Nước Trung Đông siêu giàu: Diện tích ngang Thanh Hóa, sở hữu bất động sản khắp thế giới, đầu tư toàn cầu để tiền đẻ ra tiền
Người Qatar cưỡi lạc đà tại một sự kiện văn hóa. Ảnh: thelifepile
Dù giàu có nhưng Qatar không ngồi im. Họ có nguồn quỹ quốc gia trị giá hơn 460 tỷ USD để đầu tư bài bản khắp thế giới.
- 03-12-20224 sai lầm trong đầu tư nếu không tránh sẽ mãi ‘tiền mất tật mang’
- 02-12-2022Đây là cách Qatar dùng World Cup để phô diễn sức mạnh mềm của "nhà giàu"
- 30-11-2022Tham vọng của tỷ phú từng cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam: "Thâu tóm" cả Ấn Độ chỉ bằng một siêu ứng dụng
"Đại địa chủ" ở London: QATAR
Qatar là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở London.
Hồi tháng 5, hãng tin Reuters cho biết, chính phủ Anh đã thiết lập quan hệ đối tác đầu tư chiến lược mới với Qatar và quốc gia vùng Vịnh dự kiến đầu tư 10 tỷ bảng Anh (tương đương 12,5 tỷ USD) trong 5 năm tới vào nước này.
Khoản đầu tư của Qatar sẽ bao gồm các lĩnh vực như công nghệ tài chính, khoa học đời sống và an ninh mạng, đã được ký kết trong chuyến thăm của Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tới London.
"Qatar là một đối tác quan trọng của Vương quốc Anh...", Thủ tướng Anh thời điểm đó là ông Boris Johnson, nói.
Trong 20 năm qua, Qatar đã mua lại nhiều bất động sản ở London: Trung tâm thương mại Harrods, tòa nhà chọc trời The Shard, khách sạn The Savoy, Làng Olympic London v.v...
Theo The Paper (Trung Quốc), năm 2019, Qatar trở thành "đại địa chủ" ở London, nắm giữ hơn 26 triệu ft2 bất động sản (tương đương 2,4 triệu m2), nhiều hơn tổng số bất động sản của cố Nữ hoàng Anh và Cục Vận tải London (TFL) cộng lại.
Ngoài bất động sản, Qatar còn là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Barclays, Sở giao dịch chứng khoán London, British Airways và Sân bay Heathrow, nắm giữ 50% cổ phần của Tập đoàn Canary Wharf (do Brookfield Canada đồng nắm giữ)...
Khoản đầu tư vào London chỉ là hạt cát trên sa mạc trong đầu tư nước ngoài của Qatar.
Qatar cũng mua lại thương hiệu thời trang nổi tiếng Valentino của Ý, là cổ đông lớn nhất của Deutsche Bank và là cổ đông lớn thứ ba của hãng xe hơi Volkswagen.
Sân vận động Al Janoub mang hình tượng cánh buồm. Ảnh:Arch Daily
Sở hữu quỹ đầu tư quốc gia trị giá hơn 460 tỷ USD
Mặc dù có diện tích nhỏ nhưng sự giàu có của Qatar lại khiến người khác kinh ngạc. Cơ quan đầu tư Qatar (QIA - Quỹ tài sản quốc gia) hiện có số vốn hơn 460 tỷ USD.
Nói một cách đơn giản, QIA là tài sản công, do chính phủ Qatar kiểm soát chi phối, sau đó dùng số tiền này đi đầu tư, kiếm nhiều lợi nhuận hơn nhằm hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế Qatar.
Dù tiếng tăm không lớn như Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (Quỹ đầu tư quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất) nhưng đằng sau nhiều thông tin đầu tư nóng hổi đều có bóng dáng của QIA.
Ví dụ, Elon Musk đã mua lại Twitter cách đây không lâu và QIA đã rót vốn 375 triệu USD với tư cách là nhà đầu tư.
QIA đứng thứ 9 trong số các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn cầu, thứ 4 trong số các quốc gia Ả Rập, phân bổ tài sản vào các lĩnh vực tín dụng, bất động sản, cơ sở hạ tầng, vốn cổ phần tư nhân và các khoản đầu tư thay thế khác. Trong đó, 50~55% tài sản tập trung vào vốn cổ phần tư nhân và vốn cổ phần công.
Ngoài đầu tư vào châu Âu, QIA còn đầu tư hơn 30 tỷ USD vào Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Ở châu Á, Qatar gần đây đã mua 30 tòa nhà chung ở Nhật Bản, đồng thời đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới và xe điện.
Kể từ năm 2016, đầu tư của Qatar vào Trung Quốc cũng đã đạt 10 tỷ USD.
Giàu nhưng vẫn tìm dự án đầu tư
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán, GDP bình quân đầu người của Qatar sẽ đạt 82.887 USD vào năm 2022, đứng thứ 5 thế giới.
Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1,5 lần diện tích Quảng Châu (Trung Quốc) - 11.571 km2, ngang Thanh Hóa (Việt Nam) 11.116 km² nhưng là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Các tòa tháp tại Khu vực Al Dafna ở Doha, Qatar về đêm. Ảnh: Reuters
Nhiều người tự hỏi, đã trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới nhờ dựa vào dầu mỏ nhưng tại sao Qatar phải quyết tâm đăng cai World Cup, đi tìm các hạng mục đầu tư khắp thế giới?.
Câu trả lời có thể là Qatar đã từng là một nước nghèo.
Trước khi phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, ngành công nghiệp trụ cột của Qatar là khai thác và buôn bán ngọc trai.
Đặc biệt là sau khi bị Anh đô hộ vào thế kỷ 19, để thỏa mãn tầng lớp công nghiệp giàu có của Anh và Mỹ, việc săn ngọc trai tự nhiên gần như là kế sinh nhai duy nhất của người Qatar.
Trước Thế chiến II, do Nhật Bản nghiên cứu thành công ngọc trai nuôi cấy nhân tạo khiến ngành công nghiệp duy nhất này ở Qatar bị khai tử.
Cho đến năm 1971, khi thoát khỏi chế độ thực dân và trở thành quốc gia độc lập, Qatar vẫn là một quốc gia nhỏ bé và nghèo khó.
Sau khi phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, Qatar trở nên giàu có và trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới dựa vào tài nguyên và sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Chính vì điều này mà Qatar hiểu rằng mặc dù nguồn tài nguyên hiện tại vẫn đủ để khai thác trong nhiều thập kỷ nhưng khó có thể đảm bảo nền kinh tế giàu có của Qatar sẽ được duy trì mãi mãi trong tương lai.
Có tiền nhưng vẫn thận trọng
Cho dù giàu có đến đâu thì cũng không thể rải tiền khắp toàn cầu mà đất nước đó phải tự gây dựng kinh tế, nền kinh tế và các ngành công nghiệp của họ vẫn cần được phát triển.
Người Qatar muốn tiền đẻ ra tiền. Ảnh: ittn.ie
Đó là lý do, ngoài đầu tư ra nước ngoài, QIA cũng lôi kéo các hạng mục đầu tư vào trong nước. World Cup 2022 là một dự án lớn như vậy.
So sánh giữa khoản đầu tư vào World Cup của Qatar và 7 kỳ World Cup trước có thể thấy: Khoản đầu tư hơn 220 tỷ USD nhiều hơn tổng số tiền của tất cả các kỳ World Cup trước đó.
GDP của Qatar năm 2021 là 179,6 tỷ USD. Nói cách khác, để đăng cai một kỳ World Cup, Qatar đã tiêu tốn hơn 1 năm GDP toàn quốc.
Qatar ước tính, người hâm mộ và khách du lịch sẽ mang lại khoản thu 17 tỷ USD trong thời gian diễn ra World Cup.
Trên lý thuyết, đây có vẻ là khoản đầu tư lỗ.
Tuy nhiên, phần lớn số tiền này đã được đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hạ tầng địa phương mới xây dựng bao gồm sân vận động có điều hòa, hệ thống tàu điện ngầm, sân bay, trung tâm mua sắm, khách sạn và thậm chí để đăng cai Worl Cup, Qatar đã biến cả ngôi làng ven biển Lusail thành thành phố lớn thứ hai toàn quốc.
Có dự đoán rằng đến năm 2025, các khoản đầu tư này dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 240 tỷ USD cho nền kinh tế Qatar và tạo ra hơn 1,5 triệu cơ hội việc làm mới, tập trung trong các ngành xây dựng, bất động sản và khách sạn.
Để thoát khỏi "lời nguyền tài nguyên", các quốc gia giàu có ở vùng Vịnh rất muốn tìm kiếm và bồi dưỡng các điểm tăng trưởng kinh tế mới thông qua các quỹ đầu tư quốc gia.
Năm tới, Qatar sẽ đăng cai Asian Cup lần thứ 3. Những sân vận động, hệ thống giao thông, nhà ở, kinh nghiệm quản lý có được nhờ lần đầu tư này sẽ giúp họ mở ra nhiều cơ hội đăng cai các giải đấu quốc tế.
Đây cũng là chuỗi ngành thể thao-du lịch mới mà Qatar muốn xây dựng.
Ngay từ năm 2014, Qatar đã công bố "Chiến lược du lịch quốc gia Qatar 2030", nhằm thúc đẩy Qatar trở thành điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất Trung Đông, phấn đấu nâng tỷ trọng du lịch trong GDP lên 8% vào năm 2030.
Nếu nhìn lại cách đầu tư của QIA, chúng ta sẽ thấy, họ đã mua các thương hiệu xa xỉ, sân bay, hãng hàng không và khách sạn sang trọng một cách có kế hoạch bài bản.
Nhịp sống thị trường