MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nông dân tự ý thay đổi giống cây trồng

10-05-2013 - 11:08 AM |

Vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt các loại cây công nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra ở Đắk Nông.

Cao su là cây công nghiệp quan trọng, ca cao là cây công nghiệp hứa hẹn, nhưng nhiều nông dântrong tỉnh Đắk Nông đang chặt bỏ cả hai loại cây này để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê, những mong có giá trị cao hơn.
Thu nhập có cao hơn hay không thì chưa biết, nhưng những thiệt hại đã thấy rõ khi điệp khúc chặt – trồng, trồng – chặt cứ lặp đi lặp lại, vì nông dân đua nhau trồng cây chạy theo giá cả thị trường, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Tại xã Ea Pô, huyện Chư Dút, nông dân đã chặt bỏ hơn 100 ha ca cao để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê. Lý do là các vườn cây này kém phát triển, năng suất thấp, giá thu mua đã giảm nhiều so với mấy năm trước. Trong khi đó việc chăm sóc, thu hoạch bảo quản ca cao cần nhiều kỹ thuật, điểm thu mua tại địa phương lại chưa có.

Ông Lương Ngọc Tôn ở xã Ea Pô cho biết, ca cao đã cho thu hoạch 2 năm nay nhưng do giá quá thấp, nếu tính với việc đầu tư thì vừa không có lãi, giá lại bấp bênh chỉ 35.000/kg. Sau nữa đó là việc vận chuyển bán ca cao rất xa, có khi phải tận Đắk Lắk mới có thể bán được. Chính vì vậy ông Tôn muốn chuyển vườn ca cao sang trồng cây tiêu.

Một loại cây khác, được cho là cây đa lợi ích, giá trị kinh tế cao cũng đang bị nông dân chặt bỏ hàng trăm ha, đó là cây cao su. Nếu như ở huyện Đắk Rlấp, việc chặt bỏ là hậu quả của việc chọn giống không phù hợp, nông dân ít am hiểu kỹ thuật, nên năng suất thấp, thì ở huyện Đắk Song, nguyên nhân còn bởi cao su không phù hợp với những vùng đất quá cao ở địa phương.

Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song cho biết, với hơn 1.000 ha trồng ngoài quy hoạch, việc phá bỏ sẽ còn tiếp diễn.

“Định hướng phát triển cao su trên địa bàn huyện chỉ có 2 xã có độ cao dưới 700m, theo khuyến cáo của ngành cao su là phát triển cao su tốt là xã Đắk Môn và Đắc Hòa. Tuy nhiên, hầu như xã nào cũng trồng cao su và nhiều người đổ xô vào trồng cao su.

Những diện tích hiện nay dân chặt bỏ do vườn đó giống không đảm bảo, kỹ thuật chăm sóc giai đoạn kiến thiết cơ bản không tốt nên cây cao su phát triển rất kém, sản lượng mủ không đảm bảo”, ông Hùng nói.

Tình trạng phá bỏ cao su, ca cao để trồng cà phê, hồ tiêu, đang góp phần làm diện tích 2 loại cây trồng này tăng chóng mặt. Cà phê ở Đắk Nông hiện tại đã có tới 115.000 ha, gần gấp đôi quy hoạch của tỉnh; hồ tiêu tại địa phương còn tăng nhanh hơn, hiện đã gần 8.500ha, cao hơn 500 ha so với kế hoạch phấn đấu của năm 2015.

Chặt bỏ cây kém hiệu quả để trồng cây hiệu quả kinh tế cao hơn là điều dễ hiểu. Nhưng điều đáng lo ngại là cây cà phê, hồ tiêu đang được trồng ồ ạt hiện nay cũng giống những cây trồng đã bị phá bỏ, đó là được trồng trên những vùng đất không phù hợp, người nông dân thiếu am hiểu kỹ thuật, chất lượng giống bị thả nổi, nên tiếp tục tiềm ẩn những nguy cơ thất bại.


Theo Minh Huệ

khanhnt

VOV

Trở lên trên