MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nửa đầu năm, doanh nghiệp năng lượng và bất động sản "vay nóng" qua kênh trái phiếu

16-08-2020 - 13:27 PM | Doanh nghiệp

Chưa kể, thống kê còn cho thấy các ngân hàng mua vào tổng cộng 38.400 tỷ đồng TPDN của các tổ chức phi tín dụng trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2020, tương đương 31% tổng lượng phát hành (loại trừ ngân hàng) của toàn thị trường. Các NHTM tập trung mua các trái phiếu bất động sản và trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng.

Ghi nhận tại báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới nhất của SSI Research, tổng khối lượng TPDN phát hành trong quý 2/2020 là 122.300 tỷ đồng, tăng 69,7% so với cùng kỳ 2019; lũy kế 6 tháng đầu năm là 171.500 tỷ đồng, tăng 61,3% so với 6 tháng 2019 – bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019.

Trong đó, chỉ có 10.000 tỷ đồng (chiếm 5,8% tổng lượng phát hành) của Tập đoàn Masan là phát hành ra công chúng, 94,2% là phát hành riêng lẻ của 133 doanh nghiệp và được chia thành 826 đợt. Quy mô thị trường TPDN tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019, lên mức 791 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP.

Việt Nam cùng với Trung Quốc, Malaysia là những nước Châu Á có thị trường TPDN tăng trưởng mạnh nhất. Hiện tại, quy mô thị trường TPDN tính trên GDP của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, vượt qua Philippines nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33-35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc (theo ADB).

Nửa đầu năm, doanh nghiệp năng lượng và bất động sản vay nóng qua kênh trái phiếu - Ảnh 1.

Về đối tượng chào bán, nhóm các doanh nghiệp BĐS phát hành nhiều nhất, tổng cộng 71.600 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành là 47.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2%. Nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10.500 tỷ đồng (chiếm 6,1%) - gấp 5,3 lần cùng kỳ 2019). Còn lại là nhóm phát triển hạ tầng (1,6%), các công ty dịch vụ tài chính (1,7%) và các doanh nghiệp khác.

Đáng chú ý xét riêng các doanh nghiệp BĐS, bên mua là NHTM với 28.200 tỷ đồng trái phiếu BĐS trên sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành. Một số lô phát hành lớn được các NHTM mua là của các công ty CTCP Kita Invest, của CTCP Phát triển Thành phố Xanh, CTCP City Garden, CTCP Đầu tư kinh doanh BĐS Hà An, Công ty TNHH Saigon Glory, Công ty TNHH Thành phố AQUA…

Chưa kể, thống kê còn cho thấy các ngân hàng mua vào tổng cộng 38.400 tỷ đồng TPDN của các tổ chức phi tín dụng trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2020, tương đương 31% tổng lượng phát hành (loại trừ ngân hàng) của toàn thị trường. Các NHTM tập trung mua các trái phiếu bất động sản và trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng.

Được biết, việc ngân hàng tăng cường mua trái phiếu doanh nghiệp BĐS gây nhiều chú ý, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về việc hai bến "lách" cho vay qua kênh này khi tín dụng thông thường đang bị siết chặt.

Nửa đầu năm, doanh nghiệp năng lượng và bất động sản vay nóng qua kênh trái phiếu - Ảnh 2.

Về lãi suất, tính bình quân toàn thị trường, lãi suất TPDN phát hành trong quý 2/2020 là 8,89%/năm, giảm -151bps so với quý trước dù kỳ hạn phát hành bình quân là 3,71 năm – cao hơn mức 3,64 năm của quý 1/2020.

Trái phiếu các NHTM có lãi suất bình quân thấp hơn hẳn (chỉ 6,7%/năm) nên sự gia tăng phát hành của nhóm này đã kéo lãi suất bình quân toàn thị trường trong quý 2 giảm mạnh so với quý 1/2020. Nếu loại trừ các trái phiếu ngân hàng, lãi suất bình quân trong kỳ là 10,27%, giảm -14bps so với quý 1/2020 và về mức tương đương với nửa cuối năm 2019. Diễn biến này phù hợp với xu hướng giảm từ 0,5% đến 2%/năm của lãi suất tiền gửi và cho vay của các NHTM.

Nửa đầu năm, doanh nghiệp năng lượng và bất động sản vay nóng qua kênh trái phiếu - Ảnh 3.

Cuối cùng điểm qua sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, quý 2/2020 đối tượng này mua 13.300 tỷ đồng TPDN trên sơ cấp, tăng 38% so với quý 1/2020; lũy kế 6 tháng nhóm này mua 23.000 tỷ đồng - tương đương 13,4% tổng lượng phát hành toàn thị trường và bằng 79% lượng mua cả NĐT cá nhân cả năm 2019.

Trong đó, NĐT cá nhân mua 14.540 tỷ đồng trái phiếu bất động sản (chiếm 63%), 5.325 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng (23%), 1.726 tỷ đồng trái phiếu Masan (chiếm 7,5%) còn lại là các doanh nghiệp khác.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên