MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản xuất lúa vì an ninh lương thực hay xuất khẩu?

09-05-2013 - 16:38 PM |

Một thời gian, xuất khẩu gạo được xem là “miếng bánh ngon” để nhiều doanh nghiệp, có cả doanh nghiệp “ngoài sân lương thực” cũng nhảy vào.

Chưa đầy 1 tuần lễ kể từ đầu tháng 5-2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đưa ra 2 kiến nghị: Sẽ đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn vay tạm trữ mua lúa gạo vụ đông xuân 2012-2013 cho các doanh nghiệp, do tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, VFA thống nhất đề xuất với Chính phủ đưa chương trình tạm trữ lúa gạo về các địa phương.

Người ta cảm thấy khó hiểu khi lý do mà Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong đưa ra: “Mỗi lần thực hiện tạm trữ đều bị một số cơ quan, địa phương và dư luận chỉ trích về những bất cập như chính sách chỉ làm lợi cho doanh nghiệp tạm trữ; chỉ tiêu tạm trữ chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, không làm tăng giá lúa của nông dân; không rõ ràng trong phân bổ và kiểm tra quá trình thực hiện mua tạm trữ… Hai kiến nghị này cùng lúc được VFA “phát ra” trong bối cảnh lúa hàng hóa đông xuân, gạo tồn kho còn khá lớn.

Giá lúa gạo xuất khẩu liên tục giảm và hiện chỉ còn ở mức 375 - 385 USD/tấn (gạo 5% tấm), giảm 15 USD/tấn so với tháng 3 và giảm từ 25 - 35 USD/tấn so với thời điểm bắt đầu mua tạm trữ lúa gạo (20-2). Trong khi đó, lúa hè thu sắp thu hoạch (diện tích sản xuất ở ĐBSCL cao hơn vụ đông xuân) càng làm hàng triệu nông dân trồng lúa ở “vựa lúa” ĐBSCL thêm lo âu! 

Thực tế, nhiều địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… mong muốn được nhận chỉ tiêu tạm trữ lúa gạo. Lý do họ mong muốn là sự phân bổ chưa đồng đều giữa các tỉnh dựa trên sản lượng. Nếu chuyện tạm trữ lúa, gạo chuyển giao các tỉnh đảm trách thì đây là bước ngoặt quan trọng nhằm thử nghiệm hình thái mới mà VFA “sẽ khoanh tay” nhìn các địa phương làm ra sao! 

Sở dĩ nói đây là “hình thái mới” bởi quá trình xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những bước ngoặt. Dấu mốc đầu tiên cách đây hơn 12 năm, khi Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ cơ chế giao hạn ngạch xuất khẩu gạo. Đây là quyết định “cởi trói”, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu không bị hạn chế số lượng bởi hạn ngạch. 

Một thời gian, xuất khẩu gạo được xem là “miếng bánh ngon” để nhiều doanh nghiệp, có cả doanh nghiệp “ngoài sân lương thực” cũng nhảy vào. Vì vậy, thời gian qua cũng phát sinh trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu hạ giá xuất, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

Và gần đầy, các cơ quan chức năng đang tìm cơ chế quản lý phù hợp với những điều kiện quy định kèm theo cho doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu gạo.

Câu hỏi đặt ra, liệu chúng ta có nên tiếp tục gia tăng sản lượng, khi đầu ra quá lệ thuộc vào xuất khẩu và đang gặp khó khăn? Không thể phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp, cụ thể là các thành viên VFA trong những năm qua đã nỗ lực hoàn thành tốt xuất khẩu gạo, góp phần bình ổn giá lúa gạo trong nước. 

Tuy nhiên, cũng nhờ những hạt lúa của nông dân làm ra mà không ít “đại gia” là thành viên VFA đã phất lên rất nhanh. Thậm chí có những năm trúng lớn nhờ xuất khẩu gạo, nhiều nhà khoa học đặt vấn đề các thành viên VFA đã “tri ân” lại nông dân những gì? 

Và hiện tại xuất khẩu gạo đang rơi vào khó khăn, thì câu hỏi đó càng có ý nghĩa chứ không phải những kiến nghị “đá bóng sang chân người khác”. “Lời rao” trong các bài phát biểu khi nói về ĐBSCL thường là “ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Với diện tích trồng lúa khoảng 4 triệu ha, hàng năm ĐBSCL cung ứng trên 20 triệu tấn lúa cho nền kinh tế, chiếm gần 60% tổng sản lượng lúa và khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước”. 

Thực tế, người nông dân ĐBSCL đã hoàn thành sứ mệnh bảo đảm an ninh lương thực quốc gia một cách cần cù và nhẫn nại, đáng kính trọng. Song thu nhập của họ được cải thiện bao nhiêu so với vật giá luôn gia tăng chóng mặt, bao giờ họ mới làm giàu vẫn là câu hỏi đầy trăn trở.

Với sản lượng lương thực khoảng 44 triệu tấn, Việt Nam dành hơn 1/3 sản lượng để xuất khẩu (khoảng 7,7 triệu tấn gạo, tương đương với 15 triệu tấn lúa). Trước mắt, sẽ đầy khó khăn khi phải tiêu thụ lúa hàng hóa cho diện tích gần 1,7 triệu ha vụ hè thu 2013 (vụ đông xuân khoảng 1,55 triệu ha) của khoảng 3 triệu hộ nông dân ĐBSCL. 

Một số nhà khoa học băn khoăn, giữ đất lúa là cần thiết nhưng điều đó không có nghĩa là phải tăng vụ, tăng diện tích trên đất trồng lúa. Một lãnh đạo Cục Trồng trọt trăn trở khi các địa phương ở ĐBSCL dự tính tăng diện tích sản xuất lúa thu đông (lúa vụ 3) lên 800.000ha, tăng gần 200.000ha so với năm rồi, liệu có hợp lý trong bối cảnh đầu ra khó khăn. 

“Chính phủ và Bộ NN-PTNT nên có kế hoạch hỗ trợ các địa phương luân canh đất lúa 1 vụ/năm để giảm bớt áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa” , lời đề nghị của Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu từ năm ngoái, xem ra rất hợp lý trong lúc này.

Theo Cao Phong


khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên