Dưa hấu lại ùn tắc ở cửa khẩu: Cách nào để ứng cứu?
Nếu lưu lượng xe chở trái cây lên Tân Thanh vẫn đạt trung bình 800 xe/ngày thì khả năng ùn tắc vẫn xảy ra.
- 28-12-2015Tìm giải pháp giảm tìn trạng ùn ứ dưa hấu
- 25-12-2015Lại ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh
Theo ước tính của Bộ Công thương, vụ dưa 2015-2016 dự kiến đạt sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, không biến động nhiều so với mùa vụ 2014-2015 nhưng nếu không chủ động các giải pháp sẽ vẫn tái diễn tình trạng ùn tắc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thì lượng dưa hấu tiêu thụ tại thị trường trong nước hiện chiếm khoảng 80%, còn lại 20% dành cho xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm từ 85-98% tổng lượng dưa hấu dành cho xuất khẩu hàng năm, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), còn lại là xuất sang Lào, Campuchia…
Nhớ lại vụ dưa năm 2015, Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, có thời điểm xe chở dưa hấu ùn tắc tại Tân Thanh kéo dài 70km. “Hàng ngàn xe chở dưa của Việt Nam nằm chờ chực thông quan trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp đứng ra thu mua dưa hấu. Các xe dưa của doanh nghiệp Việt Nam đưa qua Trung Quốc phải mất ít nhất 3 tiếng để bốc xuống, phân loại, đóng vào bao gói, còn tối đa là 7 tiếng nên gây ùn tắc”.
Năm nay, nếu không có giải pháp kịp thời, tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu chắc chắn sẽ lặp lại và hiện giờ đã xuất hiện tình trạng ùn ứ dưa hấu ở Tân Thanh. Trước tình hình này, mới đây, Bộ Công Thương và Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn đã có buổi làm việc bàn những phương án chi tiết cho vụ 2016.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công thương), nếu lưu lượng xe chở trái cây lên Tân Thanh vẫn đạt trung bình 800 xe/ngày thì khả năng ùn tắc vẫn xảy ra. Khó khăn hiện nay là Trung Quốc chủ yếu cho nhập hoa quả tươi qua cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, chỉ có một khối lượng nhỏ xuất nhập qua cửa khẩu ở Lào Cai và Hà Giang. Ông kiến nghị cần xem xét mở thêm điểm xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng hơn.
Để tăng cường năng lực thông quan, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Bộ Công thương và các địa phương phải xem lại quy hoạch, đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng bao gồm không chỉ hệ thống giao thông mà cả kho bãi chứa hàng, bãi đỗ xe… và tăng cường về nhân lực.
“Đặc biệt các cửa khẩu xuất khẩu nông sản chính của chúng ta như Tân Thanh (Lạng Sơn), Kim Thành (Lào Cai) cần phải được đầu tư khu tập kết và bảo quản nông sản ở ngay bên phía chúng ta để lôi kéo các công ty, tư thương của Trung Quốc sang mua bán hợp đồng, và doanh nghiệp hai bên phải làm chính quy, có hợp đồng mua bán đầy đủ thì mới giảm thiểu được tình trạng ùn tắc, chứ không như hiện nay các tư thương của ta đang phải đưa dưa hấu, nông sản sang tận bên kia để mua bán. “Các thương lái và doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ chủ yếu giao dịch với tư thương Trung Quốc theo hợp đồng miệng, tiêu thụ theo kiểu “đi chợ” tức là có dưa thì chở lên biên giới bán. Trong khi đó, mỗi ngày có 1.200 – 1.500 xe dưa đổ về cửa khẩu thì năng lực thông quan của hai bên chỉ đảm bảo đạt khoảng 300 xe/ngày” – ông Trung chia sẻ.
Bài học từ vải thiều
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cũng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng vải thiều lại không xảy ra ùn tắc vì khoảng cách địa lý từ vùng trồng đến cửa khẩu gần và đặc biệt là có mạng lưới tư thương Trung Quốc sang tận nơi mua. Đối với dưa hấu hiện chủ yếu trồng ở miền Trung và Nam bộ do chi phí vận chuyển xa, khó bảo quản nên cần xây dựng thêm các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp Trung Quốc để ràng buộc trách nhiệm, hình thành mạng lưới tiêu thụ chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, để tránh ách tắc dưa hấu thì phải triển khai ngay cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ ngành và địa phương trong việc cập nhật thông tin về sản lượng, tiến độ thu hoạch, số lượng dưa hấu dự kiến đưa lên biên giới, tổ chức khoanh vùng để xác định những vùng trồng dưa nào nên xuất khẩu, những vùng còn lại để tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải phân loại, bao gói ngay từ nơi thu hoạch, sơ chế để giảm thời gian chuyển giao, mua bán tại cửa khẩu.
Được biết, trong tháng 1/2016, Cục Trồng trọt sẽ tổ chức thông tin và định hướng cho bà con nông dân trồng dưa hấu theo mô hình rải vụ, xen canh cùng các loại cây khác, không tập trung tại một thời điểm như hiện nay. “Nếu trồng rải ra thì một phần dưa có thể đưa lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc, phần còn lại vẫn tiêu thụ tại nội địa vì thị trường nội địa cũng rất cần”- ông Ma Quang Trung cho biết./.
VOV