MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Anh "cứng đầu", tương lai Brexit có quá nhiều ẩn số

20-03-2017 - 08:49 AM | Tài chính quốc tế

Một quan chức Anh tham gia trực tiếp vào quá trình “ly hôn” từng phát biểu: “Có những ngày tôi thức giấc và thầm nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn. Cũng có những ngày mọi chuyện hệt như một thảm hoạ”.

Kết quả đàm phán Brexit vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Cuối tháng này, Anh sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi đầu cho quá trình “ly hôn” giữa Anh và Liên Minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, việc kích hoạt Điều 50 còn nhiều ẩn số. Brexit vẫn chưa thực sự rõ ràng. Một quan chức Anh tham gia trực tiếp vào quá trình “ly hôn” từng phát biểu: “Có những ngày tôi thức giấc và thầm nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn. Cũng có những ngày mọi chuyện hệt như một thảm hoạ”.

Đây có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều người khác. Brexit dường như không hề có lợi cho cả Anh và EU. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều biến số không ai có thể nắm chắc. Có ba ẩn số phổ biến nhất. Thứ nhất là chính bản thân những cuộc đàm phán về vấn đề Brexit. Thứ hai là các sự kiện xảy ra trên thế giới. Và thứ ba là những tác động kinh tế khó lường khi quyết định được đưa ra.

Về vấn đề đàm phán, cả hai bên đều rất kiên định với lập trường của mình. EU có thể sẽ yêu cầu một “thoả thuận ly hôn cắt cổ” với mức chi phí lên tới 60 tỉ euro nhằm bù đắp cho những hoá đơn chưa thanh toán của Anh; và có lẽ EU sẽ không đồng ý thoả thuận hiệp định thương mại cho tới khi Anh chấp thuận thanh toán khoản tiền trên.

Trong khi đó, phản hồi sớm từ phía Anh cho thấy quốc gia này không hề có ý định thoả hiệp. Ngoại trưởng Boris Johnson và tờ Daily Mail chắc chắn sẽ sớm lên tiếng về vấn đề này với những luận điểm liên quan tới Winston Churchill. Bên cạnh đó, vấn đề tiền bạc có khả năng sẽ phá huỷ các cuộc đàm phán ngay từ trước khi chúng bắt đầu.

Tuy nhiên, cũng có thể cả hai phía chỉ đang “tung hoả mù” và sẽ rút lui trong tương lai. Những nhân vật có suy nghĩ thực tế hơn trong chính phủ Anh hiểu rõ những nguy hiểm có thể nảy sinh khi hai bên không thể đạt được thoả thuận trong tiến trình Brexit. Không chỉ Anh, mà EU cũng phải trả giá. Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Đức.

Dù vậy, ngay cả nếu đàm phán được tiến hành trên tinh thần thoả hiệp, thì vấn đề đặt ra là liệu hai bên có thể thông qua và phê duyệt một quan hệ thương mại mới chỉ trong hai năm. Những chuyên gia có liên quan đều không mấy tin tưởng khả năng này.

Thứ hai, những sự kiện trên thế giới có thể thay đổi đáng kể bối cảnh của các cuộc đàm phán Brexit trong thời hạn hai năm tiến hành thoả thuận. Trước mắt, hai vấn đề có ảnh hưởng lớn nhất là người chiến thắng trong cuộc bầu cử của Pháp và Đức trong năm nay.

Chiến thắng không mấy chắc chắn của Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, tại Pháp, có thể đẩy EU vào tình trạng hỗn loạn. Ngược lại, nếu Emmanuel Macron, một chính trị gia trung lập, trở thành tân tổng thống của Pháp, EU sẽ tự tin và cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán với Anh.

Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến vấn đề Scotland độc lập có thể tác động mạnh tới chính phủ Theresa May, và nhiều khả năng sẽ mang đến một đợt suy thoái nghiêm trọng tới nền kinh tế Anh. Về phía EU, sự hồi sinh của khủng hoảng đồng euro hay sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể phá vỡ không khí bình yên và đoàn kết giữa các thành viên EU.

Ngoài ra, Donald Trump đặt chân vào Nhà Trắng cũng khiến bối cảnh toàn cầu rơi vào trạng thái khó lường. Bước ngoặt mạnh mẽ theo chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ hay chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đều có thể làm lu mờ tầm quan trọng của Brexit trong hai năm. Trước tình hình này, Anh và EU có lẽ sẽ kéo dài thời hạn đàm phán Brexit, hoặc thậm chí là yên lặng “xếp xó” toàn bộ tiến trình “ly hôn”.

Cuối cùng, ngay chính các bên tham gia đàm phán cũng không hề chắc chắn về những hệ quả do quyết định của mình gây ra. Hãy thử xem xét tình huống không có hiệp định thương mại mới nào ra đời, và cũng không có bất kỳ sự sắp xếp tạm thời nào sau Brexit; chỉ đơn giản là Anh rời EU và tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Hệ quả của viễn cảnh này có lẽ sẽ vô cùng tàn khốc với Anh. Anh sẽ mất đi một lượng lớn việc làm trong ngành sản xuất, bởi lĩnh vực xuất khẩu của Anh sẽ phải đối mặt với thuế quan tại Châu Âu, chuỗi cung ứng cũng sẽ bị gián đoạn tại hải quan.

Anh sẽ mất lượng lớn việc làm vào tay Châu Âu bởi EU thay đổi các quy định tài chính. Doanh thu từ thuế giảm mạnh. Bên cạnh đó, Anh còn có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng bởi quyền tự do đi lại không còn.

Vào tuần trước, Pret A Manger, một chuỗi cửa hàng sandwich nổi tiếng, tiết lộ trong 50 ứng viên xin việc tại hãng, chỉ có một người đến từ Anh. Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh cũng cần các bác sĩ tới từ những nước Châu Âu khác. Các trường đại học tại Anh sẽ mất đi nhiều sinh viên và học giả.

Ngoài những hệ quả dự đoán trên, có lẽ vẫn còn rất nhiều tác động khó lường khác từ Brexit. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, chắc hẳn ai cũng biết rằng các ngân hàng lớn luôn giỏi tìm ra lỗ hổng trong các quy định và dòng chảy kinh doanh đôi khi rất bất thường. Nhiều người dự đoán rằng Anh sẽ phải hứng chịu hậu quả khi từ chối trở thành một phần của khu vực đồng euro, nhưng cuối cùng Anh vẫn bình an vô sự.

Về các trường đại học, Harvard và Yale vẫn là hai cái tên thu hút những học giả hàng đầu tại Châu Âu, và cả hai trường đại học này đều không thuộc phạm vi EU. Và còn có thể còn nhiều “tác dụng phụ” bất ngờ khác trong ngành sản xuất ô tô nếu các nhà sản xuất lựa chọn xây dựng các chuỗi cung ứng tại Anh. Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.

Xem xét toàn bộ những biến số trên, có lẽ Brexit sẽ chỉ thực sự diễn ra vào năm 2019 và sẽ không có một hiệp định thương mại hay kế hoạch tạm thời thoả đáng nào ra đời vào thời điểm đó. Cả Anh và EU đều sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Dù vậy, không ai có thể hoàn toàn chắc chắn về điều đó.

Quỳnh Mai

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên