Có giải pháp để người nông dân có lãi trong chăn nuôi
Trong phiên chất vấn trước Quốc hội chiều hôm qua 12/6, Bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phát biểu về các giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi thời gian tới.
- 13-06-2013Xuất khẩu thủy sản cần ứng cứu gấp!
- 07-06-2013DN thức ăn chăn nuôi: Gian nan giữ thị phần
- 23-05-2013Cơ cấu lại để vực dậy ngành chăn nuôi
- 23-05-2013Khẩn cứu ngành chăn nuôi
Trước vấn đề mà đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm của Yên Bái đề cập rằng thời gian qua ngành chăn nuôi suy giảm do dịch bệnh gia tăng và chưa được kiểm soát có hiệu quả, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó, nhập lậu gia súc gia cầm, thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong nước bị cạnh tranh gay gắt, làm cho người sản xuất không có lãi, sản phẩm khó tiêu thụ.
Cùng vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân của Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, người nông dân đứng trước nguy cơ lỗ kép. Lỗ kép ở đây có nghĩa là trong năm 2012 và cả 5 tháng đầu năm nay, doanh thu của người dân suy giảm nghiêm trọng nhưng chi phí đầu vào, chi phí tiêu dùng của người dân vẫn tăng.
Các đại biểu muốn biết liệu Bộ NH&PTNT có giải pháp đột phá gì, mới nhất, để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, giúp người dân yên tâm sản xuất?
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trước những khó khăn của ngành chăn nuôi trong thời gian qua Bộ đã tập trung vào chỉ đạo quyết liệt thực hiện 3 biện pháp:
Thứ nhất, chỉ đạo toàn bộ hệ thống phối hợp với các địa phương giám sát quyết liệt dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh và bệnh lở mồm long móng, cho đến nay, cơ bản đã kiểm soát được các loại dịch bệnh.
Thứ hai, Bộ đã tăng cường kiểm soát thức ăn chăn nuôi và con giống để đảm bảo rằng trong lúc giá thức ăn chăn nuôi cao thì người nông dân ít nhất vẫn phải nhận được thức ăn và con giống có chất lượng tương xứng với đồng tiền đã bỏ ra, đảm bảo về cả kỹ thuật để người nông dân yên tâm sản xuất.
Thứ ba, Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và các địa phương, nhất là các địa phương sát biên giới quyết liệt kiểm soát tình hình buôn lậu. Đặc biệt có sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong thời gian vừa qua cơ bản đã kiểm soát được tình hình buôn lậu gia cầm tuy nhiên vẫn phải tiếp tục.
Thời gian tới làm như thế nào để khắc phục được những khó khăn trước mắt và tạo ra được chuyển biến mạnh mẽ đối với ngành chăn nuôi thì:
Thứ nhất, Bộ đang chủ trương trong khuôn khổ của chương trình tái cơ cấu ngành đang rà soát để cơ cấu lại ngành chăn nuôi cùng các địa phương xác định các loại gia súc gia cầm phù hợp với từng địa phương.
Thứ hai, tập trung vào giải quyết khâu giống. Qua rà soát Bộ thấy năng suất của nhiều loại gia súc gia cầm của nước ta còn thua kém so với các nước khác nên cần có điều chỉnh quyết liệt trong lĩnh vực này.
Thứ ba, khuyến khích phương thức chế biến thức ăn nông nghiệp hoặc kiểu công nghiệp để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, đồng thời rà soát quy hoạch khuyến khích phát triển sản xuất trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.
Thứ tư, phổ biến cho nông dân những hình thức chăn nuôi tiến bộ, chuyển dần theo hướng chăn nuôi công nghiệp để đạt hiệu quả cao hơn.
Phương hướng chính của bộ đặt ra là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm giảm giá thành chăn nuôi để trong điều kiện khó khăn người nông dân vẫn có lãi.
Giải pháp quan trọng có tính chất đột phá đối với ngành là triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả chủ trương của chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Chính vì vậy chúng tôi đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng đã phê duyệt đề án này.
Khánh Nguyễn