MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nút thắt” chi phí Logistics của nông nghiệp

“Nút thắt” chi phí Logistics của nông nghiệp

Phát triển ngành dịch vụ logistics (các dịch vụ kho bãi và giao nhận hàng hóa) trong chế biến và tiêu thụ nông sản sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị.

Logistics phát triển góp phần khắc phục hạn chế của ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch. Như vậy, ngoài chú trọng đầu tư hạ tầng, thì các giải pháp để giảm chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Hợp tác xã SunFood, thành phố Đà Lạt chuyên sản xuất và kinh doanh các loại rau củ quả cung cấp cho thị trường nội tỉnh, thành phố Hà Nội, miền Trung và TPHCM. Anh Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Hợp tác xã SunFood, thành phố Đà Lạt cho biết khâu bảo quản sau thu hoạch và logistics vẫn đang là cản trở lớn nhất trong việc nâng cao giá trị nông sản tại hợp tác xã.

"Với rau, sáng là vàng, chiều là rác, tuổi thọ rất thấp. Vấn đề thứ hai, vận chuyển đi các khu vực, họ không làm đúng được với yêu cầu. Rau mà ra Hà Nội nếu đi bằng máy bay chi phí đến 14.000/kg. Rất cao. Đây là hai nút thắt lớn nhất" - anh Phạm Ngọc Thạch nói.

Về những trăn trở này của các hợp tác xã trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Không thể có một hợp tác xã nào, doanh nghiệp nào vừa sản xuất, đầu ra, bảo quản, vận chuyển đến các địa điểm. Như thế sẽ phân tán nguồn lực và cũng không phải chuyên môn của từng hợp tác xã, doanh nghiệp như vậy. Cần kêu gọi đầu tư cho bảo quản, chế biến và tiêu thụ, như vậy sẽ không chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước mà còn là quốc tế".

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện chuỗi cung ứng lạnh còn thiếu và yếu, các thiết bị đầu tư của các doanh nghiệp logistics thiếu đồng bộ; thiếu kho bãi tại vùng sản xuất, cửa khẩu và ùn tắc giao thông cũng khiến chi phí logistics của Việt Nam còn cao. Đơn cử như ngành thủy sản, chi phí logistics chiếm hơn 12%; đồ gỗ chiếm 23%; rau quả gần 30% và ngành gạo chiếm đến hơn 30% trong giá thành.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn, tỉnh Đồng Nai nêu thực trạng: "Xuất khẩu số lượng như hiện nay là chưa đạt. Xuất khẩu đi hàng chục nước trên thế giới, tuy nhiên chỉ đi bằng máy bay thôi, mà đi bằng máy bay thì tiền cước vận chuyển cũng lấy hết tiền của doanh nghiệp, nông dân. Chỉ đi bằng tàu biển được thì giá thành rẻ hơn gấp hàng chục lần so với cước phí hàng không".

Cùng với các dịch vụ logistics, khi hạ tầng giao thông được nâng cấp và xây mới, thì thời gian vận chuyển nông sản sẽ được rút ngắn đáng kể, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho trên 130 triệu tấn nông sản/năm trong cả nước và hàng chục triệu tấn sản phẩm nông sản được xuất khẩu đi khắp thế giới./.

Theo Phương Chi

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên