Nóng cuộc chạy đua vào chức Thủ tướng Anh
Vị Thủ tướng mới của nước Anh sẽ tiếp tục phải gánh vác sứ mệnh tìm cách vượt qua sự chia rẽ hiện nay về các điều khoản nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU.
Sau khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền vào ngày 7/6, đồng nghĩa với việc sẽ rời bỏ cương vị người đứng đầu Chính phủ, cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng đang nóng dần. Đây được xem là cuộc đua kịch tính nhất trong đảng Bảo thủ từ trước đến nay với ít nhất 13 ứng cử viên đã công khai tuyên bố tham gia, trong đó nổi lên là các nhân vật tên tuổi như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, Bộ trưởng Môi trường Michel Gove hay Ngoại trưởng Jeremy Hunt.
Cuộc chạy đua vào vị trí Thủ tướng Anh thay bà Theresa May đang nóng dần lên. Ảnh: Business Insider
Một trong những ứng cử viên hàng đầu thay bà Theresa May là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người khởi đầu chiến dịch tranh cử với việc công bố đoạn video tiếp xúc với các cử tri.
Trong đoạn video, ông Johnsson nhấn mạnh: “Nếu được bầu làm Thủ tướng, tôi sẽ đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 cho dù có hay không có thỏa thuận. Nhưng chúng ta phải can đảm để nói với người dân biết rằng, chúng ta có thể làm điều đó nếu chúng ta thực sự muốn. Đó thực sự là cách duy nhất”.
Trong một tuyên bố vào tối qua, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson cũng nói rằng sẽ từ chối thanh toán khoản phí Anh “chia tay" Liên minh châu Âu (EU) cho đến khi EU đồng ý những điều khoản tốt hơn đưa nước Anh rời EU, còn gọi là Brexit. Theo vị cựu Ngoại trưởng này, vấn đề tài chính có vai trò quan trọng để đạt được một thỏa thuận Brexit tốt đẹp. Ông Johnson cũng bóng gió rằng sẽ bỏ điều khoản gây tranh cãi về vấn đề đường biên giới với Ireland trong thỏa thuận Brexit.
Ông Johnson là một trong hơn 10 ứng cử viên tham gia tranh cử vào chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng thời sẽ giữ chức Thủ tướng Anh sau khi bà Theresa May đã từ chức ngày 7/6 vừa qua sau khi nhiều lần không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Trong tuần qua, một số thành viên Nội các Anh đã gia nhập cùng nhóm nghị sỹ đảng Bảo thủ có chủ trương ôn hòa tuyên bố sẵn sàng ủng hộ ông Johnson. Trong đó có Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề cộng đồng và địa phương của Anh James Brokenshire, Quốc vụ khanh phụ trách Giao thông Chris Grayling và Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề về xứ Wales Alun Cairns.
Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, chẳng có gì bảo đảm ông Johnson sẽ thuyết phục được EU đàm phán lại để nước Anh có một thỏa thuận Brexit tốt hơn, nhất là liên quan đến “kế hoạch dự phòng” nhằm tránh thiết lập biên giới cứng tại Ireland.
Nhiều nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ lo ngại, nếu ông Johnson không tìm kiếm được những điều khoản thay thế khả quan hơn, kế hoạch của ông nhằm đưa nước Anh rời EU đúng hạn mà không cần thỏa thuận sẽ bị Quốc hội phủ quyết, đồng nghĩa với việc không còn lựa chọn nào khác ngoài tổ chức bầu cử sớm hoặc trưng cầu Brexit lần hai.
Trong khi đó, ông Michel Gove đang là đối thủ đáng gờm nhất của cựu Ngoại trưởng Johnson nhờ những thành tích chính trị nổi bật trên các chức vụ khác nhau, từ Bộ trưởng Giáo dục đến Bộ trưởng Môi trường. Ông được cho là có quan điểm ủng hộ kéo dài tiến trình Brexit, trên cơ sở đánh giá rằng việc rời EU mà không có thỏa thuận khi chưa được chuẩn bị đầy đủ sẽ gây ra nhiều vấn đề đối với nước Anh.
“Người dân Anh đã đưa ra cho chúng ta những chỉ dẫn rất rõ ràng. Tôi biết rằng, trong chính trị thì chúng ta cần phải làm việc một cách bình tĩnh, hợp tác và đồng thuận để thực hiện những chỉ thị từ người dân”, ông Michel Gove nói.
Hai gương mặt được chú ý khác là Ngoại trưởng Hunt và cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab cũng đánh dấu việc chính thức chạy đua tới ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ với những tuyên bố công khai về kế hoạch Brexit của mình.
Phát biểu trên truyền hình Anh, Ngoại trưởng Jeremy Hunt tuyên bố sẵn sàng cho khả năng đưa nước Anh rời EU mà không cần thỏa thuận, nhưng đó sẽ chỉ là “giải pháp cuối cùng”.
Còn cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab lại đưa ra cam kết đưa nước Anh rời EU trên cơ sở các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong trường hợp đến hạn chót, ngày 31/10, hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận.
Hạn chót để đăng ký ứng cử là ngày 10/6. Sau đó, đảng Bảo thủ sẽ chốt danh sách và 313 nghị sĩ đảng này tại Hạ viện sẽ tiến hành các vòng bỏ phiếu cho đến cuối tháng 6 để lựa chọn ra 2 gương mặt. Tiếp theo, khoảng 124.000 đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc sẽ tham gia bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được thông báo trước khi Quốc hội Anh nghỉ hè vào cuối tháng 7. Trong thời gian từ nay đến lúc đó, bà Theresa May vẫn tiếp tục lãnh đạo chính phủ trên cương vị Thủ tướng tạm quyền.
Tuy nhiên, sau khi rời khỏi “chiếc ghế nóng”, bà Theresa May đã chính thức từ bỏ các nỗ lực tiếp tục thúc đẩy tiến trình Brexit. Điều này đồng nghĩa với việc người kế nhiệm bà sẽ không có nhiều thời gian để phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội nhằm thông qua thỏa thuận Brexit trước thời điểm Anh rời EU vào ngày 31/10. Vị thủ tướng mới của nước Anh sẽ tiếp tục phải gánh vác sứ mệnh tìm cách vượt qua sự chia rẽ hiện nay về các điều khoản nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU. Với những gì đã diễn ra, đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn./.
VOV