MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Bụi mịn là tác nhân gây ung thư phổi

27-09-2019 - 20:25 PM | Xã hội

Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở cả "10/10" điểm quan trắc. Chỉ số bụi mịn PM2.5 ngày 24.9 tại Hà Nội là 97,2 µg/m3, cao gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: Bụi PM2,5 được đánh giá là tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới sức khoẻ con người. Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM2,5 rất nguy hiểm, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu.

Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó nếu nồng độ bụi PM2,5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày là lớn và tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khoẻ cấp tính và mãn tính.

"Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi"- Tiến sĩ Hạnh nói.

Theo một nghiên cứu của GS Christopher J L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2,5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp.

Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cảnh báo tình trạng ô nhiễm, đặc biệt các chỉ số về bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn, tăng 25-50% chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người dân cần đề phòng. 

Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM2.5. Ở các đô thị lớn như TPHCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, ôtô). Khi nồng độ bụi mịn ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này tương tự thời điểm độ ẩm cao hoặc sương mù.

Theo Tiến sĩ Cường, không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người.

Theo Thùy Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên