OCB đặt kế hoạch lãi 2.000 tỷ năm 2018, tham vọng hướng đến vị thế ngân hàng “top đầu”
Năm 2018, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước đó. Con số lợi nhuận từ 2.000 tỷ trở lên chỉ có những Ngân hàng TMCP “top đầu” như TechcomBank, VPBank, MBBank,… mới tự tin công bố.
Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB đã trình bày kết quả hoạt động năm 2017 và kế hoạch kinh doanh năm 2018 của OCB.
Cụ thể, trong năm 2017, OCB đạt 1.018 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 110% so với năm trước đó. Dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 25%, huy động thị trường 1 tăng 30,5%, nợ xấu ở mức 1,48%. Trong năm qua, vốn điều lệ OCB đã được nâng lên 5.000 tỷ đồng.
Tự tin với kế hoạch lãi 2.000 tỷ đồng trong năm 2018, lãi trên 600 tỷ trong quý 1
Năm 2018, các chỉ tiêu kinh doanh của OCB tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ngân hàng chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng giảm cho vay trung dài hạn, giảm mức độ tập trung theo ngành và khách hàng, đẩy mạnh doanh số bán và đa dạng hóa các sản phẩm phi lãi suất, đưa tỷ lệ thu ngoài lãi lên 15% tổng thu thuần.
OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước đó. Con số lợi nhuận từ 2.000 tỷ trở lên chỉ có những Ngân hàng TMCP “top đầu” như TechcomBank, VPBank, MBBank,… mới tự tin công bố. Tổng huy động tăng 36%, dư nợ cho vay thị trường 1 (không bao gồm trái phiếu VAMC) mục tiêu tăng 25%.
Trả lời câu hỏi cổ đông về cơ sở thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cho biết: từ nhiều năm nay thực hiện chiến lược phát triển, OCB hướng đến áp dụng quản trị hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế, là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng thành công Basel II. OCB cũng đầu tư nền tảng ngân hàng số tiên tiến Omni-Channel.
Nhờ đinh hướng đó, OCB từ một ngân hàng nhỏ, trong những năm gần đây đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Cụ thể, sau 5 năm tái cơ cấu, OCB đã tham gia vào vị thế của các ngân hàng TMCP dẫn đầu và kế hoạch kinh doanh 2.000 tỷ năm 2018 là ví dụ điển hình.
Chủ tịch OCB cũng cho biết, trong quý 1/2018, ngân hàng đã đạt trên 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, tổng tài sản vượt mốc 100.000 tỷ đồng, chuẩn bị niêm yết HoSE
Tại đại hội, OCB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng. Phương án tăng vốn được chia làm 2 đợt phát hành cổ phần. Đợt 1, OCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.699 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng OCB sẽ phát hành 14,2% cổ phiếu thưởng (từ lợi nhuận chưa phân phối) và phát hành thêm 20,5% cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Đợt 2, tăng vốn điều lệ từ 6.699 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. Trong năm 2018, tổng tài sản OCB dự kiến tăng 37%, lên mức 115.700 tỷ đồng.
Cũng trong kế hoạch năm 2018, OCB sẽ tách khối khách hàng đại chúng đang hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng thành Công ty tài chính độc lập để thuận lợi cho việc quản lý kinh doanh và quản trị rủi ro. OCB cũng thông qua phương án thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản. Ngoài ra, trong năm nay, Ngân hàng Phương Đông - OCB cũng sẽ niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE).