MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ôm” nhiều đất vàng, CII loay hoay ở ngã ba đường

18-05-2016 - 15:45 PM | Bất động sản

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) được giao, cho thuê nhiều khu đất vàng tại các khu trung tâm và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thế nhưng về chiến lược thì “ông lớn” bất động sản này đang đứng ở ngã ba đường khi “ôm” quá nhiều đất vàng nhưng quá sức chịu đựng.

“Ôm” quỹ đất khủng còn muốn thâu tóm NBB

Giữa tháng 4 vừa qua, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa nhận được quyết định giao đất, cho thuê đất của dự án BT Thủ Thiêm từ UBND TP.HCM. CII được TP.HCM giao 90.078,3 m2 đất để xây dựng nhà ở và 6.053,6 m2 đất để xây dựng văn phòng cho thuê (sử dụng 50 năm), trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê.


Các dự án của CII tại Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý 2/2016.

Các dự án của CII tại Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý 2/2016.

Tại Thủ Thiêm, CII đầu tư hai dự án tại khu đất được giao bao gồm: Marina Bay và Thủ Thiêm Lake View. Ngoài ra, CII cũng thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ). Các dự án có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý 2/2016.

Tại các quận khác, CII có dự án Diamond Riverside tại Q.8 với tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng, công ty đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Dự án 152 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý 2/2016. CII Land sẽ là “mảnh ghép” cuối cùng trong mô hình hoạt động của CII sau tái cấu trúc, gồm hạ tầng nước (SII), Xây dựng Hạ tầng (CII E&C), cầu đường (CII B&R).

Trước đó, tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư và cổ đông vào tháng 3/2016, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2017, CII sẽ thành lập công ty chuyên về bất động sản (CII Land) với tỷ lệ nắm giữ 51%. Tháng 7/2015, CII đưa ra chủ trương thâu tóm CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) để thành lập CII Land. Theo dự kiến, CII sẽ đàm phán với NBB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 45% vào cuối năm 2015, đến tháng 6/2016 sẽ sở hữu 51%. Nhưng hiện nay, CII chỉ mới sở hữu 19,99% vốn điều lệ NBB.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thâu tóm NBB, ông Lê Quốc Bình tiết lộ: “Tiến độ đàm phán thương vụ này chậm hơn kế hoạch tái cấu trúc của CII đã đề ra. Một trong những lý do làm chậm tiến trình này là do nhóm cổ đông nước ngoài của NBB chưa đồng thuận với những đề xuất M&A do CII đưa ra. Mặc dù, CII đã đưa ra mức giá 27.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị trường đến 30%, tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư của đối tác không đồng thuận”.

Hiện nay, CII đang gặp khó khăn trong việc triển khai một số dự án bất động sản. Dự án 152 Điện Biên Phủ, CII đã đầu tư gần 100 tỷ đồng nhưng chỉ mới vượt qua bước thẩm tra của Sở Xây dựng, con đường phía trước còn khá dài vì vướng nhiều thủ tục.

Chờ đất Thủ Thiêm bằng 70% giá tại quận 1


 Ôm nhiều đất vàng, CII đang chờ thời vì tin rằng trong vòng 7-10 năm tới, giá đất tại Thủ Thiêm sẽ bằng 70% giá đất tại Q.1

 Ôm nhiều đất vàng, CII đang chờ thời vì tin rằng trong vòng 7-10 năm tới, giá đất tại Thủ Thiêm sẽ bằng 70% giá đất tại Q.1

CII đang được chính quyền TP.HCM chấp thuận cho đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu chức năng số 3 và 4 tại Thủ Thiêm. Đổi lại, CII được chấp thuận đầu tư 7 lô đất nhà ở ven sông trong khu chức năng số 3, 4 và 6 với tổng diện tích được đầu tư là 51.176 m2 với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD.

Ông Lê Quốc Bình chia sẻ, đối với CII, Thủ Thiêm đang là một câu chuyện dài kỳ, vẫn còn đứng giữa một ngã ba đường mà không biết phải chọn hướng nào cho thích hợp. Khi làm hạ tầng giao thông thì CII nắm bắt được hệ thống giao thông chạy qua dự án và điều chắc chắn là giá bất động sản sẽ tăng khi đường được phát triển đến những nơi đó. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 này, CII buộc phải chọn ra cho mình con đường đi tại Thủ Thiêm.

Theo đó, thứ nhất, CII đang hợp tác với một nhà đầu tư để thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng, với quy mô diện tích đất khá lớn, tại một vị trí đất “vàng” Thủ Thiêm. “Nếu ôm thêm đất vàng như thế thì vượt quá sức chịu đựng của CII. Do đó, CII tính đến phương án sẽ bán bớt quỹ đất, hoặc là chọn 20 ha đất ở Thủ Thiêm, hoặc là chỉ 10 ha đất ở đây cộng với 10 ha đất vàng nơi khác để hiện thực hóa lợi nhuận. Con đường này còn phụ thuộc vào việc CII có xin được 10 ha đất từ dự án BT sắp tới hay không”, ông Bình cho biết.

Thứ hai là chiến lược xây nhà tại Thủ Thiêm, bán “lúa non” thu tiền về hiện thực hóa lợi nhuận trong năm. CII cho rằng trong vòng 5 năm tới, đất ở Thủ Thiêm sẽ tăng chóng mặt, giá nhà cũng sẽ rất cao. Cho nên, ra sản phẩm để “ăn non” trong thời điểm này sẽ là một chiến lược sai lầm. Trong khi đó, danh sách các nhà đầu tư xin mua đất tại Thủ Thiêm hiện nay khá dài với nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

“Nếu bán hết sản phẩm thì chẳng còn gì để làm. Đầu tư một dự án hạ tầng có thời hạn 5-10 năm, vậy tại sao không ráng cầm giữ đất ở Thủ Thiêm để khai thác trong vòng 7-10 năm nữa, khi Thủ Thiêm trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố, lúc đó làm gì giá đất ở Thủ Thiêm không bằng 70% giá tại Q.1, lập tức đất của chúng tôi thành một mỏ vàng”, ông Bình cho biết thêm.

Thứ ba, CII sẽ xây dựng dự án cao cấp rồi cho thuê toàn bộ, với dịch vụ hoàn hảo được cung cấp từ một công ty thành viên. Theo CII, một khi khách hàng cảm thấy thích thú thì lập tức bán được ngay sản phẩm, còn nếu đi theo hướng bán nhà trên giấy và chia chiết khấu cho các bên tham gia sẽ không “nắm trọn” lợi nhuận.

Hiện nay, việc tìm các đối tác để bán một phần đất tại Thủ Thiêm cũng đang được nghiên cứu vì tiêu chí của CII là bắt đối tác phải khởi công dự án trong vòng 2 năm chứ mua đất để dành thì ảnh hưởng đến giá nhà của CII tại Thủ Thiêm.

Mới đây, CII cho biết, đối với các lô đất chưa được CII phê duyệt khai thác, công ty sẽ dành 35% quỹ đất để chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại, 30% quỹ đất hợp tác phát triển dự án với nhà đầu tư ngoại và 35% còn lại sẽ do CII tự phát triển.

Theo Tấn Lợi

Người Tiêu Dùng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên