Nước Đức "ngán ngẩm" trước làn sóng đầu tư Trung Quốc
Làn sóng sáp nhập và mua lại các công ty công nghệ cao do các công ty Trung Quốc tiến hành trên đất Đức đã khiến Berlin ngày càng ngán ngẩm.
Cuối tháng 7 vừa qua, Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lần đầu tiên can thiệp và ngăn không cho một công ty Trung Quốc thâu tóm một công ty Đức. Tập đoàn thiết bị nguyên tử Yantai Taihai của Trung Quốc đã rút lại lời đề nghị mua lại công ty Leifeld Metal Spinning của Đức vào phút chót sau khi Chính phủ Đức tỏ dấu hiệu rằng họ sẽ ngăn cản thương vụ mua lại này vì "lý do an ninh".
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: EPA
Leifeld là công ty sản xuất thiết bị dùng trong năng lượng nguyên tử và công nghiệp vũ trụ. Vài ngày trước khi thương vụ này sụp đổ, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), một ngân hàng nhà nước, đã thông báo họ sẽ mua 20% cổ phần của công ty quản lý điện lực 50Hertz và chính thức từ chối lời đề nghị từ Tổng công ty Lưới điện quốc gia Trung Quốc.
Cũng trong tháng 8 này, Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch giảm ngưỡng tối thiểu để sàng lọc đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Năm 2017, chính phủ Đức đã thắt chặt kiểm soát đối với đầu tư nước ngoài bằng cách cho phép chính phủ được quyền can thiệp nếu một nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm hơn 25% cổ phần của một công ty Đức. Nhưng giờ đây Berlin muốn kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động sáp nhập mua lại nên chính phủ đã hạ ngưỡng tối thiểu đó xuống còn 15%, đồng nghĩa rằng chính phủ được quyền can thiệp nếu một nhà đầu tư nước ngoài mua lại chỉ 15% cổ phần của một công ty Đức.
Tháng 7-2018, nội các của bà Merkel đã lần đầu tiên can thiệp không cho phép một công ty Trung Quốc mua lại một công ty Đức vì "lý do an ninh". Ảnh: EPA
Động thái này diễn ra sau khi một loạt những vụ mua lại đình đám các công ty Đức bởi các công ty Trung Quốc trong hai năm trở lại đây làm dấy lên lo ngại mới về việc các công ty Trung Quốc sẽ thao túng các công ty chủ chốt của Đức và kèm theo đó là nguy cơ "chảy máu" công nghệ.
Làn sóng sáp nhập và mua lại ở Đức bởi các công ty Trung Quốc và Hồng Kông đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2017 với 69 thương vụ tổng cộng, tăng 18 thương vụ so với năm 2011 theo số liệu từ Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên minh (IMAA). Giá trị các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty của Đức tăng vọt từ 800 triệu USD vào năm 2011 và đạt đỉnh gần 9 tỉ USD vào năm 2016, chủ yếu là do thương vụ "đại gia Trung Quốc" Midea mua lại Kuka - hãng chế tạo robot công nghiệp hàng đầu của Đức với mức giá "trên trời" khoảng 5 tỉ USD vào năm đó.
Tập đoàn Midea (Trung Quốc) chi 5 tỉ USD mua lại hãng robot Kuka của Đức năm 2016. Ảnh minh họa: EPA
Ngoài Kuka, trong 2 năm qua các công ty Trung Quốc gần như thâu tóm một số công ty đầu ngành khác của Đức như công ty dược phẩm Biotest Pharmaceuticals và mua lại số cổ phần trọng yếu của những doanh nghiệp "kỳ cựu" như Deutsche Bank và Daimler- chủ sở hữu thương hiệu Mercedez-Benz.
Các công ty công nghệ khoa học – kỹ thuật hiện đại quy mô vừa và nhỏ của Đức vốn được xem là "xương sống" của nền kinh tế Đức và hoạt động của họ về bản chất thường được cho là thiên về chính trị nhiều hơn là về kinh tế. Nhưng làn sóng đầu tư mua lại từ Trung Quốc khiến họ trở thành những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và nỗi lo thất thoát công nghệ vẫn luôn tiềm tàng.
"Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc tự nhận rằng họ là những doanh nghiệp tư nhân nhưng mối liên kết giữa họ với chính quyền Trung Quốc lại có vẻ khá chặt chẽ. Hơn nữa, vốn đầu tư nước ngoài từ EU vẫn đang rất khó tiếp cận thị trường Trung Quốc" – nhà kinh tế học Christian Dreger thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức nhận định. Không chỉ riêng Christian Dreger mà nhiều nhà nghiên cứu khác cũng than phiền về mối quan hệ không rõ ràng giữa Bắc Kinh với các công ty thu mua của Trung Quốc và về sự thiếu sự mở cửa đáp lại từ thị trường Trung Quốc.
Đức và Ý là hai quốc gia có tỉ lệ dân số "không ưa" Trung Quốc cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew (the Pew Research Centre) cho thấy có 53% dân số Đức và 59% dân số Ý có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Tỷ lệ này ở Anh là 37% và Ba Lan là 29% và đây cũng là 2 quốc gia có tỉ lệ dân số "không ưa" Trung Quốc thấp nhất.