MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở Trung Quốc, đi bộ sai luật cũng sẽ bị trí tuệ nhân tạo phát hiện và xử phạt

06-05-2019 - 22:00 PM | Tài chính quốc tế

Từ một công ty vô danh, Intellifusion đã trở thành cánh tay phải đắc lực của cảnh sát và chính quyền thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), góp phần giữ gìn trật tự giao thông và an ninh công cộng.

Thâm Quyến là thành phố có 12 triệu dân, với hệ thống giao thông được quản lý và giám sát bởi một hệ thống camera dày đặc, bao phủ khắp các con phố.

Thâm Quyến là một trong những thành phố lớn và nhộn nhịp của Trung Quốc, nơi có hàng trăm nghìn phương tiện tham gia giao thông mỗi ngày. Do đó, thành phố này cần các quy định nghiêm ngặt để kiểm soát lưu lượng giao thông lớn trên các con phố. Nhưng với 12 triệu cư dân, việc thực thi các quy tắc đó không phải là chuyện dễ dàng.

Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát ở Thâm Quyến đã nhận được sự trợ giúp từ một bàn tay vô hình, đến từ công ty công nghệ có tên Intellifusion. Sử dụng máy ảnh độ nét cao và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) độc quyền, cảnh sát có thể xác định và bắt giữ những người vi phạm luật giao thông, cho dù họ đang lái xe hay đi bộ.

Hệ thống của Intellivision có thể nhanh chóng ghép nối thông tin biển số xe hơi và gương mặt của người đi bộ với hệ thống thông tin lưu trữ của lực lượng cảnh sát, từ đó hiển thị tên và khuôn mặt của những người đi bộ lên màn hình LED được lắp đặt ở các ngã tư, con phố lớn để khiến họ cảm thấy xấu hổ, từ đó nghiêm chỉnh hơn trong việc chấp hành luật giao thông.

"Hệ thống hiện tại có một mạng lưới các camera, mỗi camera có độ phân giải 7 triệu pixel", Wang Jun, giám đốc giải pháp tiếp thị của công ty chia sẻ hồi tháng 3 năm ngoái.

Trong 10 tháng sau khi hệ thống được đưa vào hoạt động, có tới 13.930 người đi bộ trái luật được hiển thị trên màn hình LED tại một ngã tư sầm uất ở quận Phúc Điền, theo cảnh sát giao thông Thâm Quyến.

Ở Trung Quốc, đi bộ sai luật cũng sẽ bị trí tuệ nhân tạo phát hiện và xử phạt - Ảnh 1.

Gương mặt, tên tuổi của người vi phạm giao thông sẽ được hiển thị trên bảng điện tử công khai ngay giữa phố.

Intellifusion cũng có kế hoạch hợp tác với những tập đoàn công nghệ khổng lồ khác như Tencent hay các nhà khai thác mạng viễn thông để giới thiệu một hệ thống mà người đi bộ sẽ được thông báo về sự vi phạm của họ tức thời. Theo đó, tin nhắn sẽ được gửi qua các ứng dụng điện thoại thông minh như WeChat khi họ vừa thực hiện hành vi vi phạm luật.

Tuy nhiên, hệ thống thông báo này vẫn chưa được đưa vào hoạt động tại Thâm Quyến.

Trung Quốc sắp vượt qua Anh để trở thành quốc gia có hệ thống theo dõi lớn nhất thế giới, với gần 200 triệu camera giám sát công cộng và tư nhân trên khắp đất nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Chính quyền các địa phương cũng đã đầu tư mạnh mẽ để mở rộng vùng phủ sóng của camera giám sát nhằm cải thiện an ninh công cộng. Một thành phố ở phía đông Trung Quốc, thuộc tỉnh Giang Tô thậm chí còn tuyên bố hệ thống camera an ninh của họ bao phủ mọi ngóc ngách và không có điểm mù.

Theo công ty nghiên cứu IDC, chi tiêu cho các thành phố thông minh ở Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải và Seoul dự kiến ​​sẽ vượt quá ngân sách 4 tỷ USD trong năm nay. Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn chi tiêu liên quan đến công nghệ, với phần lớn đầu tư vào thiết bị giám sát trực quan được gắn cố định.

Không chỉ xác định người đi bộ qua đường trái phép, Intellifusion đã thử nghiệm và áp dụng thêm các giải pháp mới. Tháng 4/2018, cảnh sát Thâm Quyến đã ra mắt một hệ thống phát hiện những chiếc xe vi phạm luật lệ giao thông và chụp ảnh cả người lái xe cùng biển số của họ. Hệ thống có thể xác định người lái xe bằng cách so sánh khuôn mặt trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát, từ đó xác nhận xem họ có đáng bị thu hồi giấy phép cho các vi phạm trước đó hay không.

Công nghệ tương tự cũng đang được sử dụng trên cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền ba thành phố Hồng Kông-Chu Hải-Ma Cao dài 55 km.

Ngoài ra, các nhà chức trách cũng đang thử nghiệm các camera có độ phân giải cao, hệ thống khớp dấu vân tay và cảm biến nhiệt trên một làn đường nhập cư tại khu vực kiểm soát biên giới ở Chu Hải để tăng tốc độ thông quan.

Ở Trung Quốc, đi bộ sai luật cũng sẽ bị trí tuệ nhân tạo phát hiện và xử phạt - Ảnh 2.

Hệ thống xác định và xử phạt người vi phạm giao thông bằng hệ thống nhận diện khuôn mặt liệu có thể áp dụng thành công ở Việt Nam?

Được thành lập vào năm 2014, Intellifusion đã nhanh chóng gây dựng được tên tuổi với tư cách là nhà cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát Thâm Quyến. Vào tháng 1/2016, công ty đã được văn phòng an ninh công cộng của một quận ở Thâm Quyến chọn để tham gia dự án nhằm xác định bất cứ ai trong đám đông một triệu người, chỉ trong vòng một giây. Vào tháng 9/2016, Intellifusion đã cung cấp dịch vụ bảo mật nhận dạng chân dung cho hội nghị thượng đỉnh G20 do chính quyền Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang tổ chức.

Bên cạnh đó, công ty Trung Quốc này cũng xuất khẩu công nghệ của mình sang Malaysia, theo chia sẻ của Chen Ning, người đồng sáng lập kiêm CEO, trong một cuộc phỏng vấn năm 2017. Chen nói thêm rằng công ty sẽ quảng bá hệ thống AI của mình tới các quốc gia có mối đe dọa khủng bố cực đoan, đặc biệt là những nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Theo Intellifusion, vào tháng 3 năm ngoái, công ty đã trở thành đối tác chiến lược toàn cầu của Huawei, với mục đích mở rộng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, cũng như trong lĩnh vực xây dựng các thành phố thông minh.

Tham khảo SCMP

Theo Bảo Nam

Trí thức trẻ

Trở lên trên