Điều tra phá giá thịt gà: Nói dễ nhưng khó thực hiện
Vì sao giá gà Mỹ bán tại VN lại thấp hơn giá bán ở Mỹ? Chất lượng gà Mỹ ra sao? Giá gà Mỹ bán ở VN với giá thấp hơn bán ở Mỹ là điều bất thường.
- 27-07-2015Phát hiện 5 tấn thịt gà quá đát chuẩn bị ra chợ
- 27-07-2015XK thịt gà sang Nhật Bản: Không cần Hiệp định Thú y
- 17-07-2015“Thịt gà Mỹ giá dưới 20.000 đồng/kg là rất bất thường”
Sau khi ký và gửi đơn kiến nghị điều tra chống bán phá giá thịt gà Mỹ vào Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang chờ ý kiến hội viên về chi phí thuê luật sư.
Hai hiệp hội này cũng cho biết đang xúc tiến việc tìm công ty luật tư vấn và hỗ trợ về các thủ tục pháp lý liên quan việc kiện thịt gà Mỹ bán phá giá vào thị trường VN.
Thủ tục không đơn giản
Ngày 29-7, ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho hay đơn vị này đang chuẩn bị gửi công văn đến Tổng cục Hải quan xin số liệu nhập khẩu thịt gà Mỹ, đồng thời kêu gọi thêm các công ty chăn nuôi lớn chưa phải là hội viên nhưng có chung quyền lợi cùng tham gia vụ kiện này.
“Ban đầu chúng tôi nghĩ nếu hiệp hội làm sẽ tốn rất nhiều thời gian nên đã gửi đơn để các cơ quan nhà nước giải quyết, nhưng sau khi tìm hiểu mới thấy các thủ tục không đơn giản như chúng tôi hình dung” - ông Ngọc nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại của Cục Quản lý cạnh tranh (VCA, Bộ Công thương) cho rằng việc kiện chống bán phá giá đối với một mặt hàng của nước ngoài nhập khẩu về không đơn giản hay không phải cứ muốn là được.
Theo đó, biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào VN khi có hai điều kiện bắt buộc: thứ nhất là hàng hóa bị bán phá giá và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể. Thứ hai, việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra, hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Theo vị này, tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ cho VCA yêu cầu biện pháp chống bán phá giá bắt buộc phải chứng minh được khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa do họ sản xuất (hoặc đại diện) chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời phải tìm được sự đồng thuận, ủng hộ của các nhà sản xuất khác thuộc cùng lĩnh vực (đi kèm khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa) trong việc nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá có tỉ lệ lớn hơn số phản đối yêu cầu nộp đơn khởi kiện.
“Về mặt lý thuyết, việc nộp hồ sơ hay đơn yêu cầu khởi kiện của tổ chức, cá nhân không có vấn đề gì. Nhưng thực tế để chứng minh được sự thiệt hại hoàn toàn không dễ vì lâu nay các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thường thiếu kinh nghiệm trong việc ứng phó với các tình huống này, nhất là trong khâu thu thập dữ liệu, số liệu có liên quan đến ngành hàng, lĩnh vực khởi kiện do nguồn lực tài chính và nhân lực chưa thể đáp ứng được” - vị chuyên gia này cho biết.
Đùi gà đông lạnh xuất xứ từ Mỹ bán với giá 33.000 đồng/kg ở siêu thị Metro, Q.2, TP.HCM chiều 29-7 - Ảnh: Thuận Thắng
Đề nghị Bộ Công thương vào cuộc
Ông Ngọc thừa nhận nếu các thành viên hiệp hội hay nông dân tự lo mọi công việc, từ điều tra đến chứng minh thiệt hại sẽ rất khó khăn để khởi kiện. Chẳng hạn, chỉ riêng việc thuê luật sư mới dừng lại ở ý định của hiệp hội, còn chờ ý kiến của các hội viên vì không có chi phí.
Do các hội viên đều là nông dân, chủ trang trại nên không có chi phí và năng lực để thu thập số liệu, vì vậy việc theo đuổi vụ kiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi trong khi hiệp hội của nước ngoài mạnh về tiềm lực và hoạt động chuyên nghiệp nhiều chục năm nay, các hiệp hội VN đều yếu và không có kinh nghiệm.
“Ngay cả những hiệp hội toàn doanh nghiệp mạnh về tài chính như thủy sản, sắt thép còn khó kiện, huống chi là một tập hợp của những nông dân nuôi gà. Để có tiền thuê luật sư, ban điều hành hiệp hội phải gọi điện từng hội viên chứ không có quỹ riêng cho các sự việc tương tự” - ông Ngọc lo lắng.
Chiều cùng ngày, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng có nhiều lý do khiến giá gà Mỹ rẻ hơn gà VN, nhưng giá gà Mỹ bán ở VN với giá thấp hơn bán ở Mỹ là điều bất thường.
“Chúng tôi ủng hộ các hiệp hội ngành nghề tham gia điều tra và có ý kiến để bảo vệ người chăn nuôi trong nước. Mỹ cũng có hiệp hội gia cầm và việc đàm phán giữa các hiệp hội sẽ thuận lợi. Nhưng trường hợp hiệp hội không giải quyết được, cơ quan chuyên môn của Nhà nước phải vào cuộc” - ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, có hai vấn đề cần kiểm tra là vì sao giá gà Mỹ bán tại VN lại thấp hơn giá bán ở Mỹ, có bất thường gì không, có liên quan đến phá giá hay không? Vấn đề thứ hai là chất lượng. Cần kiểm tra xem hạn sử dụng, chất lượng gà nhập vì thực tế nếu hàng gần hết hạn thì siêu thị thường bán rẻ như cho.
“So với VN, ngành chăn nuôi của Mỹ phát triển mạnh hơn, chi phí cho 1kg gà thành phẩm thấp hơn nên giá bán ra có thể thấp hơn, nhưng giá bán gà Mỹ nhập khẩu vào VN (cần thêm nhiều loại thuế, phí) vẫn rẻ hơn gà bán tại Mỹ là vô lý, Bộ Công thương cần vào cuộc kiểm tra nghi vấn này” - ông Dương đề nghị.
Sao giá lại rẻ đến vậy!
Ông Lê Văn Quyết, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiệp hội này đã cử người sang Mỹ tìm hiểu tại các siêu thị của Mỹ và thấy rằng giá bán đùi gà của họ cao gấp 4-5 lần giá bán khi về đến VN.
Trong khi đó, giá thành sản xuất gà của Mỹ (cộng với chi phí đông lạnh, vận chuyển) về đến VN cũng tương đương giá thành nuôi gà trong nước. “Giá thành nuôi tốt ở mức 25.000 đồng/kg mà đùi gà Mỹ bán chỉ với giá 20.000 đồng/kg là quá bất thường” - ông Quyết nói.
Do đó, theo ông Quyết, để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, các cơ quan nhà nước cần xem lại chính sách nhập khẩu thịt gà, các hàng rào kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc. Bởi sau gần 20 năm phát triển chăn nuôi trang trại, nông dân VN đã đầu tư công nghệ chăn nuôi của châu Âu nên giá thành đã giảm nhiều, có thể cạnh tranh được với các cường quốc về chăn nuôi. Thế nhưng thịt đùi gà Mỹ bán tại VN rẻ tới mức không tưởng nằm ngoài khả năng của người chăn nuôi VN.
“Nếu chưa điều tra bán phá giá, cơ quan chức năng cũng phải điều tra vì sao nó lại rẻ đến như vậy. Liệu đây có phải là thịt gà hết hạn, hay thịt gà từ các bang bị cúm mà nhiều nước đã cấm nhập đổ về VN để tiêu thụ?” - ông Quyết đề nghị. Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng cơ quan nhà nước về kiểm tra thực phẩm nhập khẩu cần đánh giá chất lượng gà nhập bán với giá rẻ.
Theo ông Dương, châu Âu và Mỹ coi cổ, cánh, đùi... gia cầm là phụ phẩm nên giá sẽ rẻ hơn so với lườn gà. Về dinh dưỡng, lườn gà là có giá trị nhất, nhưng người VN do khẩu vị lại thích ăn đùi, cổ, cánh trong khi gà nguyên con - bao gồm cả phần lườn - có giá trị dinh dưỡng cao hơn chỉ dùng đùi, cổ, cánh. Người tiêu dùng cũng nên nhận biết được vấn đề này. “Bộ NN&PTNT sẽ có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan trong tìm hiểu và xử lý bất thường này” - ông Dương cho biết.
Mới có ngành thép khởi kiện thành công
Sau gần 10 năm gia nhập WTO, tính đến nay VN chỉ mới áp thuế chống bán phá giá duy nhất cho mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Malaysia, Indonesia và Đài Loan hồi tháng 9-2014, sau hơn một năm điều tra kể từ khi nhận được đơn khởi kiện của hai doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ trong nước.
Tuổi trẻ