MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn vượt đỉnh thời đại, có thể kì vọng gì trong năm tới?

29-03-2018 - 22:57 PM | Doanh nghiệp

Cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn đã phá đỉnh dài hạn xác lập năm 2016. Năm 2018 dự kiến sẽ là một năm khó khăn của ngành cá tra, tuy nhiên Vĩnh Hoàn vẫn đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khả quan.

Kết thúc tuần 19-23/03, cổ phiếu của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC: Hose) cũng vượt qua mức giá lịch sử của doanh nghiệp này từ khi lên sàn nhưng với diễn biến hoàn toàn ngược pha so với vận động của chỉ số VN Index. Cụ thể, trong 2 ngày đầu tuần VHC tụt gần 4% từ mức 56.200 đồng/ cổ phiếu về mức 54.000 đồng/ cổ phiếu. Tuy nhiên cổ phiếu này đã có sự trở lại mạnh mẽ khi tăng liên tục trong 3 phiên cuối tuần, đỉnh điểm là phiên cuối tuần 23/03 cổ phiếu của VHC đã đóng cửa ở mức giá trần 61.400 đồng/ cổ phiếu, vượt qua vùng đỉnh cũ xác lập vào tháng 09/2016.

Đà tăng giá của VHC còn được tiếp diễn trong tuần này. Chốt phiên 29/3, VHC đóng cửa ở mức giá 67.600 đồng, tăng 32% so với đầu năm. Trong bối cảnh ngành cá tra còn gặp nhiều thách thức, nhà đầu tư có thể kì vọng gì Vĩnh Hoàn?

“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn vượt đỉnh thời đại, có thể kì vọng gì trong năm tới? - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu Vĩnh Hoàn và Hùng Vương trong 3 năm

Bức tranh chung của ngành còn ảm đạm

Theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2017, VN đã xuất khẩu (XK) 1.777 triệu USD (+3,6% n/n) cá tra sang hơn 160 quốc gia, chiếm 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản cả nước. XK cá tra VN đạt mức tăng trưởng 10 năm CAGR ở mức 6,1% từ năm 2007. Tuy nhiên năm 2008 và 2011 đóng góp phần lớn cho CAGR trên khi ghi nhận mức tăng lần lượt 48,2% và 30,1%. Ngoài 2 năm đó KNXK dường như không tăng trưởng. Theo dự đoán của Rabobank, ngành thủy sản thế giới sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3-4% trong năm nay.

“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn vượt đỉnh thời đại, có thể kì vọng gì trong năm tới? - Ảnh 2.

Trung Quốc trở thành thị trường XK số 1 của cá tra Việt Nam trong năm 2017

Trước năm 2017, Mỹ là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn khoảng 20% giá trị XK toàn ngành. EU là thị trường XK lớn thứ hai của cá tra Việt Nam tính đến hết năm 2015, tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu đã sụt giảm trong 2 năm gần đây do những hiểu lầm về nước thải từ việc nuôi cá tra của VN gây ảnh hưởng tới môi trường.

Năm 2017, Trung Quốc đã nhập 410,9 triệu USD cá tra VN, tăng 34,8% và trở thành thị trường XK lớn nhất của cá tra VN. Theo báo cáo tháng 1 của VASEP, Giá trị XK sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh 132% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị XK sang thị trường Mỹ đạt 26 triệu USD, tăng 31%, giá trị XK sang thị trường ASEAN cũng đạt 19,1 triệu USD, tăng 126% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đạt đỉnh khi vượt qua ngưỡng 30.000 đồng/kg là động lực chính của giá trị XK, ngoài ra các doanh nghiệp cá tra còn phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu, thiếu cá giống trầm trọng cho tới hết quý II/2018.

Một trở ngại khác cho cá tra VN chính là việc Mỹ tăng mức thuế chống bán phá giá. Ngày 15/3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra-basa của Việt Nam. Giai đoạn rà soát từ ngày 1/8/2015 đến 31/7/2016. Theo đó mức đánh thuế trung bình vào các doanh nghiệp cá tra VN ở mức chung là 3.87 USD/kg, mức đánh thuế kỉ lục, tăng cao hơn nhiều so với mức 2,39 USD/kg của đợt rà soát trước đó (POR12).

“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn vượt đỉnh thời đại, có thể kì vọng gì trong năm tới? - Ảnh 3.

Mức thuế nhập khẩu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu sau POR13

Câu chuyện của Vĩnh Hoàn

Hiện tại VHC là "nữ hoàng cá tra" ở Việt Nam khi đạt tới 15% thị phần của toàn ngành công nghiệp cá tra. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của VHC với doanh thu từ thị trường này chiếm 58% tổng doanh thu tập đoàn. Châu Âu và TQ lần lượt đóng góp 13% và 10% tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2017.

Năm 2018, VHC đặt mục tiêu biến TQ thành thị trường chiến lược với giá trị XK đạt 17% doanh thu tập đoàn, đây có thể coi là một bước đi đúng đắn khi thị trường đông dân nhất thế giới này có nhu cầu tiêu thụ cá tra ngày một cao, và cũng giúp hạn chế những rủi ro về mặt chính sách tại các thị trường "khó tính" như Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận tại thị trường TQ sẽ thấp hơn tại Mỹ và châu Âu khi họ thường nhập khẩu cá tra nguyên con thay vì phi lê đã qua chế biến.

Tuy là doanh nghiệp hàng đầu nhưng Vĩnh Hoàn cũng phải đối mặt với những khó khăn chung của ngành. Tổng kết 6 tháng đầu năm 2017, VHC ghi nhận doanh thu tăng trưởng 14% so với 2016 tuy nhiên lợi nhuận lại giảm mạnh 38% so với cùng kì do thiếu hụt con giống và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Để khắc phục tình trạng này Vĩnh Hoàn đã đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng chặt chẽ. Hiện tại tổng diện tích nuôi trồng của công ty đạt 530ha và 55ha trại ươm con giống, nâng tỷ lệ nguồn nguyên liệu tự cung lên 65% trong năm 2017 từ mức 17% năm 2007.

Về mặt tích cực, Vĩnh Hoàn là 1 trong 2 công ty của Việt Nam vẫn hưởng thuế suất 0% sau đợt POR13 của Bộ Thương Mại Mỹ. Bên cạnh đó, do đạt được tỉ lệ nguyên liệu tự cung cao, giảm bớt ảnh hưởng của việc đầu vào tăng giá nên VHC có tỷ suất ROE và ROA cao so với các DN cùng ngành trong nước và khu vực. Năm 2017, ROE và ROA của VHC lần lượt đạt 22,4% và 12,5%, cao hơn 34,1% và 76,7% so với trung bình ngành.

Bên cạnh đó những mặt hàng giá trị gia tăng và Collagen có biên lợi nhuận cao (22-24%) cũng được công ty đẩy mạnh sản xuất. Trong năm 2018, dự kiến doanh thu từ mảng collagen, galentin và cá mặt hàng giá trị gia tăng đạt 30 triệu USD (tăng 230% so với cùng kì), chiếm 7,5% doanh thu tập đoàn.

“Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn vượt đỉnh thời đại, có thể kì vọng gì trong năm tới? - Ảnh 4.

Tổng kết năm tài khóa 2017, Vĩnh Hoàn đạt 8.173 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 10,9% so vợi năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 593 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phần đạt 6.428 đồng/ cổ phần; tổng giá trị xuất khẩu đạt 299 triệu USD. Năm 2018, Vĩnh Hoàn cũng đặt kế hoạch SXKD năm 2018 với mục tiêu doanh thu thuần ước đạt 9.300 tỷ đồng tăng 14% so với năm 2017, trong đó giá trị XK đạt 350 triệu USD tăng 17% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 650 tỷ đồng, tăng 10% so với lợi nhuận thực hiện năm 2017. EPS dự phóng đạt 7.034 đồng/ cổ phiếu.

Chứng khoán HSC nhìn nhận kì vọng lợi nhuận trong năm 2018 của VHC khả quan hơn. Theo HCM, do được hưởng ưu đãi về thuế tại tt Mỹ so với các công ty khác, doanh thu của VHC tại thị trường này có thể tăng 26%, LNST của tập đoàn tăng 21,3% so với cùng kì đạt 720 tỷ, EPS ước đạt 7.576 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá hiện tại, VHC đang giao dịch với mức 8.55 lần mức EPS dự phóng 2018, thấp hơn rất nhiều so với mức TB ngành (20,1x), hay so với Thái Lan (14,1x), Indonesia (13,1x).

H.G

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên