Nữ tiến sĩ Cello đầu tiên của Việt Nam được Shark Hưng "chốt deal": Đi chung xe chở lợn gà ra Hà Nội học nhạc, làm MV tiền tỷ dù chỉ có... 4 triệu VNĐ trong tay
Để có tiền quay MV nhạc cello, nữ Tiến sĩ Đinh Hoài Xuân không ngần ngại đi vay tiền để thực hiện sản phẩm của mình.
- 29-06-20213 bà vợ bí ẩn lần đầu lộ diện của đại gia Việt: Người hoá ra là dân kinh doanh "máu mặt", người lại chọn tào khang lặng lẽ sau lưng chồng
- 29-06-2021Hoa hậu chứng khoán Mai Phương Thuý: Tôi không cần đi làm 5 năm vẫn "rủng rỉnh" tiền tiêu, không thích lâm vào tình cảnh trớ trêu và kẹt về dòng tiền
- 29-06-20218X Hà Nội tự tay nâng cấp Porsche 911: Bỏ gần 5 tỷ lấy xác xe, chi 2,5 tỷ lên đời xe mới, tốn "học phí’ cả trăm triệu đồng
- 29-06-2021Bí quyết đầu tư của “gã khổng lồ” được Warren Buffett coi là "người hùng": Nếu không chịu nổi mức lỗ trên 20%, đừng tham gia chứng khoán
Mới đây, nữ Tiến sĩ Đinh Hoài Xuân - founder của Cello Fundamento - đã thu hút sự quan tâm của dư luận nhờ màn gọi vốn trong tập 9 của Shark Tank Việt Nam mùa 4.
Đến với chương trình, cô gái người Huế muốn tìm người đầu tư cho dự án Cello Fundamento số 6 vào năm 2022. Đây là chuỗi hòa nhạc quốc tế được Hoài Xuân thành lập từ năm 2016, tổ chức với tần suất 2 buổi hòa nhạc/tuần.
Màn gọi vốn của Hoài Xuân bị đánh giá là giống đang đi xin tài trợ hơn là gọi vốn kinh doanh. Tuy nhiên, Shark Hưng vẫn "chốt kèo" với một điều kiện kèm theo: 2 tỷ VNĐ đổi lấy 70% lợi nhuận; nếu có lợi nhuận, khoản tiền sẽ được chuyển vào để thành lập công ty; nếu thất bại, founder sẽ phải trả lại 2 tỷ VNĐ tiền gốc.
Sau một thoáng do dự, Hoài Xuân đã gật đầu đồng ý. Nhiều người tự hỏi điều gì khiến nữ Tiến sĩ 34 tuổi này lại tự tin rằng mình sẽ thu về lợi nhuận, khi mà cô đã lỗ đến 4/5 số biểu diễn trước đó. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu hành trình xây dựng Cello Fundamento của nghệ sĩ này, mọi người sẽ hiểu rõ lý do đằng sau quyết định của cô.
Đi xe chung với lợn, gà để lên Hà Nội học nhạc
Đinh Hoài Xuân sinh năm 1987 tại Quảng Bình, nhưng lại lớn lên ở Huế. Bố cô là bộ đội, còn mẹ cô chỉ là giáo viên trường làng. Khác với nhiều nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển khác, gia đình cô không mấy khá giả.
Ban đầu, Hoài Xuân trúng tuyển ballet nhưng lại chọn piano. Mãi đến năm 18, bị "bỏ bùa" bởi âm sắc trầm ấm của cây đàn cello, cô mới quyết định theo đuổi bộ môn nghệ thuật này dù bị người đời gièm pha không ít.
Suốt 1 năm sau đó, Hoài Xuân liên tục bắt xe đò từ Huế ra Hà Nội vào cuối tuần để học thêm với Giáo sư Vũ Hướng. Vì muốn tiết kiệm tiền, cô hay đi chung chuyến với những người đi buôn. Có những lúc tỉnh dậy trên xe toàn gà và lợn, còn cô vẫn ôm khư khư cây đàn cello cạnh mình.
Những nỗ lực của Hoài Xuân đã được đền đáp khi cô đỗ vào hệ đại học của Nhạc viện Hà Nội. Phải tự kiếm tiền để trang trải học phí, cuộc sống của cô trên thành phố vô cùng khó khăn.
"Khi học đại học và thạc sĩ ở Hà Nội, tôi là người chăm nhất khoa Cello. Cello với tôi như là một, ăn cùng cello, ngủ cùng cello và nằm mơ cũng cello", cô cho biết.
Năm 2012, Hoài Xuân tốt nghiệp Thạc sĩ biểu diễn Violoncello tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó, cô dành tiếp học bổng kép bậc Tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam và Rumani cho chuyên ngành biểu diễn Cello tại ĐH Âm nhạc Quốc gia Bucharest, Rumani.
Bên xứ người, Hoài Xuân không còn phải vừa học vừa làm nên có thể dành trọn vẹn thời gian cho cello. Mỗi ngày, nữ nghệ sĩ luyện đàn đến 6-7 tiếng, đến mức chai sần cả tay. Cô đã hỏi học được không ít kinh nghiệm từ các nghệ sĩ lớn, thông qua những buổi biểu diễn ở Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Hy Lạp,...
"Suốt thời gian ở Rumani, tôi chỉ biết 3 con đường: Đường đến nhà hát để tập đàn, biểu diễn; đường đến trường; đường đến siêu thị mua đồ ăn", nữ nghệ sĩ nhớ lại.
Sau 4 năm học tập, Hoài Xuân đã hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn Cello tại ĐH Âm nhạc Quốc gia Bucharest, Rumani. Cô cũng trở thành nữ Tiến sĩ chuyên ngành Cello đầu tiên tại Việt Nam.
"Nơi tôi sinh ra là vùng đất nắng gió và cát trắng Quảng Bình. Suốt tuổi thơ lại nghe những giai điệu hò Huế và giọng nói ngọt lịm của người xứ Huế; trưởng thành ở Hà Nội và kết thúc chặng học ở Rumani, toàn bộ con đường đó, thật tâm, nếu dùng mỗi từ mạnh mẽ sẽ không đủ để diễn tả hết...", cô tâm sự.
Giờ đây, Hoài Xuân đã trở thành nghệ sĩ có chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc cổ điển Việt Nam. Năm 2020, cô đã phát hành toàn bộ tác phẩm của mình lên các kho nhạc số trực tuyến như Spotify, Apple Music,... ở 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, do không thể ra album như bình thường vì dịch Covid-19.
Làm MV tiền tỷ chỉ với… 4 triệu VNĐ
Nhìn bề ngoài, Đinh Hoài Xuân là một nữ nghệ sĩ có dáng vẻ nhỏ nhắn, dịu dàng. Thế nhưng, ít ai biết rằng cô thật ra là người rất ngẫu hứng, liều đến mức khiến người khác phát hoảng.
Thời còn là sinh viên, Hoài Xuân đã "chơi lớn" khi quyết định quay MV biểu diễn cello "Hướng về Hà Nội" có trị giá hơn 1 tỷ VNĐ. Để cho ra đời siêu phẩm đầy chất điện ảnh này, chị đã huy động ê-kíp 130 con người, trong số đó có đến 80 nhạc công, quay phim chất lượng 4K và ra mắt tại rạp.
Nhiều người tưởng Hoài Xuân có đại gia chống lưng, nhưng thật ra lúc đó cô chỉ có 4 triệu VNĐ trong túi, phải đi vay "nóng" với lãi suất cao. Số tiền cát-xê đi diễn trước đó không đủ để một sinh viên như cô thực hiện tác phẩm hoành tráng đến vậy.
"Người ta bảo tôi liều, nhưng tôi nghĩ là do tôi tin vào trực giác, vì khát khao được làm, được sống với cello trong tôi quá mạnh mẽ. Đôi khi tôi tự đặt mình vào áp lực tiền bạc, ‘đặt cược’ uy tín bản thân để mình không thể dừng lại", cô cho biết.
Hoàn thành xong việc học, Hoài Xuân không ở lại nước ngoài và trở về Việt Nam. Thay vì đi biểu diễn như nhiều người trong ngành, cô lại chọn một con đường khác biệt nhưng vô cùng gian nan: phổ cập nhạc cổ điển đến với công chúng trong nước.
Đây chính là lý do mà Cello Fundamento đã ra đời vào năm 2016. Với dự án này, Hoài Xuân sẽ mời các nghệ sĩ nước ngoài về đứng chung sân khấu với nghệ sĩ Việt. Cô không chỉ đảm nhận vai trò solo, mà còn gánh thêm phần rất khó là tìm nguồn tài trợ.
"Sổ nợ của tôi ghi chi chít dày đặc ba cuốn... Tất cả được tôi lưu giữ một cách cẩn thận nhất, vừa làm kỷ niệm, vừa là bài học không được phép quên và vừa là minh chứng cho tuổi trẻ liều lĩnh dám nghĩ, dám làm, đi lên bằng nỗ lực không ngừng của chính mình…", nữ nghệ sĩ tâm sự.
Với 3 số đầu tiên, Hoài Xuân lỗ lên lỗ xuống. Sau chương trình, cô phải vừa biểu diễn vừa học để có thêm thu nhập bù vào. Nữ nghệ sĩ này cũng từng nghĩ đến chuyện dừng lại, thậm chí còn bỏ lên núi sống một mình, hàng ngày luyện đàn, hái rau và trồng khoai.
Cuối cùng, không gian yên tĩnh của núi rừng và tình yêu vô bờ bến với cello đã đỡ Hoài Xuân đứng dậy. Cô tập trung hoàn toàn vào âm nhạc, cảm thấy hạnh phúc khi nhìn từng chiếc vé được bán ra.
Hoài Xuân từng chia sẻ, chính những khó khăn về kinh tế ấy đã khiến cô có nhiều cảm xúc hơi khi chơi đàn, khiến thanh âm của cello thêm phần trắc ẩn. Nữ nghệ sĩ cho rằng tiếng lòng chi phối tiếng đàn, nên cô luôn cố gắng giữ cho ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết cháy mãi trong tim.
"Những người phụ nữ khác có chồng và con thì tôi chỉ có âm nhạc thôi. Tôi phải hy sinh nhiều thứ khác như chuyện tình cảm, tất nhiên cũng do bản thân lận đận nữa. Cello với tôi là cả cuộc đời nhưng tôi sẽ nhân rộng niềm đam mê ấy cho các bạn trẻ, để tương lai không xa, Việt Nam sẽ có những nghệ sĩ cello nổi tiếng", cô chia sẻ.
(Tổng hợp)