Nước mắt thằng Gù trên tháp chuông nhà thờ Đức Bà: Gần 1000 năm lịch sử, ai sẽ phục dựng lại cho nước Pháp và nhân loại?
Nhìn ngọn lửa dần được dập tắt trên nóc Nhà thờ Notre Dame, nhiều người dân Pháp chỉ biết tần ngần trong nỗi bàng hoàng: Quasimodo có sao không? Gargoyle đã bay đi chưa? Một phần di sản 850 năm của nước Pháp và nhân loại, giờ hóa tro bụi bay theo cơn gió đông trong ánh chiều tà.
- 16-04-2019Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris gây thiệt hại khổng lồ tới mức nào?
- 16-04-2019Hoả hoạn thiêu rụi Nhà thờ Đức Bà Paris: Hé lộ nguyên nhân ban đầu
- 16-04-2019Tỷ phú người Pháp sẽ quyên góp 100 triệu euro để hỗ trợ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy dữ dội
Chúng tôi biết về nhà thờ Đức Bà trước khi biết tới tháp Eiffel - hồi đó cái tên Notre Dame còn quá xa lạ. “Nhà thờ Đức Bà ở đâu hả bố” - tôi hỏi. Bố tôi chỉ về phía nhà thờ lớn Hà Nội và nói: “Nó giống như thế này, nhưng ở tận Paris nước Pháp cơ con”. Nhà thờ Đức bà, trong mắt đám trẻ của 20 năm về trước chắc chỉ to hơn nhà thờ lớn Hà Nội, nơi đó có một chàng gù Quasimodo làm nghề gác chuông, chiều chiều hay nhìn khắp Paris. Tôi mơ một ngày sẽ đến tìm chàng gù Quasimodo nổi tiếng ấy.
Lớn lên mới thấy, nước Pháp chẳng còn cách bao xa, nhưng nhà thờ Đức Bà Notre Dame đã chìm trong biển lửa. Người Pháp vẫn chưa bàng hoàng với vụ đập phá di sản Khải Hoàn Môn cách đây vài tháng, giờ đau đáu nhìn ngọn lửa thiêu rụi một phần Notre Dame - thiêu rụi nơi trú ngụ của Quasimodo, nhấn chìm niềm tự hào và bản sắc nước Pháp.
Notre Dame không chỉ là một nhà thờ, một công trình du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu khách du lịch tới nước Pháp, đó là một biểu tượng của nhân loại - một chứng nhân lịch sử đã chứng kiến bao đổi thay của thế giới khi nước Pháp từng là trung tâm văn hóa chính trị của châu Âu.
“Đó là di sản của lịch sử, của văn học, những tư tưởng chấn hưng nước Pháp và là nơi người dân đất nước trải qua những khoảnh khắc quan trọng nhất của lịch sử” - Tổng thống Emmanuel Macron đã có bài phát biểu đầy cảm xúc. Khó có thể được hết nỗi đau của người dân Pháp vì chỉ có họ mới hiểu được mất mát lớn lao này. Trên Twitter, Facebook, Instagram, nhiều người lặng lẽ viết dòng caption “Notre Dame”. Đó là tất cả những gì họ đủ bình tĩnh để viết lên.
Notre Dame “là biểu tượng của nước Pháp, của hòa bình, sự đoàn kết và tinh thần bác ái” - chuyên gia về thời Trung Cổ Claude Gauvard trả lời tờ AFP. Đây cũng là trái tim của thành phố với dấu mốc “Kilomet số 0” - mọi con đường ngả đi các thành phố lớn trên khắp nước Pháp sẽ lấy cổng vào của Notre Dame là điểm bắt đầu.
Và Notre Dame cũng là điểm bắt đầu của một hành trình văn hóa, di sản của nước Pháp suốt gần nghìn năm lịch sử.
Biểu tượng của đá, niềm tin và “tinh thần Pháp”
Khi ngọn lửa nhấn chìm tòa tháp Grenfell tại London khiến 12 người thiệt mạng, nước Anh giận dữ vì sự thiếu kiểm soát thảm họa của chính quyền. Khi một cây cầu sập tại Genoa, Italy, người dân nổi đóa trước sự bàng quan của cơ quan chức năng. Khoảnh khắc ngọn lửa nhấm chìm bảo tàng quốc gia Brazil, nó đã biến nhiều di sản khắp miền nam Mỹ, những tài liệu nhân chủng học của các nền văn minh thành tro bụi.
Đám cháy ở nhà thờ Notre Dame, may mắn không có ai thiệt mạng, nhưng nỗi đau khi nhìn ngọn lửa nhấn chìm công trình gần 1000 năm cũng quặn thắt, xót xa: sự thiêu rụi vẻ đẹp của lịch sử, của tinh thần và tinh thần Pháp.
Với khoảng 13 triệu du khách ghé thăm mỗi năm, Notre Dame là công trình kiến trúc lớn mang dáng dấp của một thành phố cổ kính, một Paris được dựng lên từ đá và niềm tin, trái ngược với một tháp Eiffel biểu trưng cho sự hiện đại, những đổi thay và “joie de vivre” - niềm vui cuộc sống. Notre Dame như một bảo tàng với vô số các hiện vật quy giá, nơi linh thiêng của những người Công giáo, “thằng Gù” lặng lẽ chứng kiến nước Pháp đổi thay qua hàng trăm năm.
