Ông Biden tới Washington nhậm chức khi nước Mỹ chia rẽ sâu sắc, an ninh được siết chặt
Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến đến Washington vào ngày 19/1 để chuẩn bị nhậm chức. Tuy nhiên, lịch sử đã thay đổi.
- 19-01-2021Gói 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden sẽ “giải cứu” nước Mỹ như thế nào?
- 17-01-2021Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ diễn ra như thế nào?
- 16-01-2021Sát lễ nhậm chức của ông Biden, người ủng hộ TT Trump đến Nhà Trắng, mang tài liệu nhắc đến Luật Nổi dậy
- 15-01-2021Có gì trong gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD "giải cứu nước Mỹ" ông Biden vừa công bố?
- 12-01-2021TT Trump ban bố tình trạng khẩn cấp ở Washington trước, trong và sau lễ nhậm chức của ông Biden
Thông thường, lễ nhậm chức của một Tổng thống Mỹ là dịp kỷ niệm và hòa hợp chính trị, điều khỏa lấp những rạn nứt do các hoạt động tranh cử gây ra. Tuy nhiên, vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sẽ nhậm chức khi lệnh phong tỏa quân sự được ban bố.
Ông Biden sẽ qua đêm tại Blair House, khu dinh thự đối diện Nhà Trắng. Đây là truyền thống nhằm tôn vinh quá trình chuyển giao quyền lực đã được duy trì trong hầu hết các đời tổng thống Mỹ. Ông Biden lựa chọn tôn trọng điều đó.
Tuy nhiên, lễ nhậm chức của ông Biden sẽ không có sự hiện diện của ông Trump. Ông chủ Nhà Trắng hiện tại sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên không dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm kể từ khi ông Andrew Johnson làm điều tương tự năm 1869. Ngay sáng 20/1, ông Trump sẽ rời Washington để tới Florida, nơi ông dự định sẽ cư trú sau khi rời Nhà Trắng.
Hiện tại, khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh quốc gia đã được triển khai khắp Washington để lo ngại biến cố xảy ra. Trước đó, những người ủng hộ ông Trump đã xông vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ khiến 5 người thiệt mạng. Hiện tại, các hàng rào cao bao quanh Nhà Trắng và Đồi Capitol đã được dựng lên.
Bối cảnh chuyển giao quyền lực trong ngày 20/1/2021 sẽ không giống bất cứ sự kiện nào trong lịch sử nước Mỹ. Nó minh họa cho một sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở quốc gia mà ông Biden sắp trở thành nhà lãnh đạo cao nhất.
Ông Biden đã ngồi ở hàng ghế đầu trong 2 lần tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama và 1 lần của Tổng thống Donald Trump trên cương vị Phó Tổng thống. Dù không hài lòng với ông Trump nhưng cả ông Obama và ông Biden đều có mặt trong sự kiện năm 2017 như là một phần của quá trình chuyển lực trong hòa bình.
Ông Biden đã vận động để hàn gắn những rạn nứt của quốc gia. Ông ấy nói rằng mình được thúc đẩy để tranh cử Tổng thống Mxy lần thứ 3 nhằm tìm lại các giá trị của nước Mỹ cũng như không hài lòng với các chính sách của Chính quyền Donald Trump.
Tuy nhiên, các mối đe dọa an ninh khiến ông Biden phải từ bỏ kế hoạch đi tới Washington trên chuyến tàu Amtrak, cách mà ông đã đi lại giữa căn nhà ở Delaware tới Đồi Capitol trong gần 4 thập kỷ đảm trách cương vị Thượng nghị sĩ Mỹ.
Ông Biden nhậm chức khi một phiên điều trần tại Thượng viện đang chờ để luận tội Tổng thống Trump lần thứ 2, điều cũng chưa từng có trong tiền lệ. Tuy nhiên, việc người Dân chủ quyết đòi luận tội ông Trump có thể làm phức tạp thêm nguyện vọng của ông Biden nhằm bỏ lại phía sau những khác biệt và hàn gắn nước Mỹ.
Trong đại dịch Covid-19, lễ nhậm chức của ông Biden sẽ chỉ có những thủ tục mà không có màn ăn mừng thường thấy. Điều này cũng có nghĩa Chính quyền mới có thể ngay lập tức bắt tay vào chương trình nghị sự của mình. Người dân Mỹ sẽ đổ dồn mọi sự chú ý vào cách ông Biden lãnh đạo đất nước. Nếu không được như họ kỳ vọng, đảng Dân chủ khó lòng giữ được thế đa số ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Theo một nhà sử học chính trị, áp lực này sẽ ngay lập tức buộc ông Biden phải ban hành những điều luật mà đa số người dân Mỹ ủng hộ, bao gồm các biện pháp kiềm chế đại dịch, phục hồi kinh tế, giải quyết các bất bình đẳng mang tính hệ thống về kinh tế và chủng tộc.
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, ông Biden dự kiến sẽ yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua một gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và ban hành nhiều sắc lệnh hành pháp để đảo ngược các chính sách của ông Trump. Ngoài ra, ông Biden gần như chắc chắn sẽ yêu cầu người dân Mỹ đeo khẩu trang, thậm chí đóng cửa những điểm nóng Covid-19.
Ông Biden sẽ nhậm chức trước một công viên quốc gia National Mall trống rỗng trong một thành phố được bảo vệ kiên cố để chống lại nguy cơ bạo lực như sự kiện ngày 6/1. Lễ nhậm chức của ông Biden được phát trực tuyến và đó dường như không có lợi cho vị tân tổng thống trong nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.
Nhậm chức ở tuổi 78, ông Biden sẽ bước vào lịch sử nước Mỹ như là vị Tổng thống lớn tuổi nhất tuyên thệ nhậm chức. Ngoài ra, với số phiếu phổ thông hơn 80 triệu, ông Biden cũng là vị Tổng thống nhận được nhiều sự ủng hộ nhất của người dân Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng ông Biden sẽ không theo đuổi một nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 bởi lý do tuổi tác.
Trong khi đó, ông Biden cũng từng 3 lần chạy đua vào Nhà Trắng nhưng 2 lần trước thất bại. Trước khi ông Obama mãn nhiệm năm 2017, biến cố gia đình với sự ra đi của người con trai đã ngăn ông Biden tiếp tục chạy đua chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ dù thời điểm đó, sự hậu thuẫn mà vị Phó Tổng thống này có được là vô cùng lớn.
4 năm sau, ông Biden bắt đầu cuộc đua muộn hơn các đối thủ nhưng nhanh chóng lội ngược dòng và trở thành Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 3/11/2020, ông Biden tiếp tục đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump và trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Với chiến thắng của ông Biden, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một nữ Phó Tổng thống, bà Kamala Harris.