Nông dân “méo mặt” vì nông sản rớt giá
Dù "trúng mùa" nhưng nhiều nhà vườn tại Đà Lạt phải nếm “trái đắng” do thời gian gần đây, khoai tây, hành tây rớt giá thê thảm.
- 27-03-2018Củ cải, rau… nhổ bỏ: Vì sao?
- 21-03-2018Chùm ảnh: Người Hà Nội nhiệt tình "giải cứu" củ cải cho nông dân
- 17-03-2018Cục Trồng trọt: Củ cải bỏ thối, nông dân đã thu tiền tỷ trước rồi
Hiện không ít vườn khoai tây, hành tây người trồng không thể bán được do thương lái viện lý do hàng xấu, mặc dù giá đã xuống thấp dưới mức có thể. Nhà vườn đổ lỗi cho mặt hàng cùng loại của Trung Quốc tràn vào Việt Nam, trong đó có Đà Lạt, khiến cung vượt quá cầu dẫn đến hàng hóa ế ẩm.
Thủ phủ khoai tây, hành tây Đà Lạt (Lâm Đồng) đang bước vào chính vụ thu hoạch. So với năm trước, niên vụ này hai loại nông sản trên có năng suất cao hơn hẳn. Tuy nhiên, nhà vườn phải nếm “trái đắng” do thời gian gần đây, khoai tây, hành tây Đà Lạt rớt giá thê thảm.
Chị Nguyễn Thị Thương, ngụ khu Đất Mới, TP Đà Lạt cho biết, cuối năm 2017, gia đình đầu tư trên 50 triệu đồng trồng 3.000m² hành tây. Đến thời kỳ cho thu hoạch, cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng chị Thương hồ hởi vui mừng vì loại nông sản này dự kiến sẽ cho năng suất khá cao do năm nay thời tiết khá thuận lợi.
Tuy nhiên, đến ngày hành tây được thu hoạch thì giá lại liên tục “lao dốc”. Thời điểm hiện nay, 1kg hành tây loại đẹp nhất cũng chỉ bán được 3.000 đồng, giảm hơn 50% so với niên vụ trước.
Những trận mưa cục bộ đầu mùa càng khiến cho loại nông sản này rớt giá mạnh hơn vì nhà vườn buộc phải thu hoạch dồn dập, nếu gặp mưa hành tây sẽ nhanh bị hư hỏng, chuyển màu, không thể trữ được lâu.
Thu hoạch khoai tây ở Đà Lạt.
Trong khi đó, tại huyện Đơn Dương, nơi có diện tích hành tây, khoai tây lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, trung bình 1kg hành tây tại vườn chỉ có giá 2.000 đồng nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Với giá bán này, mỗi sào hành tây (1.000m2) nhà vườn phải bù lỗ thêm khoảng 3 triệu đồng nữa mới đủ vốn đầu tư ban đầu, đó là chưa kể tiền thuê người thu hoạch với giá khoảng 250.000 đồng/ngày và công sức bỏ ra chăm sóc trong 3 tháng.
Do giá xuống quá thấp nên khoảng 50 tấn hành tây của gia đình ông Nguyễn Văn Tài, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương vẫn phải nằm trong kho hơn 2 tuần qua. Ông Tài cho biết, với giá như hiện tại nếu bán sẽ lâm vào thua lỗ nặng nên gia đình ông buộc phải đưa hành tây vào lưu trong kho để chờ giá lên.
Tương tự, những hộ trồng khoai tây tại Lâm Đồng cũng đang lâm vào cảnh khốn khó, giá loại nông sản này hiện đang xuống rất thấp. Cùng thời điểm này năm trước, khoai tây Đà Lạt loại một có giá 11.000đ/kg thì niên vụ này giá chỉ đạt 7.000đ/kg. Nếu bán đổ đồng cả vườn, thương lái chỉ chịu mua với giá từ 4.000-5.000đ/kg.
Anh Đinh Văn Hoài, Trại Mát, TP Đà Lạt cho biết, giá khoai tây như hiện nay nhà vườn mới chỉ vừa đủ thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Người trồng sẽ phải chịu lỗ phần tiền thuê nhân công thu hoạch và công sức bỏ ra chăm sóc khoai tây suốt gần 4 tháng.
Ước tính, riêng hành tây chính vụ được trồng tại TP Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng năm nay đạt khoảng 30.000 tấn. Khoai tây cũng được trồng chủ yếu tại các địa phương trên với sản lượng tương đương.
Hai loại mặt hàng này ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước còn dành một phần để xuất khẩu sang Campuchia, Lào và Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay các thị trường xuất khẩu truyền thống của khoai tây, hành tây Đà Lạt bỗng chững lại đã ảnh hưởng tiêu cực tới giá cả hai loại mặt hàng trên của nông sản Đà Lạt.
Trước thông tin hành tây, khoai tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt là một trong những nguyên nhân khiến khoai tây, hành tây Lâm Đồng giá xuống thấp, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, cách đây gần 1 tháng, các tiểu thương đã ngừng nhập khoai tây, hành tây Trung Quốc, bởi Lâm Đồng đã bước vào chính vụ hai loại nông sản này.
Công an nhân dân