Bầu cử tổng thống kết thúc, nước Pháp có nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất từ thời Napoleon
Với 65% số phiếu bầu, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, đã đánh bại đối thủ Marine Le Pen để trở thành tân Tổng thống Pháp.
- 07-05-201744 giờ im lặng, những câu chuyện "rỉ tai nhau" và đám mây mù che phủ nước Pháp trước ngày bầu cử
- 07-05-2017Biện pháp nào quản lý phân bón giả, kém chất lượng?
- 07-05-2017Pháp và sự lựa chọn giữa 'làn gió mới' Macron hay 'sự giận dữ' Le Pen
- 07-05-2017Sau ‘giải cứu’ nông sản: Cần giải pháp tận gốc
- 07-05-20172 phương pháp chốt lãi điển hình trong đầu tư chứng khoán
Kết thúc cuộc bầu cử vòng 2 hôm 7/5, chiến thắng đã thuộc về ông Macron, người có tầm nhìn hội nhập kinh tế với châu Âu. Bà Le Pen, người theo chủ trương cực hữu dân tộc, đòi đưa pháp khỏi EU, chỉ giành được 34,5% số phiếu bầu.
Tổng thống đắc cử Macron, cựu nhân viên ngân hàng 39 tuổi từng là Bộ trưởng Kinh tế của Pháp dưới thời Tổng thống Hollande, sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất của nước Pháp kể từ thời Napoleon. Cách biệt mà ông Macron tạo ra với đối thủ cũng được coi là kỷ lục trong gần 20 năm qua sau chiến thắng của ông Jacques Chirac năm 2002.
Chiến thắng của ông Macron cũng đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của các chính đảng ở Pháp, đem lại nhiều lợi ích cho các đồng minh châu Âu, những người lo ngại sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tuý sau cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh và bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump.
Khó khăn chờ đón tân Tổng thống
Dù bị đối thủ bỏ xa tới hơn 20% số phiếu bầu nhưng đây vẫn là thành công chưa từng có của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu của là Le Pen, những người theo đuổi chính sách chống nhập cư. Nó cho thấy chặng đường chông gai phía trước mà ông Macron phải vượt qua để thống nhất nước Pháp.
“Tôi thấu hiểu sự giận dữ, những nghi ngờ hay những điều lo lắng mà nhiều người trong các bạn đã bày tỏ. Trách nhiệm của tôi là lắng nghe các bạn và tôi sẽ làm việc để tái lập lại mối liên kết giữa châu Âu và người dân các nước, giữa châu Âu và người dân của mình”, ông Macron nói phía trước trụ sở chiến dịch tranh cử và được phát trực tiếp trên truyền hình.
Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron.
Thách thức trước mắt của ông Macron là đảm bảo giành được đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng tới cho phong trào chính trị mới được 1 năm tuổi đời, phong trào La Republique En Marche, nhằm hiện thực hoá chương trình nghị sự mà ông đã cam kết trong cuộc đua vào điện Elysee.
Châu Âu vui mừng
Phát biểu sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande, người đưa ông Macron vào con đường chính trị, nhấn mạnh: “Kết quả khẳng định mong muốn của đại đa số người dân Pháp về sự đoàn kết các giá trị Cộng hoà cũng như gắn bó với Liên minh châu Âu”.
Jean-Claude Juncker, chủ tịch Uỷ ban châu Âu, cũng bày tỏ vui mừng khi người muốn bảo vệ một liên minh châu Âu mạnh mẽ và tiến bộ, cũng như bảo vệ tất cả người dân trong khối, sẽ trở thành Tổng thống Pháp tiếp theo. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã có cuộc điện đàm với ông Macron trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là “chiến thắng lớn” đồng thời cho biết ông mong muốn làm việc với tân Tổng thống Pháp.
Chiến thắng của ông Macron chưa gây tác động tới đồng euro sau khi nó đạt đỉnh 6 tháng (so với đồng USD) khi thị trường mở cửa tối 7/5 khi các cuộc thăm dò cho thấy lợi thế nghiêng về người ủng hộ một Liên minh châu Âu mạng mẽ và bền vững. Theo đó, đồng Euro leo lên 1,1010 USD vào đầu phiên giao dịch sau khi đóng cửa ở mức 1,0995 USD, tăng 0,13% so với phiên giao dịch trước.
Holger Schmieding, chuyên gia phân tích của Ngân hàng Berenberg, nhận định: “Rủi ro chính trị dần giảm xuống ở Pháp cho thấy cơ hội tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng Euro có thể gây bất ngờ lớn với tăng trưởng trong năm nay”.
Thế hệ mới trên chính trường
Chiến thắng của Macron cũng là sự đột phát được chờ đợi từ lâu trên chính trường Pháp, vốn bị thống trị bởi những khuôn mặt quen thuộc trong suốt nhiều năm.
Ở tuổi 39, Macron sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất trong nhóm G7. Từ Macron, người ta nhớ lại những nhà lãnh đạo trẻ tuổi khác đã và đang nắm quyền, từ Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới cựu thủ tướng Anh Tony Blair và thậm chí cả cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
Chiến thắng cách biệt với 25% số phiếu bầu cho thấy sự tín nhiệm cao mà cử tri Pháp dành cho Macron. Tuy nhiên, để thực hiện những điều đã cam kết, Macron phải biến số phiếu bầu thành ghế trong Nghị viện Pháp. Dù đã thừa nhận thất bại nhưng bà Le Pen vẫn có cơ hội theo đuổi những điều đã cam kết thông qua việc giành ghế trong Quốc hội Pháp.
Ngoài bà Le Pen, một cái tên khác có thể khiến ông Macron phải lo lắng là Jean-Luc Melenchon. Giành tới 19% phiếu bầu trong vòng đầu của cuộc bầu cử, ông Melenchon chỉ thua kém một chút so với bà Le Pen. Với quan điểm chống EU và toàn cầu hoá, Melenchon có nhiều điểm tương đồng với bà Le Pen và từ chối ủng hộ ông Macron.
Emmanuel Macron: Từ cậu học trò yêu cô giáo tới Tổng thống đắc cử của nước Pháp