Nữ sinh dân tộc Thái nhận học bổng toàn phần Mỹ: IELTS 8.0, "phá kén" thành công nhờ bài luận về chiếc khăn Piêu
Viết về chiếc khăn Piêu, Lò Thảo Vi (Sơn La) đã xuất sắc dành học bổng du học toàn phần của Mỹ.
- 12-06-2022Những cuộc hôn nhân kỳ lạ của giới tỷ phú và người nổi tiếng: Cứ ngỡ ngôn tình đời thực nhưng đôi khi, tiền bạc cũng không thể cứu vãn
- 30-05-2022Giáo dục con theo cách của cha mẹ Tây Tạng để tạo nên những đứa trẻ quyết đoán: Lúc cưng chiều hết mức, khi lại đối xử trái ngược hoàn toàn
- 19-05-2022Gia đình 6 thành viên xây nhà kính trị giá hơn 8 tỷ đồng ở vòng Bắc Cực, lựa chọn cuộc sống tự cung tự cấp, gần gũi với thiên nhiên
Nhận được học bổng du học luôn là niềm mơ ước của rất nhiều các học sinh, sinh viên Việt Nam. Để đạt được thành công đó là cả một hành trình dài để trau dồi và hoàn thiện bản thân không chỉ trong học tập mà còn là trong các hoạt động ngoại khóa.
Lò Thảo Vi (Sơn La), sinh viên năm 2 chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại Giao cũng không nằm ngoài motif này. Cô bạn chính là chủ nhân của suất học bổng trao đổi toàn phần Global UGRAD của Bộ Văn hóa & Giáo dục Hoa Kỳ nhờ bài luận lấy cảm hứng từ nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái - một cộng đồng đa sắc màu mà Thảo Vi thuộc về.
Lò Thảo Vi
Một số thành tích học tập của Thảo Vi:
1. Học bổng toàn phần Global UGRAD của Bộ Văn hoá & Giáo dục Mỹ khoá 2021-2022.
2. IELTS 8.0
3. Giải Nhất môn Tiếng Anh lớp 12 kỳ thi HSG Tỉnh Sơn La năm học 2019-2020
4. Giải Nhì môn Tiếng Anh lớp 12 kỳ thi HSG Tỉnh Sơn La 2 năm lớp 10 và 11.
5. Tham gia Đội tuyển HSG Quốc gia môn Tiếng Anh.
6. GPA lớp 12 9.1/10
Cô gái dân tộc Thái với khát khao mang quê hương vươn tầm thế giới
Nuôi trong mình ước mơ du học từ năm lớp 12, tuy nhiên do không đủ thời gian, cũng như mọi thứ còn đang vô cùng mơ hồ nên Thảo Vi đã phải tạm gác lại ước mơ du học. Nhưng sự ham học hỏi là ngọn lửa chưa bao giờ tắt nên Thảo Vi đã lựa chọn tiếp tục với hành trình du học ngay sau khi đỗ đại học.
Kể từ thời điểm đó, cô nàng đã đi tìm hiểu rất nhiều loại học bổng khác nhau ở trên mạng xã hội. Tình cờ biết được học bổng Global UGRAD đang đài thọ toàn bộ chi phí du học, Thảo Vi đã ngay lập tức chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển.
Thảo Vi đã nuôi ước mơ đi du học từ năm lớp 12
Lúc mới đầu, Thảo Vi cảm thấy khó khăn để lựa chọn đề tài viết luận. Không chỉ thế, giữa muôn vàn những hồ sơ ứng tuyển, cô nàng phải đối đầu với những “chiến binh nghìn máu” để giành lấy cho mình một cơ hội.
Khi tham khảo ý kiến xung quanh, mọi người đều khuyên cô nàng hãy viết về những điều khiến bản thân trở nên khác biệt và là dấu vân tay nhận diện riêng chỉ có ở Thảo Vi. Theo nữ sinh sinh năm 2002, muốn khác biệt thì phải khai thác những thứ đặc biệt mà không một ai có thể trùng lặp được với bản thân. Tình cờ một hôm, mẹ của Thảo Vi có nói rằng: “Mẹ mong một ngày, con mang chiếc áo Cóm (áo truyền thống dân tộc Thái) đi khoe với bạn bè quốc tế”. Câu nói đó của mẹ như là một “cú hích” truyền động lực cho Thảo Vi.
“Ngay từ nhỏ, mình đã rất ấn tượng với những mảng màu sắc sặc sỡ trên bộ váy Cóm mẹ thường hay mặc, hay trên chiếc khăn Piêu đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Đó là nguồn cảm hứng bất tận để mình đặt bút viết lên chủ đề này. Những mảng màu truyền thống đó đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và định hình lên mình ở thời điểm hiện tại”, cô bạn 10x bày tỏ.
Thảo Vi luôn trăn trở để thay đổi tư duy của người dân tộc Thái.
“Mình yêu những màu sắc ấy và cảm thấy thật tiếc khi bạn bè quốc tế còn chưa biết nhiều về khăn Piêu và áo Cóm. Hơn nữa, các bạn đồng hương Sơn La vẫn còn khá e dè khi nhắc đến vấn đề du học. Vì vậy, mình hy vọng có thể thay đổi tư duy của người đồng bào dân tộc mình, phát triển nơi đây và lan tỏa văn hóa của vùng đất này”.
