Nữ CEO 9X và thách thức sống còn mùa dịch: Nhân viên, quản lý gửi email xin không nhận lương 2 tháng để đồng hành cùng trung tâm
"Các bạn nhân viên cũng rất thông cảm cho trung tâm, thậm chí bạn Trưởng Phòng Đào tạo ở chi nhánh TP. HCM còn gửi email xin không nhận lương cứng trong vòng 2 tháng. Vài hôm trước trong đợt tổng kết lương tháng 3, một bạn quản lý cũng xin phép chậm nhận lương sang đến tháng 5".
Với những tình hình ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, "kỳ nghỉ Tết" dài nhất trong lịch sử chưa có dấu hiệu kết thúc. Học sinh, sinh viên trên cả nước vẫn tiếp tục nghỉ học tập trung, chuyển sang hình thức học trực tuyến để phòng tránh sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Cùng với đó, các trung tâm Ngoại ngữ, các lớp học IELTS vẫn đóng cửa im ỉm và chưa thể bắt đầu trở lại khiến nhiều bạn học sinh lỡ mất đà học tập, chây ì và có hiện tượng quên mất những gì đã được học. Nhiều trung tâm cũng đang khẩn trương khắc phục khó khăn và tìm hướng đi mới trong mùa dịch.
Lương Bảo Hoa, CEO của trung tâm "The IELTS Workshop" cho biết tuy đây là thời điểm khó khăn của tất cả các ngành nghề nhưng mọi người đều đang giữ vững một thái độ lạc quan tích cực, không ngừng cố gắng để cùng nhau quay trở lại bùng nổ hơn khi hết dịch Covid-19.
Chào bạn, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình thực tế ở trung tâm bị ảnh hưởng như thế nào?
Mình nghĩ rằng như tất cả các ngành nghề khác trong xã hội, ngành Giáo dục cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng, đặc thù của ngành Giáo dục là tập trung chủ yếu phát triển con người mà đối tượng lớn nhất trong sứ mệnh này không ai khác ngoài các bạn học sinh, sinh viên.
Lớp học của thầy Đặng Trần Tùng ở "The IELTS Workshop"
Dịch bệnh diễn ra ngay sau tết như thế này, vô hình chung nó như một kỳ nghỉ dài và dài hơn nữa khiến học sinh ngại quay trở lại học bình thường. Khi dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp, đầy khó khăn, bọn mình đã vô cùng vất vả, ngay lập tức đưa ra phương án cho học sinh học online, giúp các bạn ấy bắt nhịp với guồng học. Thêm vào đó, chi phí cố định, đặc biệt là tiền lương dành cho nhân viên cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Tại các lớp học, khó khăn lớn nhất cả thầy lẫn trò gặp phải hiện nay là?
Từ trước đến nay việc học ngôn ngữ cũng giống như xem một bộ phim hoặc nghe một bản nhạc, nếu thật sự thích thì bạn sẽ muốn tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Thầy cô lên lớp, một phần dạy cho học sinh những kiến thức lý thuyết nhưng để tạo cho học sinh động lực để yêu thích ngôn ngữ đó, giúp các bạn nghiên cứu sâu hơn, nỗ lực hơn trong việc học ngôn ngữ thì đó là yếu tố mà học online không thể mang lại được.
Dù trong quá trình học online bên mình đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp giúp thầy trò tương tác qua nhiều phần mềm. Tuy nhiên giữa bao nhiêu hình thức học online, cộng thêm chúng ta đang sống trong công nghệ số mà các lớp học truyền thống vẫn cứ tồn tại mạnh mẽ bởi vì sự tương tác trực tiếp giữa người với người, cảm xúc chúng ta có với nhau, không một công cụ nào có thể thay thế được.
Hệ thống giảng dạy online của "The IELTS Workshop"
Thầy cô cùng học viên của trung tâm đã làm gì để bắt nhịp với việc dạy và học ngay từ những ngày đầu mùa dịch?
Giáo trình bên mình tập trung vào việc tương tác hai chiều và cảm quan của người dạy lẫn người học. Vậy nên việc tương tác đối với giáo trình của mình rất quan trọng, đấy cũng là lý do tại sao chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số 4.0, chúng ta cũng có rất nhiều hình thức học online nhưng những hình thức học truyền thống vẫn tồn tại rất lâu, rất mạnh mẽ. Cảm nhận trực tiếp và tình yêu ngôn ngữ mà học sinh có được trong việc tương tác với giáo viên trên lớp khó lòng có thể thay thế được. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi có những quyết định đầu tiên của UBND Thành phố và Sở GD-ĐT Hà Nội cho học sinh nghỉ học, bên mình cũng đắn đo, chờ thông báo đi học lại vì trung tâm không muốn mất đi lợi thế, điểm sáng nhất trong giáo trình dạy học cũng như lợi thế của thầy cô là tương tác tốt với học sinh.
Tuy nhiên trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, trung tâm đã phải cho triển khai phương án học online để không làm gián đoạn việc học, cũng như không để học viên cảm thấy hoang mang. Lúc đầu các thầy cô phải họp với nhau rất nhiều, thầy cô có kinh nghiệm dạy online đã cùng với phòng Đào tạo soạn thảo những bộ hướng dẫn, hỗ trợ tìm hiểu thêm phần mềm học online để học sinh có thể chơi Mini-game trong lớp.
Lớp học truyền thống
Hồi đầu của dịch bệnh, mỗi lần có thông tin trường lớp chưa được hoạt động trở lại, rất nhiều thầy cô cảm thấy buồn, có đôi chút thất vọng. Nhưng sang đến giai đoạn sau, giáo viên đã chủ động hơn vì không thể tiếp tục chờ đợi thông báo đi học lại, thầy cô bắt đầu tìm ra phương án tương tác với học sinh, tự tin hơn trong việc giảng dạy mặc dù vẫn tồn tại một số điểm hạn chế.
Đối tượng học sinh nào gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất khi trung tâm chuyển qua hình thức học online?
Mình nghĩ các bạn trẻ hiện nay sử dụng công nghệ cũng như mạng xã hội nhiều vì vậy việc tương tác lại với giáo viên qua mạng cũng rất nhanh. Tuy nhiên có một số học viên là các anh chị cần IELTS để đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ hoặc sang nước ngoài định cư thì chậm hơn một chút trong việc làm quen với công nghệ. Trung tâm đã đặt ra nhiều phương án để hỗ trợ học viên ngay từ những buổi đầu, có kế hoạch hướng dẫn cụ thể để học viên chủ động làm quen. Bên Bộ GD&ĐT cũng có những chương trình học online nên học viên, sinh viên cũng đã tiếp cận với việc học qua phần mềm, vì thế phần nào giải toả những hạn chế trong việc sử dụng công nghệ.
Trung tâm đã xây dựng hệ thống bài giảng, bài tập rèn luyện kỹ năng cho học viên khi học online ra sao?
Bên mình không thay đổi hệ thống bài giảng mà thay đổi phương pháp học và tương tác. Bài tập và hệ thống bài giảng vẫn như vậy, mục tiêu là đạt được 85%-90% tương tác khi dạy trực tiếp tại các lớp offline. Khi dạy online, giáo viên sẽ tốn sức hơn vì trên lớp truyền thống giáo viên sẽ chuẩn bị bài tập nhỏ cho học sinh tự thảo luận. Nhưng nếu để học sinh tự thảo luận trong khi học online, rất có thể các bạn ấy sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh dẫn đến dễ mất tập trung. Nên trong suốt buổi học đòi hỏi sự tập trung, sát sao hơn từ thầy cô. Giáo viên trong phần lớn thời gian luôn phải tương tác và kiểm soát lớp vì không thể tin tưởng việc học viên tương tác với nhau.
Thầy Đặng Trần Tùng - giáo viên chính của trung tâm với thành tích siêu khủng: người Việt Nam duy nhất tới 3 lần đạt điểm IELTS tuyệt đối 9.0
Một số phần mềm mà bên mình áp dụng song song với Zoom, hình ảnh sống động hơn thì học viên cũng hứng thú hơn, tương tác được lại với giáo viên. Trong việc học, giáo viên sẽ hỗ trợ khoảng 40% còn 60% là do học sinh chủ động muốn học. Học online hạn chế ở việc tương tác khi khả năng tập trung của các bạn bị ảnh hưởng bởi yếu tố xung quanh.
Sự tương tác giữa giáo viên với học sinh ở các buổi học online có đảm bảo chất lượng dạy và học hay không? Đâu là điểm mới thu hút, phát huy khả năng tư duy sáng tạo của học trò?
"Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", học sinh thời nào cũng vẫn lém lỉnh, nhiệt tình tương tác yêu quý thầy cô. Nhưng trong lớp sẽ có một số ít các bạn trầm tính, không tham gia nhiều hoạt động thì ở lớp học ngoại ngữ cũng vậy. Trung tâm mình rất muốn khai thác điểm mạnh của các bạn ấy, giúp các bạn có thể tham gia các hoạt động của lớp học. Tuy nhiên vì học online nên các bạn bị hạn chế tương tác, một số ít học sinh có trầm hơn.
Còn lại đa số học sinh vẫn tích cực lắng nghe, bắt nhịp nhanh, được giáo viên kéo vào guồng tương tác. Tuy nhiên mình cho rằng nó chỉ đạt tới 80%-85% so với việc học trực tiếp trên lớp vì trung tâm chưa thể ngay lập tức có một giáo trình hoàn hảo cho việc học online được. Học viên cũng phải đặt mục tiêu khi đã học cần thật sự tập trung, không để những yếu tố xung quanh tác động ảnh hưởng đến việc học.
Học phí giữa việc học online mùa dịch và các lớp học offline có sự khác biệt như thế nào? Liệu trung tâm có chính sách hỗ trợ học phí cho người học hay không?
Chắc chắn là có. Mình làm phép so sánh như sau học online vẫn phải gồng gánh các chi phí như offline nhưng hiệu quả chỉ đạt 80-85% nên vẫn phải có chính sách giảm giá để phù hợp với những cam kết về chất lượng cũng như thoả mãn kỳ vọng của học viên.
Chị Lương Bảo Hoa, CEO "The IELTS Workshop"
Bí kíp để "sống sót" giữa mùa dịch" của doanh nghiệp mình là gì?
Tất cả mọi người đều phải tối ưu chi phí cố định, giảm chi phí không cần thiết, có thể vận dụng tối ưu dòng tiền để sống sót qua mùa dịch. Đây là lúc để các trung tâm nhìn lại một cách tổng quan chính những lỗ hổng trong việc thu chi của mình, nhìn thấy được, sàng lọc khoản thu không cần thiết để vận hành, hoạt động bình thường trở lại.
Tại sao chúng ta cần phải có thái độ lạc quan, xem đây là thách thức chung mà tất cả phải vượt qua?
Khi bạn đã chấp nhận khởi nghiệp, kinh doanh thì bạn cũng phải chấp nhận việc gặp rủi ro nhất định và mình nghĩ đây là rủi ro không tính trước được mà tất cả các doanh nghiệp phải vượt qua. Nhu cầu học vẫn luôn luôn tồn tại, chỉ là bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thôi, nếu mình kiểm soát tốt, duy trì hết thời gian khó khăn này thì mọi thứ sẽ trở lại bùng nổ hơn. Tất cả các trung tâm đều đang giữ vững một thái độ lạc quan tích cực, không ngừng cố gắng để cùng nhau quay trở lại khi hết dịch. Ngành của mình là đào tạo ngôn ngữ ngoài công lập nhưng mình vẫn cảm thấy may mắn vì có người còn những người khó khăn hơn mình rất nhiều, từ đó tự động viên nhau cố lên.
Từ những biến cố bất ngờ xảy ra như đại dịch Covid-19, trung tâm đã rút ra bài học gì để hạn chế tổn thất ít nhất có thể cho những tình huống tương tự sau này?
Với những biến cố bất ngờ xảy ra, mình chỉ có thể vừa làm vừa xử lý, vừa làm vừa tìm những lỗi sai để rút kinh nghiệm, bên mình chưa có phương án tối ưu nhất. Đây giống như một rủi ro trong kinh doanh, đã làm kinh doanh bạn phải chập nhận điều đó. Trung tâm cũng luôn giữ thái độ tích cực nhất để nhân viên cảm thấy có động lực hơn. Mình khá may mắn vì nhân viên của mình trong suốt thời gian qua luôn đồng hành cùng với trung tâm.
Bên mình không muốn chậm lương của nhân viên, thời gian đầu của dịch bệnh, 100% toàn bộ nhân viên đi làm đầy đủ lương, đầy đủ công. Nhưng sang giai đoạn tiếp theo bên mình cũng phải áp dụng những biện pháp hạn chế, ví dụ như có phương án nghỉ luôn phiên, cắt giảm những chi phí không cần thiết. Các bạn nhân viên cũng rất thông cảm cho trung tâm, thậm chí bạn Trưởng Phòng Đào tạo ở chi nhánh TP. HCM còn gửi email xin không nhận lương cứng trong vòng 2 tháng. Vài hôm trước trong đợt tổng kết lương tháng 3, một bạn quản lý cũng xin phép chậm nhận lương sang đến tháng 5 để giúp trung tâm 1 phần nào về dòng tiền. Nhân viên trong thời điểm này dù có bận rộn, thêm công việc nhưng các bạn ấy vẫn nhiệt tình, thấu hiểu, mọi người đồng lòng, đoàn kết hơn.
Trí thức trẻ