Điêu đứng vì hoa cúc dược liệu mất giá
Những năm trước đây, giá hoa cúc dược liệu đạt mức cao khiến không ít nông dân “đổi đời” và hăng hái mở rộng diện tích. Tuy nhiên, năm nay khi Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng hoa lại mất giá, khiến nông dân điêu đứng.
- 05-07-2015Hoa cúc tăng giá mạnh, nông dân Đà Lạt trúng lớn
- 23-12-2014Làng hoa cúc vào vụ tết
- 07-08-2014Giá hoa cúc dịp lễ Vu Lan cao hơn hoa tết
Chúng tôi đến làng dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên ) vào đúng thời điểm thu hoạch hoa cúc dược liệu. Màu vàng rực rỡ của hoa cúc phủ kín các cánh đồng, trong làng và trải trên khắp lối đi đường thôn, ngõ xóm.
Đước biết, người Nghĩa Trai đã trồng hoa cúc và các loại cây dược liệu từ nhiều năm nay năm. Song, hiếm khi gặp cảnh ngộ như dịp này...
Giá hoa giảm, giá thuê nhân công tăng
Hoa kim cúc Nghĩa Trai thường được trồng từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 âm lịch và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch. Có thể được sử dụng trực tiếp như trà thảo dược hoặc trở thành một vị trong các bài thuốc nam, thuốc bắc. Hoa cúc có vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể sử dụng để chữa các bệnh hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, cao huyết áp…
Mỗi năm vào các dịp cận Tết, hoa ở đây vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, người dân thôn này lại đang phải đối mặt với tình trạng hoa rớt giá thê thảm.
Chị Đỗ Thị Hoạt, người nhiều năm trồng hoa cho biết: Thông thường giá hoa cúc dược liêu ít biến động lớn, nếu có sụt giảm thường chỉ rơi vào thời điểm thu hoạch rộ. Riêng năm nay thị trường có khác biệt so với các năm trước, vì giá giảm hơn 50%.
Thời điểm này năm ngoái, giá hoa cúc tuơi là 40.000 đ/kg, còn sấy khô là 300.000 đ/kg. Có lúc còn lên tới 400.000 đ/kg. Nhiều khách hàng còn tới tận ruộng để mua hoa.
Trái ngược với những mùa bội thu trước, giá hoa cúc năm nay rớt thê thảm, hiện chỉ còn 20.000 đ/kg. Đấy là cúc đẹp, cúc nào mà chín quá, đen đầu thì chỉ có 15.000 đến 18.000 đ/kg. Gía cúc sấy khô năm nay chỉ còn 120.000 đến 150.000 đ/kg.
Thêm vào đó, năng suất năm nay cũng kém. Ba sào cúc của chị Hoạt năm ngoái thu được khoảng 1,4 tấn, năm nay chắc chỉ khoảng 1 tấn.
Cùng chung nổi lo với chị Hoạt, ông Đình Kinh, ngán ngẩm: “Năm nay do thời tiết không thuận lợi, hoa cúc chán lắm. Hơn nữa, bên Trung Quốc mua ít, người trồng thì nhiều nên giá cả giảm xuống còn một nửa. Năm ngoái bình quân 30 triệu đồng/tạ khô, năm nay chỉ mong được một nửa”.
“Trong khi hoa đang trượt giá thì tiền thuê người hái lại tăng. Năm ngoái chỉ 40-50 ngàn đồng/ngày, năm nay lên tới 90 ngàn đồng/ngày. Đến mùa vụ, hoa cúc nở nhiều nếu không hái kịp thì sẽ bị đen, bông nhẹ hơn và khi sơ chế sản phẩm sẽ có màu không đẹp. Do đó chúng tôi phải tranh thủ hái từng giây, từng phút”, chị Hoạt vừa miệt mài hái từng bông hoa nhỏ xíu vừa than thở.
Nông dân lo lắng
Trồng cúc dược liệu là thu nhập chính của người dân thôn Nghĩa Trai. Việc hoa cúc mất giá khiến người nông dân điêu đứng.
Hoa cúc dược liệu năm nay vắng bóng người mua
Chị Hoạt cho biết: “Bao nhiêu công sức trồng, chăm sóc, đúng lúc nở rộ trời lại mưa. Năm nay, chưa kể công mình bỏ ra có khi chỉ hòa vốn hòa vốn. Năm sau tôi quyết định trồng một ít hoa cúc, còn lại chuyển sang trồng hoa đào, chứ trồng cúc như năm nay chỉ có... chết đói”.
Chị Huyền, một chủ ruộng cũng đang phải đối mặt với tình trạng hoa bị rớt giá chán nản: “Tiền vốn, tiền phân bón, điện nước cho mỗi lứa hoa cúc trồng trong khoảng 5 tháng phải bỏ ra gần chục triệu đồng. Thế mà bây giờ hoa rớt giá, bán không được...”.
Theo chị Huyền, việc bảo quản hoa cúc khô cũng lắm công phu, cầu kỳ. Hoa cúc sau khi đạt độ khô vừa đủ sẽ được để tại nơi thoáng gió trong một vài giờ, sau đó cho vào bao ni-lông trắng bọc kín rồi bọc thêm một lớp bao dứa để chống ẩm, chống mốc.
Được biết, phần lớn hoa cúc dược liệu trên địa bàn huyện được thu mua để đưa về các địa phương lân cận tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng những ngày gần đây, phía Trung Quốc đột nhiên không nhập khẩu loại hoa này, nên lượng cúc dược liệu còn tồn đọng lớn, dẫn đến tình trạng giá hoa sụt giảm như hiện nay.
Thêm vào đó, dù đã là những tháng cuối năm, nhưng thời tiết nóng lạnh thất thường, thậm chí có cả những mưa nhiều, khiến cho những bông hoa dễ bị dập nát, không được giá.
Thực trạng trên khiến nhiều hộ nông dân chán nản, đành phải phơi khô để trong nhà chờ người mua.
Nông nghiệp Việt Nam