MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu trồng trọt: Nông sản vẫn thấp chất lượng, cao giá thành

23-07-2015 - 10:45 AM |

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song sau hai năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện khi “điệp khúc” vẫn là chất lượng thấp, giá thành cao.

Thông tin tại Hội nghị đánh giá thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp còn thiếu ổn định (nếu như trồng trọt năm 2013 tăng 3,0%; năm 2014 là 3,2%, nhưng 6 tháng đầu năm 2015 lại chưa đạt 2%). Ngoài ra, năng suất một số loại nông sản nước ta còn thấp, giá thành cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định (năng suất ngô chỉ bằng 80% năng suất bình quân thế giới; đậu tương bằng 57%; mía bằng 80% năng suất mía của Thái Lan...).

Điều đáng nói hơn là chất lượng nhiều loại nông sản của Việt Nam cũng còn thấp: như gạo, cà phê, chè, trái cây.

“Một trong những vấn đề nổi cộm không thể không nhắc tới là an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm hiện tồn tại nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước và rào cản hạn chế xuất khẩu nông sản nước ta, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản..., ông Trung nhấn mạnh.

Nhìn nhận về những nguyên nhân khiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp ì ạch, hiệu quả chưa cao, một số đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, mấu chốt là yếu kém trong khâu nhận thức.

Các địa phương chưa hiểu rõ bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng là chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, hội nhập, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững.

Về vấn đề này, ông Ma Quang Trung cho biết: Nhiều Đề án được xây dựng không sát với yêu cầu đặt ra về tái cơ cấu, thậm chí địa phương lúng túng nên chưa phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, vướng mắc trong tái cơ cấu trồng trọt là tư duy về tái cơ cấu của nhiều địa phương chưa “trúng”.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Ma Quang Trung cho biết: Tổ chức lại sản xuất được xem là động lực để thúc đẩy quá trình thực hiện tái cơ cấu. Cụ thể, ngành trồng trọt sẽ phát triển các hình thức tổ chức của nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã, các hiệp hội... để tổ chức lại sản xuất cho nông dân nhằm tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao, đồng đều phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Cùng với đó, tăng cường liên kết giữa nông dân, các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp để hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm...

Sau hai năm triển khai Đề án tái cơ cấu, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ mức 72,8 triệu đồng năm 2012 lên mức 79,3 triệu đồng năm 2014. Xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt vẫn duy trì ở mức 14,5 tỷ USD/năm. Một số mặt hàng có thị trường, giá trị xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hạt tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm.

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

Trở lên trên