Nữ bác sĩ kiên cường khi đồng nghiệp và bố mẹ nhiễm virus corona: "Nếu chúng tôi cũng ngã xuống, ai sẽ chữa trị cho mọi người?"
Trong những ngày thiếu ngủ và thiếu thiết bị y tế, các bác sĩ ở Vũ Hán đã tận dụng hết mọi sức lực của mình, cố gắng ngăn chặn một dịch bệnh mà đến giờ khoa học vẫn chưa thể hiểu tường tận.
- 09-03-2020Gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão, những người con còn đau khổ gấp trăm lần khi chứng kiến họ qua đời vì nhiễm virus corona
- 09-03-2020Bác sĩ BV Việt Đức nhấn mạnh: Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt, người dân hãy hiểu và thực hành 20 điều này để bảo vệ bản thân, ngăn virus lây lan
- 09-03-2020Nhật Bản: Dân mạng phẫn nộ vì bệnh nhân biết mình nhiễm Covid-19 vẫn đi bar để 'lây virus cho người khác'
Bác sĩ Trương Tiếu Xuân dừng xe gấp trên con đường về nhà ở Vũ Hán. Đó là vào tháng trước, khi cô có thể sẽ kiệt sức và gục ngã bất kỳ lúc nào. Trương Tiếu Xuân làm việc không nghỉ ở tuyến đầu phòng chống dịch, trong khi bố mẹ và đồng nghiệp của cô lần lượt nhiễm Covid-19.
Suốt ngày hôm đó, bác sĩ Trương đã quên mất con gái 9 tuổi của cô phải ở nhà một mình. Và khi dừng xe gọi điện cho con, cô càng nóng ruột hơn vì không có phản hồi. Đôi mắt của Trương Tiếu Xuân sưng lên, nhưng cô không đủ sức để khóc. "Nước mắt của tôi không thể rơi xuống" - cô kể lại với tờ Wall Street Journal ngày 18/2.
Bác sĩ Trương Tiếu Xuân (Ảnh: WSJ)
Khắp thế giới, các bác sĩ bị đẩy đến giới hạn của sức chịu đựng. Họ thiếu ngủ và thiếu vật tư y tế để chống chọi với một dịch bệnh toàn cầu. Hơn nữa, họ có nguy cơ lây nhiễm cao cho bản thân, cho vợ chồng, con cái, bố mẹ của mình.
Ở Trung Quốc, hơn 3.000 bác sĩ đã nhiễm bệnh và ít nhất 22 người tử vong. Mỗi bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch phải trực liên tục 10 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Nhiều người đã mặc đồ bảo hộ suốt cả ngày, không dám ăn uống hay đi vệ sinh. Họ không muốn tháo xuống "lớp phòng thủ" vì sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Nhưng trong thâm tâm, bức tường tâm lý của họ đang lung lay vì gánh chịu áp lực quá nặng nề.
Bác sĩ Trương Tiếu Xuân vẫn mạnh mẽ vì cô có nhiều kinh nghiệm. Hiện giờ, cô phụ trách chụp X-quang tại bệnh viện Trung Nam - một cơ sở 3.300 giường bệnh ở trung tâm Vũ Hán. Trước đó, nữ bác sĩ từng xông pha trong dịch SARS năm 2003 và thảm họa động đất Tứ Xuyên năm 2008.
Hơn 1 tháng vừa chống dịch ở bệnh viện, vừa tự tay chăm sóc bố mẹ với con nhỏ
Ngày 31/12, bác sĩ Trương nghỉ ngày phép đầu tiên và chuẩn bị đưa bố mẹ cùng con gái về quê nhà ở Nội Mông. Đúng sáng hôm đó, cấp trên báo cuộc họp khẩn cấp.
Hai bệnh nhân ở viện Trung Nam đã bị nhiễm trùng phổi tương tự như bệnh SARS. Ban giám đốc bệnh viện liền yêu cầu tẩy trùng các không gian, mở cửa sổ để lưu thông khí và các y bác sĩ phải mang thiết bị bảo hộ.
Bác sĩ Trương đã chụp X-quang cho hai bệnh nhân nói trên, cô lo lắng trước những gì nhìn thấy. Cô cảnh báo cho bệnh viện về một dịch bệnh có thể sắp xảy ra. Vài ngày sau, một kĩ thuật viên ở Trung Nam đã mắc bệnh. Ngoài ra các bệnh nhân phổi cũng đổ dồn về mọi bệnh viện ở Vũ Hán.
(Ảnh: China Daily/Reuters)
Từ đó, ngày nào bác sĩ Trương cũng kiểm tra kết quả chụp X-quang phổi, một công việc tương đối ít nguy cơ lây nhiễm. Nhưng cũng có lúc cô phải mặc quần áo bảo hộ để trực tiếp thăm khám người bệnh.
Về phía gia đình, cô hủy mọi chuyến đi, may khẩu trang tự chế bằng băng gạc cho người thân. Nữ bác sĩ cũng ngủ lại ở văn phòng bệnh viện, hạn chế về nhà vì sợ lây nhiễm. Ngoài ra, cô có rất ít thời gian để ăn uống, tắm rửa.
Cuối tháng 1, Vũ Hán bị phong tỏa. Chồng bác sĩ Trương đang công tác ở xa, không thể trở về kịp thời. Đứa con gái 9 tuổi đành nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Nhưng rồi ông bà cụ cũng có triệu chứng bệnh.
Bác sĩ Trương kể lại khoảng khắc chụp X-quang cho mẹ: "Lúc nhìn kết quả, tôi đã biết rồi. Trái tim tôi bỗng chùng xuống". Bố của cô ban đầu không chịu làm xét nghiệm, dẫn tới nhiễm trùng phổi nặng hơn dù không có triệu chứng rõ ràng.
Thành viên cuối cùng và nhỏ tuổi nhất trong gia đình, chính là con gái của bác sĩ Trương. Cô rất sợ phải tự mình chẩn đoán cho con, nhưng em đã khích lệ mẹ: "Chụp đi mẹ, con sẽ ổn mà!". Kết quả cho thấy hai lá phổi của em bình thường.
Dẫu vậy, áp lực của Trương Tiếu Xuân không nhẹ đi. Cô vừa phải lo cho bố mẹ bị ốm vừa phải làm tròn nhiệm vụ ở bệnh viện. Con gái của cô được nghỉ học nhưng không có ai để chăm sóc.
(Ảnh minh họa: China Daily/Reuters)
Do kết quả xét nghiệm vẫn âm tính với virus, bố mẹ của bác sĩ Trương không thể nhập viện dù bệnh tình trở nặng. Cuối cùng, cô xin được thuốc kháng virus HIV để chữa trị cho bố mẹ. Nhưng ông bà cụ lại nôn mửa do tác dụng phụ của thuốc.
Sau đó, bệnh viện Trung Nam cung cấp 10 phòng cách ly cho người thân của đội ngũ y bác sĩ tại một tòa nhà sắp bị phá bỏ. Bác sĩ Trương đăng ký được 1 phòng, nhưng cũng có người đến chậm chân. "Một vài người ôm bụng, người khác chắp tay sau đầu hay ho không thể kiểm soát" - nữ bác sĩ nhớ lại. Cô cảm thấy rất thương họ.
Giữa những biến loạn của ngày hôm đó, bác sĩ Trương chợt nhớ đến con gái ở nhà. Khi con không nghe điện thoại, Trương Tiếu Xuân cảm thấy tuyệt vọng và vô cùng tội lỗi. Vài phút sau, cô trấn tĩnh bản thân với ý nghĩ: "Mọi chuyện sẽ trở thành thảm họa đối với gia đình nếu mình không tiếp tục cố gắng".
Trương Tiếu Xuân vô cùng sợ hãi khi lái xe về nhà (Ảnh minh họa)
Về đến nhà, Trương Tiếu Xuân lập tức tông cửa và bật đèn, rồi gào tên con trong hoảng sợ. Một giọng nói yếu ớt đáp lại khi con gái của cô dần tỉnh ngủ.
Con gái ăn những món mà mẹ mua về, than phiền rằng thức ăn ngày nào cũng giống nhau. Em còn hỏi tại sao mẹ phải làm việc liên tục: "Hôm nay con rất sợ phải ở nhà một mình".
Bác sĩ Trương không khỏi xót con, nhưng chỉ dỗ dành: "Con cần phải trưởng thành. Nếu con không trưởng thành, mẹ sẽ càng lo lắng hơn". Cuối cùng, con gái đáp: "Mẹ rất mạnh mẽ. Con cũng sẽ như vậy", dù đứa trẻ thú nhận rằng mình vẫn còn run sợ.
Cô Trương biết mình sắp không thể chịu nổi, phải tìm cách để chồng trở về Vũ Hán cùng gánh vác gia đình. Hai người đã nộp lá đơn xin phép đặc biệt tới chính quyền. Đến 2 ngày sau, chồng của Trương Tiếu Xuân được chấp thuận lái xe 14 tiếng trở về tâm dịch.
"Nếu chúng tôi cũng gục ngã, ai sẽ chăm sóc cho mọi người?"
Nhiều lúc bác sĩ Trương cảm thấy như trận chiến với dịch bệnh không có hồi kết. Bệnh viện của cô đang phải vận hành đến 3 cơ sở chữa trị Covid-19 với tổng cộng 5.400 giường bệnh.
Tại trụ sở, bệnh viện Trung Nam cũng bổ sung 2.000 giường bệnh. Văn phòng của y bác sĩ được cải tổ thành phòng điều trị. Bác sĩ Trương và đồng nghiệp phải thuê khách sạn để ngủ và làm việc. Trương Tiếu Xuân tin rằng toàn bệnh viện vẫn sẽ làm việc hết công suất trong nhiều tháng tới. Nếu lơ là, số ca nhiễm có thể tăng trở lại.
(Ảnh minh họa: Getty Images)
Một buổi tối, bác sĩ Trương mua thức ăn về khách sạn cho các động nghiệp. Cô nói lưng của mình như sắp gãy đôi, và cơn ho ngày càng dai dẳng. Bảo vệ đo thân nhiệt cho Trương Tiếu Xuân và hỏi thời gian ra vào khách sạn, cô nói mình không còn biết thời gian gì nữa.
"Tôi ổn mà" - cô nói với người bảo vệ đang giơ súng đo thân nhiệt lên trán mình. Kết quả vẫn bình thường. "Nếu chúng tôi cũng gục ngã, chuyện gì sẽ xảy ra với mọi người đây?" - Trương Tiếu Xuân nói thêm rồi bước nhanh vào khách sạn.
(Theo WSJ)
Trí thức trẻ