Sau bài luận, Thảo Vi bước vào vòng phỏng vấn diễn ra tại Đại sứ quán Hoa Kỳ. Vòng này chỉ được thông báo trước 3 ngày ngắn ngủi, không có quá nhiều thời gian nên Thảo Vi đã phải tức tốc bắt xe xuống Hà Nội tham dự buổi phỏng vấn.
“Trước lúc phỏng vấn mình đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng; tìm kiếm những câu hỏi hóc búa của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới để tham khảo. Không chỉ thế, mình còn bắt người bạn thân đóng vai làm ban giám khảo để hỏi những câu hỏi, rồi sau đó mình sẽ trả lời lại để luyện tập phản xạ”, Thảo Vi hồi tưởng.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một tâm thế thoải mái, tự tin chính là chìa khóa khiến cô nàng vinh dự trở thành 1 trong 12 đại diện từ Việt Nam nhận học bổng trao đổi học thuật toàn phần Global UGRAD 2021 - 2022.
Trốn bố mẹ đăng ký và ẵm học bổng toàn phần của Mỹ ngay từ lần đầu tiên ứng tuyển
Thảo Vi chính là con cả trong gia đình, vậy nên bố mẹ cô không muốn con gái của mình xa nhà cả nghìn km, đi du học ở một nơi xa xôi như xứ sở cờ hoa. Tuy nhiên, Thảo Vi lại có những quan điểm rất khác so với bố mẹ. Cô nàng cho rằng đã là con cả thì nên san sẻ trách nhiệm cùng với gia đình của mình và việc đi du học không nghi ngờ gì sẽ trang bị cho cô nàng những kiến thức cần thiết để có thể tìm kiếm một công việc tốt trong tương lai.
Có thể nói, khát khao muốn khám phá thế giới trong Thảo Vi quá lớn và vì thế cô bạn đã quyết định đăng ký thi học bổng mà không tiết lộ với gia đình. Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển, Thảo Vi mới dám nói với bố mẹ.
“Khi biết mình đã đỗ, bố mẹ không những không mắng mà còn động viên mình. Nhìn thấy đôi mắt của mẹ tràn đầy niềm tự hào cũng khiến bản thân mình hạnh phúc hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhìn sâu trong đôi mắt đấy còn là một sự lo lắng. Dù không nói ra nhưng mình hiểu được rằng bố mẹ đã thấu hiểu và ngầm đồng ý”, Thảo Vi bày tỏ.
Trong lúc ứng tuyển, vì giấu bố mẹ nên cô bạn thiếu vắng đi rất nhiều sự góp ý, định hướng và động viên từ gia đình. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu ứng tuyển học bổng, nên Thảo Vi không biết sẽ bắt đầu từ đâu, phải làm những gì và chuẩn bị ra sao. Tất cả mọi thứ đều phải “tự thân vận động” là chủ yếu, do đó cô bạn đã mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội.
Không chỉ thế, khó khăn chồng chất khó khăn khi thời gian hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển chỉ có vỏn vẹn 1 tháng mà mọi thứ đều phải chuẩn bị từ xa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Nói không sai khi mình đã phải vật lộn với khối lượng hồ sơ khổng lồ cần phải chuẩn bị. Tuy nhiên, vì đam mê quá cháy bỏng nên mình đã không bỏ cuộc”, Thảo Vi giãi bày.
“Hành trình phá kén” để tìm đến những chân trời mới
Có thể nói, Thảo Vi là một người thích khám phá và ưa trải nghiệm dù có lúc cô bạn cũng chùn bước trong hành trình theo đuổi đam mê của mình. Sinh sống tại một vùng núi cao Tây Bắc, cơ hội để Thảo Vi tiếp cận với những thông tin du học hạn chế hơn nhiều so với người khác.
Thảo Vi từng chia sẻ, cô chưa thấy một cô gái dân tộc nào ở quanh nơi mình sống nuôi khao khát du học lớn như vậy. Thiếu vắng đi người tiên phong, nên lúc đầu Thảo Vi cũng không tránh khỏi cảm giác e dè và sợ sệt. Nhưng rồi cô nàng tự hỏi mình: “Nếu bây giờ không mạnh mẽ phá kén, thì ai sẽ là người tiên phong?” và tiếp tục tiến lên chinh phục.
Thảo Vi luôn trăn trở với câu hỏi: “Nếu bây giờ không mạnh mẽ phá kén, thì ai sẽ là người tiên phong?”
Khi nhận được câu hỏi có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ đang có dự định đi du học, cô nàng bộc bạch: “Hãy luôn kiên định với sự lựa chọn của mình, chủ động để tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người. Không nên giữ tâm thế há miệng chờ sung khi tìm kiếm cơ hội du học.
Muốn đi nhanh hãy đi cùng mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau, đừng để bản thân cô đơn trong hành trình này. Mọi sự giúp đỡ từ mọi người đều đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, điều tiên quyết hơn cả là hãy luôn là chính mình, tin tưởng vào bản thân mình”.
Ảnh: NVCC
Trí thức trẻ