Trồng bơ ghép thu 400 triệu đồng/ha
Mùa thu hoạch vừa rồi, mỗi gốc bơ cho thu bình quân 2 tạ, giá bán 20.000 đồng/kg.
Tuy có nguồn gốc ngoại nhập nhưng những năm trước đây, bơ chỉ là thứ cây trồng “được chăng hay chớ” đối nhà nông Lâm Đồng. Song, giờ thì khác: Với giá hiện nay, 1ha bơ ghép có thể cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng mỗi năm.
Huyện Bảo Lâm là một trong số ít địa phương đang dấy lên phong trào trồng bơ ghép xen vào vườn cây công nghiệp.
Người dẫn đường chúng tôi đến tham quan một số mô hình trồng bơ ghép xen trong vườn càphê và vườn chè là anh Phạm Tấn Khoa - cử nhân kinh tế, Trưởng phòng Kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả (goi tắt là Trung tâm Cây ăn quả) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, có trụ sở đóng tại TP Bảo Lộc.
Khoa nói: “Bơ bây giờ “kinh tế” lắm! Nhà nông trồng bơ cứ như thể là tích trữ vàng vậy! Mùa thu hoạch vừa rồi, ở đây bán trung bình mỗi ký bơ là 20.000 đồng. Mỗi gốc bơ cho thu bình quân 2 tạ. Anh cứ thử nhân lên thì biết!”.
Hiệu quả từ mô hình thử nghiệm
Chúng tôi chưa kịp “nhẩm” phép nhân thì chiếc xe đã đỗ xịch trước một trang trại ở thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Một người đàn ông lững thững đi từ bên trong ra. May quá! Đó chính là chủ nhân của trang trại này, anh tên là Phạm Văn Hiệu. Hiệu chuẩn bị sang bên vườn kế bên để cắt cỏ. Biết anh đang vội nên chúng tôi hỏi gấp: “Anh trồng bơ xen trong vườn càphê năm nào vậy, thu nhập ra sao...?”.
Nhưng, khác với dự đoán của chúng tôi, anh Hiệu chậm rãi: “Vườn càphê này có từ lâu rồi. Tôi mua lại của một người khác. Cây bơ trồng xen trong càphê là một giống bơ ghép, trồng đã được 9 năm. Đây là giống bơ sáp - trái dài, ngon lắm. Mùa rồi, tôi bán đến 25.000 đồng mỗi ký. Cứ mỗi “héc”, tôi trồng xen 130 gốc bơ.
Mỗi gốc bơ cho thu hoạch trung bình 250 ký. Mô hình đa cây mà!”. Anh Hiệu đầy vẻ tự hào: “Trang trại tôi là một trong số ít trang trại thử nghiệm đầu tiên mô hình trồng bơ ghép xen trong vườn cà phê của Trung tâm Cây ăn quả đấy!”. Tận mắt chứng kiến trang trại của anh Hiệu, chúng tôi mới “vỡ nhẽ” rằng nhà nông thời nay làm ăn cũng “thủ thế” đáo để: Không chỉ trồng bơ ghép xen trong vườn cà phê mà ở trang trại của anh Hiệu còn có cây sầu riêng.
Chúng tôi nêu thắc mắc, anh Hiệu... thú nhận: “Phải... phòng thủ chứ! Giờ, trái bơ cho 25.000-30.000 đồng một ký, nhưng biết đâu nay mai, giá chỉ còn vài nghìn thì sao”. Vừa dẫn chúng tôi xem vườn, anh Hiệu vừa nhẩm tính: “Càphê, năng suất khoảng 4,5 tấn/ha, giá thấp cũng vào khoảng 45.000 đồng một ký thì mỗi năm có hơn 200 triệu.
Còn về bơ, có lúc tôi bán trên 30.000 đồng/kg, nhưng thôi, mình cứ tính giá bình quân 20.000 đồng đi, thì mỗi mùa thu không dưới 350 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản thu từ vài mươi gốc sầu riêng cho mỗi hecta”. Hoá ra, mỗi hecta trồng đa cây, trong đó có cây bơ ghép, mỗi năm cho thu nhập gần cả tỉ bạc!
Chúng tôi đi rã chân nhưng vẫn không thể thăm khắp lượt trang trại của ông chủ Phạm Văn Hiệu này. Vội giục anh Khoa chia tay để còn đến thăm ông Phạm Hoàng Lư ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm. Ông Lư không có ở nhà. Cô con dâu của ông bảo: “Các chú ngồi chơi uống nước. Cháu gọi bố cháu về ngay đây ạ!”.
Chưa kịp uống hết chén trà thì ông Lư về. Nhận ra khách quen (là anh Khoa), ông Lư xởi lởi đúng kiểu dân Nam Bộ (ông quê ở Ninh Kiều, Cần Thơ): “Có mấy con cá lóc đang nhốt rộng trong chậu sau nhà. Mần mồi, nhậu hén?”. Tôi gạt: “Để bữa tới, anh ạ! Giờ, ta đi xem vườn!”. Anh Lư hơi... chưng hửng nhưng vẫn rất nhiệt tình đưa chúng tôi và Khoa “lội ruộng trà” đến rã giò.
“Bơ nhà tôi trồng chưa đến hai năm rưỡi nhưng mùa rồi ra bói, kể cũng “độc”! Đấy, cây bơ của nhà đối diện kia kìa, bơ thường thôi, hơn 5 năm tuổi rồi mà chỉ cao từng ấy và chưa ra trái” - chỉ tay sang bên kia đường, anh Lư như muốn so sánh. Chỉ trồng mới hai năm mà bơ ghép đã cho thu bói.
Như nhận ra sự... nghi ngờ của chúng tôi, anh Lư chứng minh: “Mùa bói vừa rồi, tôi chủ yếu là mang biếu bạn bè, hàng xóm. Chỉ một ít đưa “tiếp thị” ở nhà hàng Tâm Châu (Bảo Lộc, trạm dừng chân của các chuyến xe TP HCM - Đà Lạt). Ngay sau đó, họ đặt hàng bơ nhà tôi ngay. Gom bán cho họ giá 25.000 đồng một ký; mang về nhà hàng, họ bán cho khách những trên 50.000 đồng một ký mà vẫn không đủ hàng”.
Chúng tôi nhận ra sự “thất thế” của cây chè trong vườn cây trồng xen của trang trại anh Phạm Hoàng Lư nên hỏi: “Mấy năm trước, cây chè trong vườn này chắc cho doanh thu không nhỏ?”. Anh Lư bảo: “Trên hai trăm triệu đồng là cái chắc! Nhưng, theo dự báo của tôi, năm bảy trăm triệu đồng từ cây bơ ghép vẫn hơn!”.
Anh Lư bắt tay tạm biệt trong nuối tiếc thật lòng của dân Nam Bộ: “Mấy ông “giải án” cho lũ cá lóc rồi!”. Nhận ra mặt trời chìm xuống đỉnh núi đằng tây, tôi hẹn: “Bữa khác vậy! Trang trại của anh “mang tiếng” là vùng sâu vùng xa của huyện Bảo Lâm nhưng coi bộ cũng... tiện đường chán! Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại!”.
Nan giải vấn đề cây giống
Anh Phạm Hải Triều - GĐ Trung tâm Cây ăn quả - cho biết: “Trung tâm hiện đang thực nghiệm 13 mô hình trồng bơ ghép giống mới. Trong 4 mô hình trồng bơ ghép xen trong vườn cây công nghiệp thì đã có hai trang trại cho thu hoạch. Hầu hết các mô hình thử nghiệm trồng bơ ghép giống mới của Trung tâm đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Đó là chỉ nói riêng cây bơ của Trung tâm Cây ăn quả, còn nếu mở rộng ra cả huyện thì có thể tham khảo số liệu báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm: Hiện cả huyện đã có 300ha bơ, trong đó chủ yếu các giống bơ ghép chất lượng và năng suất cao. Hiện diện tích bơ của huyện Bảo Lâm hầu hết đã cho thu hoạch hoặc vừa cho trái bói.
Qua tìm hiểu thêm một số mô hình trồng bơ ghép ở huyện Bảo Lâm, hầu hết những người nông dân nơi đây đều cho rằng việc trồng và chăm sóc cây bơ ghép không quá khó khăn. Theo bà con, nếu trồng xen trong vườn cây công nghiệp thì tỉ lệ 100 gốc cho mỗi hecta là vừa, còn nếu trồng thuần thì 178 cây/ha. Về năng suất, nếu trồng thuần, mỗi gốc cho từ 250-300kg mỗi vụ; nếu trồng xen thì con số này thấp nhất cũng phải 220kg/gốc.
Vấn đề có vẻ nan giải trong lúc này là số lượng cây giống bơ ghép. Anh Phạm Hải Triều nói: “Để tuyển chọn được 9 giống cây đầu dòng hiện nay, hồi giữa những năm 1990, Trung tâm Cây ăn quả đã tổ chức cuộc thi về những giống bơ cho năng suất và chất lượng cao. Hiện Trung tâm có 9 giống bơ đầu dòng mang ký hiệu BLĐ: BLĐ-004, BLĐ-005, 007, 011, 018, 033, 036, 038 và 040; và 1 giống ghép khác là CĐD.BO.43/02.
Vấn đề hiện nay đó là lượng cây giống cung không đủ cầu!”. Năm 2011, Trung tâm Cây ăn quả sản xuất khoảng 40.000 cây giống từ các giống bơ đầu dòng nhưng chỉ mới đủ để cung cấp cho các “mối” đã đăng ký từ trước. Dự kiến đến năm 2012, con số này sẽ là 60.000 cây giống nhưng chắc chắn cũng không thể đáp ứng đủ cho thị trường.
Cho đến lúc này, về “danh chính ngôn thuận” thì chỉ có Trung tâm Cây ăn quả là đơn vị được phép sản xuất giống bơ ghép. Tuy nhiên, do đòi hỏi của thị trường (và một phần không nhỏ là do... phong trào nhà nhà trồng bơ ghép, người người trồng bơ ghép nữa!) nên trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh... đã xuất hiện một số cơ sở sản xuất cây giống... chui. Người chỉ chọn đúng “địa chỉ” để mua cây giống bơ ghép như ông Phạm Hoàng Lư có nhiều, nhưng những người phải mua đại cây giống của những cơ sở sản xuất “chui” cũng không ít.
Nhớ lại lúc còn ở trang trại anh Phạm Văn Hiệu, tôi nghe anh Hiệu nói: “Vườn bơ nhà tôi chỉ bán chồi không thôi cũng kiếm được bộn tiền!”. Anh Khoa tròn mắt: “Anh không sợ làm vậy thì cây bơ mất sức à?”.
Anh Hiệu cũng tròn mắt trở lại: “Ủa, vậy ha?”. Chúng tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu thực trạng “tìm nguồn cây giống bằng mọi cách” của những nông dân huyện Bảo Lâm nói riêng và vùng bơ ghép Lâm Đồng nói chung, nhưng câu này của anh Khoa thì tôi nhớ rõ: “Nếu phát triển một cách ồ ạt với giống cây không chọn lọc và không kiểm soát được dịch bệnh thì hậu họa của vùng bơ ghép Lâm Đồng khó lường!”.
Theo Khắc Dũng
Lao động