MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy đường lại lo “đói” mía

03-09-2015 - 08:13 AM |

Chuyện không mới nhưng nhiều năm qua, ngành mía đường vẫn không giải quyết được

Nhiều năm thua lỗ, nông dân chuyển đất trồng mía sang các loại cây trồng khác khiến sản lượng mía của vùng ĐBSCL giảm mạnh. Các ông chủ nhà máy đường lo lắng khi vào niên vụ mới sẽ thiếu mía nguyên liệu.

Thu nhập chỉ 250.000 đồng/tháng

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2015-2016, diện tích trồng mía của vùng ĐBSCL chỉ còn gần 42.000 ha, giảm khoảng 6.000 ha so với niên vụ rồi. Tỉnh Hậu Giang là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất vùng cũng đang đối mặt với tình trạng diện tích mía bị thu hẹp, hiện chỉ còn 11.587 ha (giảm khoảng 1.520 ha). Ông Lê Văn Dơi, Trưởng ấp 3A (xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Toàn ấp có 110 ha trồng mía nhưng năm nay có nhiều hộ đã chuyển sang trồng cây ăn trái. Nguyên nhân do trồng mía nhiều năm không có lời. Hiện một phần diện tích trên được Xí nghiệp Đường Vị Thanh bao tiêu với giá 830 đồng/kg (loại 10 CCS - chữ đường)”.

Theo nông dân Lê Văn Chiêu (ngụ ấp 2A, xã Vị Tân), hộ của ông trồng 1,3 ha mía, được Xí nghiệp Đường Vị Thanh bao tiêu toàn bộ với giá 830 đồng/kg loại 10 CCS, trừ hết chi phí chỉ còn lời khoảng 3 triệu đồng. “Năm nay được bao tiêu toàn bộ sản lượng, tiền lời chỉ 3 triệu đồng trong khi trồng tới 10 tháng mới thu hoạch, tính ra 1 tháng thu nhập của gia đình từ trồng mía chỉ 250.000 đồng, còn thua làm lúa. Đất nhà tui trồng mía bao đời nay, không trồng cây gì được do chưa có đê bao, nước lũ về là ngập. Mấy năm rồi thua lỗ do giá mía giảm mạnh” - ông Chiêu than.

Ông Thạch Sô Phanh - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - thông tin: “Niên vụ mía này, toàn huyện còn khoảng 4.400 ha, giảm 600 ha. Số diện tích giảm được nông dân chuyển sang nuôi cá lóc, trồng cây ăn trái”. Riêng tại xã Lưu Nghiệp Anh của huyện này giảm gần 300 ha diện tích trồng mía, hiện chỉ còn hơn 1.700 ha. Do giá mía rớt liên tục nên nhiều hộ chuyển sang trồng khoai lang, khoai mì, lúa, cam sành, chanh...

Tại các xã khác của huyện Trà Cú như An Quảng Hữu, Kim Sơn..., nhiều hộ đã tự phát đào ao nuôi cá lóc. Hiện nay, diện tích mặt nước nuôi cá lóc tại huyện Trà Cú tăng gấp đôi so với năm 2012. Nhiều người từ thị trấn Định An đang chạy sang các xã có trồng mía mua đất, đào ao nuôi cá lóc với giá khoảng 70 triệu đồng/công.

Sẽ có “cuộc chiến” giành nguyên liệu

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO), cho rằng giá đường hiện nay đang ở mức 13.500 đồng/kg, giá đường ở thời điểm vào vụ khoảng 13.000 đồng/kg. Từ cơ sở này, CASUCO đưa ra giá thu mua mía tại rẫy cho nông dân là 860 đồng/kg (loại 10 CCS), tăng 1 CCS thì tăng 100 đồng/kg mía; giá mua tại cầu cảng nhà máy từ 950-970 đồng/kg, cao hơn giá thực tế theo quy định của Bộ NN-PTNT là 119 đồng/kg. Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát (tỉnh Hậu Giang) đưa ra mức giá bao tiêu là 950 đồng/kg mía loại 10 CCS tại nhà máy. Với giá này, sau khi trừ các chi phí, người trồng mía có lời vì năm rồi, giá mía đầu vụ chỉ ở mức 800 đồng/kg.

Chính vì diện tích giảm mạnh nên ông chủ các nhà máy đường tại ĐBSCL đang lo thiếu mía, từ đó sẽ xảy ra chuyện giành giật vùng nguyên liệu giữa các nhà máy. Theo chỉ đạo của VSSA, 3 nhà máy đường ở Hậu Giang sẽ vào vụ vào ngày 10-9, sau đó lần lượt đến các nhà máy còn lại trong khu vực.

“Sản lượng mía vùng ĐBSCL ước đạt 3,2 triệu tấn, giảm khoảng 486.000 tấn so với niên vụ trước. Những nơi giảm diện tích tập trung ở các vùng đất trồng không hiệu quả nên ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chuyển sang cây trồng khác. Ngành mía đường đã có sự chủ động trước nên sẽ không thiếu hụt nguyên liệu nhiều” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, nhận định.

 

Lấy mẫu xác định chữ đường

Nhiều năm qua, bức xúc của nông dân là việc nhà máy đo “ăn gian” chữ đường để giảm giá thu mua. Trước việc này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: “Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, VSSA và các nhà máy đường trên địa bàn cùng nông dân thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu ở vùng mía Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy gửi lên Trường ĐH Cần Thơ để xác định chữ đường. Việc này nhằm bảo đảm lợi ích cho người trồng mía và nhà máy”.

 

 

Theo Ca Linh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên