Nông nghiệp vẫn khát vốn
Một số doanh nghiệp lớn đang rót vốn vào nông nghiệp, nhưng sự xuất hiện đó vẫn chưa tạo nên sự thay đổi đáng kể trong đầu tư cho nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn rất khát vốn, ông Đặng Kim Sơn, Nguyên viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT cho biết.
- 01-08-2016Nông nghiệp tăng trưởng âm: Lỗ hổng trong đầu tư công ở ĐBSCL?
- 30-07-2016"Nước ta là nước nông nghiệp sao chúng ta lại phải nhập nhiều thế?”
- 28-07-2016Vốn FDI vào nông nghiệp: Kêu gọi nhiều, đầu tư ít
Thưa ông, nền nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2016, liệu trong 6 tháng cuối năm ngành nông nghiệp phục hồi và phát triển được không?
Chúng ta rất buồn khi nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước mắt, nguyên nhân ngắn hạn là tình hình thiên tai tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Đó là rét đầu năm ở miền núi phía Bắc, hạn hán kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm ngập mặn ở miền Nam, làm diện tích lúa đông xuân giảm nghiêm trọng, hàng vạn con trâu bò chết, diện tích cà phê, hạt tiêu, hạt điều bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Tình hình từ nay đến cuối năm có khả năng thiên tai còn có thể diễn biến phức tạp, phần thiệt hại trong 6 tháng đầu năm khó bù đắp lại được
Bên cạnh đó là nguyên nhân dài hạn, mức độ đầu tư cho nông nghiệp của Việt Nam cả 10 năm qua ở mức độ rất thấp. Nông nghiệp hiện nay đóng góp gần 18%-20% GDP, tạo việc làm cho khoảng một nửa lao động cả nước, cung cấp 15% giá trị xuất khẩu nhưng tổng đầu tư toàn xã hội cho toàn ngành nông nghiệp chỉ 5%-6%. Đáng chú ý, chưa đến 1% tổng số doanh nghiệp làm trong Nông nghiệp.
Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp thấp, nên nền nông nghiệp tăng trưởng băng chính nội lực của nó, nội lực ít ỏi nghèo nàn với cơ sở hạ tầng lạc hậu, khoa học công nghệ yếu kém, điện thiếu, và tình trạng lao động đang rút dần ra khỏi nông nghiệp.
Đây cũng là những lý do làm cho nông nghiệp trong suốt 10 năm nay tăng trưởng chậm lại.
Chúng ta phải thay đổi về mô hình tăng trưởng, có cách cư xử khác với nông nghiệp, có sự đầu tư đáng kể, đổi mới thể chế thì nông nghiệp mới tăng khả năng trăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh, chống chịu được những rủi ro biến đổi khí hậu và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế.
Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào ngành nông nghiệp như Vingroup, PAN Group, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai... đã đủ cung cấp vốn cho nông nghiệp phát triển chưa, có cách nào để thu hút thêm nguồn vốn vào trong nông nghiệp, thưa ông?
Hiện nay Việt Nam đang có xu hướng một số doanh nghiệp lớn rót vốn vào nông nghiệp, điển hình như Tập đoàn TH, PAN Group, VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát ....Nhưng số liệu thực tế cho thấy kể cả có những ông lớn đó xuất hiện vẫn chưa tạo nên sự thay đổi đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp. Mức đầu tư của xã hội cho nông nghiệp ở Việt Nam là mức rất thấp trong khu vực Đông Nam Á. Nông nghiệp Việt Nam vẫn khát vốn, cả vốn dài hạn lẫn vốn ngắn hạn
Nhà đầu tư chỉ đầu tư vào nơi nào rủi ro thấp, lợi nhuận cao nên để thu hút nhà đầu tư trong nông nghiệp cần có định hướng thị trường, tạo điều kiện chính sách pháp luật .
Một là tạo điều kiện xây dựng kho tàng, dự báo thị trường.
Hai là giảm bớt chi phí cho nhà sản xuất đặc biệt cơ sở hạ tầng giao thông, cung cấp điện đầy đủ, dịch vụ, làm thế nào để đầu tư vào nông nghiệp tương đương đầu vào công nghiệp, cũng như đầu tư vào nông thôn tương đương vào đầu tư thành thị.
Đồng thời tăng cường áp dụng các biện pháp đề phòng rủi ro.
Công tác dự báo trong ngành nông nghiệp hiện nay còn yếu kém, đặc biệt là phân tích dự báo thị trường, theo ông vấn đề này trách nhiệm thuộc về Bộ nào?
Công tác thông tin thị trường, tình hình cung cầu hiện nay còn rất yếu kém. Chúng ta có tập quán thúc đẩy sản xuất, tổ chức sản xuất, nói người dân trồng cây gì, nuôi con nào kỹ thuật ra sao mà chưa chỉ ra thị trường bán ở đâu tiêu chuẩn ra sao, chuẩn bị như nào, chưa coi đó là dịch vụ cần thiết để chuẩn bị cho cơ chế thị trường. Nếu xét theo ngành quy định, đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương, nhưng về tổng thể, tôi nghĩ đó là trách nhiệm của các Bộ, ngành, của người sản xuất, người kinh doanh.
Doanh nghiệp khi phân phối sản phẩm ra nước ngoài họ phải đáp ứng nhiều giấy phép con, chứng chỉ, các Bộ nên ngồi với nhau để giảm bớt yêu cầu về giấy phép con
Các chứng chỉ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn, môi trường, các yêu cầu kỹ thuật là cần thiết. Nhưng có nhiều giấy phép tạo ra nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý (giấy phép con) điều này không cần thiết cần loại bỏ, và tiến tới thực hiện các thủ tục kê khai điện tử cho đơn giản hóa. Nhà nước chỉ tập trung ra khung điều lệ, pháp lý, chính sách quy hoạch, mức độ phân quyền cao thì hiệu quả cao.
Nông nghiệp Việt lâu nay được đánh giá là sản xuất nhỏ lẻ, câu chuyện này cũng ảnh hưởng nhiều đến kiểm soát tình trạng an toàn thực phẩm, vậy chúng ta phải làm thế nào để cải thiện tình trạng này?
Sản xuất nhỏ lẻ tại Việt Nam là tai vạ không chỉ cho quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, khó khả năng cạnh tranh nên phải xử lý bằng được việc tập trung khối lượng hàng hóa lại, đồng nhất.
Giải pháp thế nào? Tôi vẫn chia sẻ cần phải tạo điều kiện cho nông dân mở trang trại thậm chí mở doanh nghiệp, tự nông dân liên kết tạo thành hợp tác xã, làm thị trường, mở rộng quy mô để lớn lên.
Các doanh nghiệp bắt tay vào làm nông nghiệp, nghe phong trào thì hoành tráng nhưng so với sức mạnh của doanh nghiệp, tiềm năng của doanh nghiệp và so quy mô đầu tư của họ ở lĩnh vực tài chính, kinh doanh, bất động sản hay công nghiệp... thì mức độ đầu tư vài trăm ha thậm chí vài nghìn ha trong nông nghiệp vẫn là quy mô nhỏ. Tổng cục Thống kê cho biết tổng đầu tư của toàn xã hội vào nông nghiệp chỉ 5-6%, rất nhỏ so với nhu cầu.
Rất nhiều giải pháp đưa ra để cải thiện quy mô sản xuất trong nông nghiệp nhưng không hiệu quả. Tất cả các giải pháp đưa ra đều rất chậm, có chính sách, có yếu kém của chính sách trong hợp tác hóa, nông dân không muốn hợp tác.
Tôi mong muốn cần đột phá hơn nữa nếu thực sự muốn làm, kiên quyết làm.
Cảm ơn ông!
Người đồng hành