MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nuôi tôm càng xanh ở miền núi cho hiệu quả cao

10-03-2017 - 15:09 PM | Thị trường

Tôm Trà Cổ nuôi ở vùng đồi núi, môi trường nước lợ, nước ngọt và ăn thức ăn tự nhiên nên có trọng lượng lớn, thịt chắc và ngọt, trở thành đặc sản nổi tiếng.

Hơn 15 năm trước, người dân xã Trà Cổ (thuộc huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) bắt đầu nuôi tôm càng xanh trên những ao đất cát ở vùng trũng và ao đá ong ở địa hình cao. Từ chỗ chỉ vài hộ áp dụng mô hình nhưng đạt hiệu quả cao, đến nay, đã có gần 50 hộ nuôi tôm càng xanh trên diện tích 45 ha mặt nước; trong đó, có 30 ha được cấp chứng nhận VietGap.

Tôm Trà Cổ nuôi ở vùng đồi núi, môi trường nước lợ, nước ngọt và ăn thức ăn tự nhiên nên có trọng lượng lớn, thịt chắc và ngọt, trở thành đặc sản nổi tiếng. Nhờ nuôi tôm càng xanh, nhiều hộ ở Trà Cổ vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Là vùng miền núi nhưng Trà Cổ có nhiều diện tích trũng, ao hồ. Trước những năm 2000, dân nơi đây chủ yếu nuôi cá với thu nhập mỗi năm khoảng 20 triệu đồng/ha. Để nâng cao thu nhập, dân Trà Cổ và chính quyền Đồng Nai đã nuôi thử nghiệm lươn, ếch nhưng đều thất bại.

Đầu năm 2001, ngành chức năng Đồng Nai nuôi thử nghiệm 3.000 con tôm càng xanh. Số tôm này không bị dịch bệnh, phát triển tốt và cho thu hoạch sau 5 tháng.

Nắm lấy cơ hội, cuối năm 2001, gia đình ông Lương Văn Thạch (ấp 5, xã Trà Cổ) chi gần 1 triệu đồng mua 10.000 con tôm giống (loại mới nở) về nuôi. Bốn tháng sau, ông Thạch thu hoạch gần 100 kg tôm thương phẩm, bán được khoảng 15 triệu đồng. Thấy hiệu quả tốt, những năm sau, ông Thạch cùng nhiều gia đình khác ở Trà Cổ vay vốn, đào ao nuôi loại hải sản này.

Nông dân bán tôm càng xanh cho thương lái ngay sau khi thu hoạch. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Ông Thạch chia sẻ, gia đình có 6 người con, nhà nhiều diện tích ao hồ nhưng trước đây chỉ nuôi cá nên kinh tế khó khăn. Nhờ con tôm càng xanh mà đời sống gia đình mới khấm khá, có của ăn của để. Hiện nhà ông Thạch có 2 ha mặt nước nuôi tôm càng xanh, mỗi năm thu hoạch 4 tấn. Với giá bán từ 160.000 đồng – 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Nước tại các ao hồ ở Trà Cổ là từ các dòng suối đổ ra nên chất lượng tốt. Trà Cổ là vùng miền núi, thời tiết lạnh, thích hợp với tôm càng xanh. Dân trong vùng chủ yếu cho tôm ăn thức ăn tự nhiên (hạt ngô trộn với cá nhỏ). Đây là những yếu tố giúp tôm ở Trà Cổ phát triển nhanh, không mắc bệnh, cho chất lượng thịt tốt, chắc và ngọt - ông Thạch cho hay.

Cũng tương tự, đầu năm 2006, gia đình ông Nguyễn Tấn Tài ở ấp 4 đã vay vốn ngân hàng, đào ao, mua con giống tôm càng xanh nuôi trên 1 ha diện tích mặt nước. Vụ đầu tiên, ông Tài thu hoạch 2 tấn tôm, bán được hàng trăm triệu đồng. Số tiền thu này không chỉ giúp ông Tài trả hết nợ ngân hàng mà còn đủ đầu tư nuôi vụ tiếp theo. Đến nay, gia đình ông đã có 4 ha mặt nước nuôi tôm càng xanh.

Theo ô ng Tài, nguồn nước ở đây tốt, khí hậu thích hợp nên thả nuôi mật độ dày, khoảng 200.000 con giống/ha. Sau hơn 4 tháng, tôm đạt kích cỡ 20 con/kg. Nuôi tôm càng xanh chi phí giống 1 ha hết khoảng 35 triệu tiền giống và thức ăn thấp nên cho lợi nhuận lớn. Để ngăn chặn dịch bệnh, mỗi năm dân Trà Cổ chỉ nuôi 1 vụ tôm. Sau khi thu hoạch, họ vệ sinh ao thật sạch và trong thời gian nuôi không dùng thuốc kháng sinh.

Ông Phạm Chí Tâm - thương lái mua tôm ở Trà Cổ chia sẻ, nhu cầu tiêu thụ tôm càng xanh trên thị trường rất lớn, nhiều thời điểm không có đủ hàng để giao. Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày ông Tâm mua khoảng 2 tấn tôm càng xanh ở Trà Cổ với giá từ 160.000 đồng – 180.000 đồng/kg. Tôm phần lớn được nhập vào các nhà hàng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Dù được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, song tôm càng xanh là mặt hàng đắt tiền, ít được bán tại các chợ truyền thống. Để giữ thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm càng xanh Trà Cổ, nông dân cần tuân thủ quy trình nuôi an toàn, không sử dụng thuốc kháng sinh - ông Tâm nhận xét.


Nông dân Trà Cổ phấn khởi thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Nông dân Trà Cổ phấn khởi thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Đại diện UBND xã Trà Cổ cho biết, trên địa bàn xã có gần 50 hộ nuôi tôm càng xanh với tổng diện tích trên 45 ha. Những năm qua, xã chưa ghi nhận dịch bệnh trên con tôm. Mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại cuộc sống khấm khá cho nông dân. Tiến tới sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu, năm 2015, Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh của xã Trà Cổ được thành lập với 32 thành viên, Đến nay, tổ hợp tác đã có 30 ha diện tích đạt chuẩn VietGAP.

Ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai đánh giá, xã Trà Cổ là vùng nuôi tôm càng xanh tập trung lớn nhất tại Đồng Nai. Trên địa bàn tỉnh có sông Đồng Nai chảy qua, nhiều sông suối, ao hồ nhưng tôm càng xanh đến mùa sinh sản lại ra vùng nước lợ để đẻ; sau đó mới quay lại vùng nước ngọt sinh sống. Vì đặc điểm này nên đa số diện tích ao hồ, sông trên địa bàn tỉnh không phù hợp nuôi tôm càng xanh.

Tôm càng xanh trong tự nhiên ngày một ít mà nhu cầu lại tăng. Trà Cổ được thiên nhiên ưu đãi nên thuận lợi trong nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân chỉ đào ao nuôi tôm ở nơi phù hợp.

Tiến tới sản xuất bền vững, nông dân phải tuân thủ quy trình nuôi an toàn, không sử dụng thuốc kháng sinh, mở rộng diện tích đạt chuẩn VietGap. Ngoài ra, chính quyền cần hỗ trợ để Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh của xã Trà Cổ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, tránh phụ thuộc vào thương lái./.

Theo Công Phong

Bnews/ TTXVN

Trở lên trên