MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô Việt trước sức ép thuế nhập khẩu 0%

Bộ Công Thương vừa đưa ra 3 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển trong bối cảnh tiến trình hội nhập AFTA đang đến gần và thuế linh kiện và nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam sẽ giảm xuống 0% từ năm 2018.

Bộ Công Thương vừa đưa ra ba nhóm giải pháp phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam với mục tiêu chính là duy trì sản xuất lắp ráp trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, sẽ tạo dựng dung lượng thị trường bằng việc khuyến khích sản xuất ô tô trong nước. Hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại như khai báo thuế, gian lận CO (tỷ lệ nội địa) nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.

Thứ hai, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng…; Điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng; Nghiên cứu khả năng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao…

Thứ 3, phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó đề nghị các doanh nghiệp nội địa tham gia sản xuất phụ tùng linh kiện; Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng thông qua chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.

Theo ông Hải, định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tiếp tục theo hướng duy trì sản xuất lắp ráp trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút các đối tác trong và ngoài nước, không trừ một đối tác nào. Hiện nay, chính sách công nghiệp hỗ trợ cũng có nhiều ý kiến, luật và nghị định, nhưng hỗ trợ cho ai không phải cào bằng tất cả mà việc tạo dựng đầu tiên là phải xây dựng một thị trường với dung lượng đủ lớn, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần đảm bảo cạnh tranh.

Cùng với đó, Vụ công nghiệp sẽ phải hỗ trợ nhiều hơn nữa về mặt chính sách theo đúng cam kết quốc tế. Tuy nhiên, hỗ trợ thuế là tiền, chính sách xây dựng công nghiệp hỗ trợ sẽ phải dựa vào các doanh nghiệp Việt Nam, và sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này.

“Quan điểm của Bộ Công Thương là doanh nghiệp nào tham gia làm công nghiệp hỗ trợ, Bộ sẽ ủng hộ hết sức. Thời gian gấp, còn gần 2 tháng nữa là phải trình Chính phủ dự thảo nghị định. Bộ Công Thương đã làm hết mình, nhưng tới đây các bộ ngành cần tham gia nhiều hơn trong xây dựng chính sách”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam mới đây để bàn về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2014. Từ năm 2014 đến nay, số lượng ô tô sản xuất trong nước đã có mức tăng trưởng cao trung bình 30%/năm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất ô tô đúng nghĩa đến nay vẫn chưa được hình thành. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang tồn tại một số hạn chế như giá thành cao, chất lượng dù có cải tiến nhưng chưa bằng xe nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

“Sau hơn 20 năm phát triển, công nghiệp ô tô vẫn còn những tồn tại lớn chưa thể hóa giải. Đó là giá bán xe vẫn ở mức cao trong khu vực; Chất lượng xe theo đánh giá của người tiêu dùng là chưa bằng xe nhập khẩu; Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự mà mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe dưới 9 chỗ còn thấp”, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết.

Theo Bộ Công Thương, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người và tỉ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là đang trên đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng mà không một doanh nghiệp sản xuất ô tô nào có thể bỏ qua.

Tại cuộc họp, đại diện VAMA cho rằng sức ép cạnh tranh sau năm 2018 là rất lớn và đang đến gần, do vậy, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh nổi, thậm chí là không tồn tại được trước sức ép xe nhập khẩu khi thuế được kéo về 0%.

Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương cũng cho rằng, để giải quyết những khó khăn cho cả ngành công nghiệp, cần rất nhiều việc khác nữa, trong đó có việc rà soát thực tế doanh nghiệp sản xuất để có đánh giá những điểm được, chưa được và giải thích rõ lý do vì sao. Trên cơ sở đánh giá này các cơ quan quản lý xác định nền công nghiệp ô tô có nên tiếp tục phát triển hay không nếu tồn tại thì nên như thế nào. Khi đã thống nhất chủ trương rồi thì các chính sách đưa ra mới nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

“Việc cần làm là phải kiểm soát nội địa để phát triển thị trường. Đến nay, có một số nước đã đóng cửa nhập ô tô để phát triển trong nước. Với chính sách giảm thuế linh kiện và nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam bằng 0% thì không có một DN nào chấp nhận đầu tư sản xuất trong nước. Việc phát triển ngành công nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách và quyết tâm của Nhà nước. Cần nhìn nhận trung thực và xác định công nghiệp ô tô là đầu tư dài hơi. Chúng ta cần làm sao kiểm soát thị trường để đảm bảo sản xuất trong nước ở mức phù hợp, không nên dùng từ bảo hộ thị trường như hiện nay”, ông Dương kiến nghị.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên