nhau để thu hút nhân sự.
Số liệu việc làm tháng 1 cho thấy các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 517.000 việc làm, gần gấp 3 lần so với ước tính của các nhà kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4%, mức thấp nhất trong hơn 53 năm. Theo đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs giảm khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới từ 35% xuống 25%.
Thị trường lao động đang được tái cân bằng
Song, bước sang năm 2023, các nhà dự báo dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại và thị trường lao động gặp khó khăn do lãi suất cao hơn. Những dữ liệu gần đây lại cho thấy thị trường lao động lại cân bằng trở lại sau những gián đoạn do đại dịch.
Chuỗi nhà hàng Chipotle Mexican Grill hiện có số nhân sự cao hơn so với trước đại dịch, với tỷ lệ doanh thu giảm. Công ty điều hành bệnh viện HCA Healthcare đang tăng cường tuyển dụng. Nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất nước Mỹ - Walmart, đang tăng lương cho nhân sự ở Mỹ từ 12 USD lên ít nhất 14 USD/giờ.
Các chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành và các nhà kinh tế cho biết đây là những lý do khiến ngày càng nhiều người tìm việc làm: lương và phúc lợi cao hơn, nỗi lo mắc bệnh giảm bớt và lo ngại về khả năng tài chính trong bối cảnh lạm phát cao. Do đó, các bên sử dụng lao động nhận thấy việc tuyển dụng đang dễ dàng hơn.
Việc tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bao gồm cả bệnh viện, trung tâm ngoại trú và viện dưỡng lão, cũng giúp tăng số lượng việc làm, vì lĩnh vực này chiếm 16% tổng số việc làm của khu vực tư nhân.
Mức lương của ngành này cũng tăng nhanh trong những tháng gần đây. Đơn xin việc cho các vị trí trong ngành này trên nền tảng tuyển dụng iCIMS tăng 7% từ tháng 1/2022 đến tháng 12, trong khi đơn xin việc lại giảm ở các ngành như sản xuất, tài chính và công nghệ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang thấp nhất 53 năm.
CEO của hệ thống bệnh viện Houston Methodist - Marc L. Boom, cho biết họ dễ dàng tuyển các công việc lâm sàng như y tá hơn so với 1 năm trước. Bệnh viện đã tuyển dụng 7.650 nhân sự vào năm 2022, tăng từ 7.096 người vào năm 2021.
Theo đó, hệ thống bệnh viện đã ngừng cung cấp tiền thưởng ký hợp đồng (gồm 10.000 USD cho các y tá phòng cấp cứu có thể làm ca tối và kỹ thuật viên chăm sóc hô hấp). Tuy nhiên, ông Boom cho biết họ vẫn thiếu khoảng 3.000 nhân sự.
Y tá, bác sĩ và các kỹ thuật viên ngành y tế là những người thường được trả lương cao. Song, những vị trí khác trong cùng lĩnh vực vẫn đang thiếu người làm vì thù lao thấp hơn.
Các viện dưỡng lão đang tuyển dụng thêm nhân viên nhưng gặp khó khăn vì đợt sa thải trong thời kỳ đại dịch. Các nhân viên đã nghỉ việc đã kiệt sức và ám ảnh vì Covid-19. Các trung tâm này dự kiến sẽ không đạt số lượng nhân sự như trước đại dịch cho đến năm 2027, theo báo cáo của Hiệp hội Chăm sóc Sức khoẻ Mỹ và Trung tâm Hỗ trợ Đời sống Quốc gia.
Trong khi đó, việc làm ở lĩnh vực giải trí và khách sạn cũng đang hồi phục, dù chưa đạt đến mức trước đại dịch.
Betsey Stevenson, nhà kinh tế tại Đại học Michigan, cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết vì các nhà hàng và khách sạn không có quá nhiều nhân viên nên họ có thể tránh được tình trạng như nhiều công ty công nghệ.
Chủ nhà hàng Itai Ben Eli và CEO của Sof Hospitality - công ty điều hành các nhà hàng bít tết và bánh ngọt, cho biết việc tuyển dụng đã trơn tru hơn nhiều trong 3-4 tháng qua. Ông nói, 18 hay 24 tháng trước là khi chúng tôi gần như không thuê được người.
Ông nhận thấy có nhiều ứng viên nộp đơn cho các vị trí như quản lý, bếp trưởng, bếp phó - những vị trí phải mất hàng tháng mới có người làm. Giờ đây, các công việc này nhanh chóng được “lấp đầy” mà không cần có khoản thưởng 1.000 USD sau 3 tháng.
Tham khảo WSJ
Nhịp sống thị trường