Những năm tháng cách mạng Pháp, phe nổi loạn càn quét nhà thờ, lấy trộm đi nhiều báu vật và chặt đầu vô số bức tượng nhân vật trong kinh Cựu ước mặt trước nhà thờ vì tưởng rằng đó là tượng các vị vua nước Pháp. Họ muốn Notre Dame trở thành nơi của giáo phái vô thần, không còn chỗ cho niềm tin tôn giáo.
Năm 1831, khi Victor Hugo cho ra mắt tác phẩm “Nhà thờ Đức bà Paris”, ông đã đưa hình ảnh nhà thờ của nước Pháp in đậm trong tâm trí của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Không mấy ai biết rằng, Notre Dame - cảm hứng cho bao tác phẩm kịch, phim chuyển thể, chỉ như một đống hoang tàn, đổ nát khi Victor Hugo ghé thăm. Victor Hugo gọi đó là “bản giao hưởng của đá” - ông muốn đưa Notre Dame vượt qua những biến cố thời gian, đi xuyên lịch sử để trở thành biểu tượng của thủ đô Paris.
Và ông đã làm được.
Sự nổi tiếng của “Nhà thờ Đức bà Paris” đã giúp Notre Dame trở thành một biểu tượng của tinh thần Pháp, giúp nó được khôi phục lại trong thế kỷ 19 bởi kiến trúc sư nổi tiếng Eugène Viollet-le-Duc. Ông đã dựng lại một đại công trình kiến trúc, một cuộc tu sửa quy mô hoành tráng - hệ thống xà dầm cột, các ô cửa kính, cả phần đình mái mới sụp đổ trong ngọn lửa cuồng loạn.
Khi mái nhà bị hư hại nặng trong lửa, những lớp lang lịch sử cũng theo tro bụi bay đi.
Xuyên suốt nhiều năm lịch sử, Notre-Dame luôn là một “sân khấu lớn nơi những sự kiện quan trọng của nước Pháp diễn ra trong nhiều thế kỷ” - nhà lịch sử Robert Darton nhấn mạnh. Đây là nơi Tổng giám mục nhà thờ đã ban phúc trên lá cờ nước Pháp được những người lính mang đi khắp các chiến trường. Bên dòng sông Seine, những ông bố bà mẹ và vị hôn thê khóc nhìn con/chồng mình ra lính.
Ngày hôm nay, người dân Pháp cũng vẫn khóc, không phải cho một cuộc chiến khốc liệt ở nơi chiến trường mà cho cuộc chiến chống lại những mất mát văn hóa, sự tổn thương tinh thần Pháp mà người dân xứ gà trống Gô-loa đang phải trải qua.
Rồi mặt trời lại mọc
Nước Pháp ngày nay đang phải vật lộn để định hình lại đất nước cho một giai đoạn mới. Như những gì nước Pháp đã trải qua suốt chiều dài lịch sử, sự nổi lên của phe áo vàng sẽ chỉ là một biến cố trong dòng chảy dân tộc với nhiều lần suy yếu rồi lại bừng lên mạnh mẽ, cuối cùng vẫn chạm tay đến vinh quang. Người ta không biết rằng, ngọn lửa đốt cháy Notre Dame kia có cùng nguyên nhân với sự kiện đập phá Khải Hoàn Môn không nhưng đây là lúc người Pháp sẽ sát cánh cùng nhau nhất.
Trong một series chương trình truyền hình mang tên “Văn minh”, đứng trước Notre-Dame, nhà sử học nghệ thuật Kenneth Clark đã hỏi: “Văn minh là gì? Tôi không biết. Tôi không thể định nghĩa nó theo các khái niệm trừu tượng. Nhưng tôi có thể nhận ra khi thấy nó”.
Ông quay đầu về phía nhà thờ: “Và tôi đang thấy nó trước mặt mình rồi”.
Mặt trời sẽ lại bừng sáng, Nhà thờ Notre Dame cũng đã thoát khỏi đám lửa hung tàn khi ngày sắp tàn. Tháp mũi tên cao 93m sụp đổ, một phần lớn mái bị sập với nhiều công trình hư hại nhưng may mắn thay, các phần mặt tiền, 2 tháp chuông, hệ thống tranh tượng đã phần nào được cứu. Người ta tin rằng, với trình độ của nước Pháp thì việc tu sửa, trùng tu sẽ chỉ là vấn đề của thời gian.
Điều quan trọng, làm sao để có thể vực dậy được tinh thần Pháp, niềm tin và sự tự hào của người dân đất nước này. Ai sẽ “phục dựng” lại được nhà thờ Đức Bà trong tâm trí người dân Pháp và toàn nhân loại?
Tôi nhớ lại lời đề tựa trong cuốn “Nhà thờ Đức bà Paris” của Victor Hugo - ông nói về cảm hứng đã giúp ông hoàn thành tác phẩm này. Trong một góc nhỏ của một trong hai tòa tháp, ông tìm thấy một từ tiếng Hy Lạp cổ được khắc trên tường. Ông tự hỏi rằng ai đã khắc nó, và tại sao?
“Niềm tin” - đó là chữ Victor Hugo đã tìm thấy.
Hãy cứ tin vào nước Pháp. Một ngày nào đó, đám cháy của năm 2019 sẽ chìm dần vào lịch sử của Notre Dame. Sẽ mất tới nhiều năm để có thể tu sửa hoàn toàn, nhưng chắc chắn Notre Dame sẽ tự vần mình để vượt qua tất cả.
Helino