Ô tô nhập khẩu sắp được 'cởi trói'
Việc bỏ ủy quyền chính hãng sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trở lại, dự báo lượng xe nhập về Việt Nam tăng lên từ sau tháng 7-2017.
- 25-03-2017“Hàng rào” nào ngăn ô tô nhập khẩu?
- 10-03-2017Ô tô nhập khẩu Trung Quốc hết thời vì “tay đấm” Nga
- 09-03-2017Thuế giảm, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan tăng đột biến
Theo dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô do Bộ Công Thương lấy ý kiến đã đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh mới mà các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô sẽ phải thực hiện.
Điểm mới nhất dự thảo là điều kiện đối với DN nhập khẩu ô tô được “cởi trói”, khi không cần có giấy ủy quyền chính hãng về phân phối xe tại Việt Nam như quy định tại Thông tư 20 trước đây nữa.
Theo đó, để được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu ô tô, DN chỉ cần nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc giấy chứng nhận đầu tư và tài liệu chứng minh có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng quy định.
Dự thảo nghị định cũng quy định ba phương án sở hữu cơ sở bảo hành dành cho DN nhập khẩu ô tô gồm: Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là sở hữu 100% của DN, sở hữu tối thiểu 30% của DN và ký hợp đồng thuê.
Nhiều DN kinh doanh ô tô nhập khẩu không chính hãng cũng cho hay đang chờ nghị định quy định về điều kiện kinh doanh ô tô có hiệu lực sẽ nhập khẩu lại ô tô sau một thời gian dài “đóng băng”.
Trong khi đó, một số DN nhập khẩu chính hãng "phản ứng" trước điều kiện này, lo ngại quyền lợi người tiêu dùng khó đảm bảo khi bảo hành, bảo dưỡng, khó trong việc triệu hồi khi không có chính hãng xe xác nhận.
Ngoài ra, ô tô nhập khẩu không chính hãng sẽ ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian tới, nếu không quản lý được, thị trường sẽ biến động chao đảo mạnh khi có sự cạnh tranh về giá.
Ngoài ra, dự thảo mới quy định DN sản xuất, lắp ráp và DN nhập khẩu ô tô, phải thực hiện chế độ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho khách hàng; chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô khi bị lỗi kỹ thuật, vi phạm quy định, quy chuẩn và chi trả chi phí cho việc triệu hồi.
Với DN nhập khẩu ô tô, phải được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu; có bộ phận quản lý hoạt động nhập khẩu ô tô, quản lý việc bán hàng, bảo hành và triệu hồi ô tô; có khu vực để ô tô nhập khẩu; có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phù hợp với loại ô tô nhập khẩu.
Đối với DN kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô có thời hạn ba năm.
DN sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ phải thêm điều kiện quan trọng là có đường chạy thử dài tối thiểu 500 m, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra được chất lượng của xe sản xuất, lắp ráp trước khi xuất xưởng.
Pháp luật TPHCM