Ông bố người Tày và những chuyến đi vượt 150km mỗi tuần cùng con học ngoại ngữ: Bé 11 tuổi nói tiếng Anh như gió, giành được học bổng Mỹ
Một hành trình nhiều "gian nan" theo đúng nghĩa, nhưng kết quả nhận về cũng thực sự ngọt ngào.
- 23-03-2021Từ chối học bổng toàn phần của ĐH Harvard, nam sinh kể những góc khuất khi du học Nhật cùng phương pháp học Tiếng Anh "ngược đời"
- 09-03-2021Sau 20 lần thất bại trong 2 năm, anh chàng trở thành tỷ phú với ứng dụng ‘trả lại’ cho người dùng 1 tiếng đồng hồ mỗi tuần
- 13-02-2021Đầu năm trò chuyện cùng thầy giáo 4 lần đạt 9.0 IELTS - Đặng Trần Tùng: Dậy từ 4h30, thích rửa bát, không sợ chê nhạt khi chỉ gắn với tiếng Anh
- 22-06-2019Đời người ngắn chẳng tày gang, chớp mắt đã thấy già: 30 tuổi theo đuổi đam mê, 40 tuổi chênh vênh ngẫm nghĩ, 50 tuổi mỉm cười mãn nguyện
Một ngày cuối tuần, như nhiều cuối tuần khác, anh Hà Khánh Tùng lại "lục đục" đưa con là bé Hà Lâm Trúc từ Lạng Sơn xuống Hà Nội để "gặp Tây". Đây là thói quen bắt đầu từ mùa hè năm Trúc 8 tuổi. Con gái anh Tùng năm nay đã lên tuổi 11, tự tin, tiếng Anh ổn và giành học bổng của trường quốc tế Mỹ tại Việt Nam.
Đứng trước camera điện thoại, Lâm Trúc tự tin diễn thuyết, thậm chí đọc rap các bài hát yêu thích và lồng tiếng cho những bộ phim nổi tiếng bằng tiếng Anh. Điều ngạc nhiên là bé chỉ học trường huyện, đồng thời tự học với sự đồng hành của bố mình - một người cũng không rành tiếng Anh và chưa học qua bất cứ trung tâm tiếng Anh nào.
Hành trình gần 6 năm đồng hành cùng con tự học tiếng Anh của anh Tùng nhận về "quả ngọt"
Giai đoạn đầu dạy con chẳng khác gì "dắt ốc sên đi dạo"
"Dắt ốc sên đi dạo" là cụm từ anh Tùng dùng để nói về quá trình đầu tiên khi quyết định cùng con học tiếng Anh. Khi đó, hai bố con xa cách hai nơi (anh Tùng làm việc ở Hà Nội, bé Trúc ở Lạng Sơn cùng ông bà nội).
Thời gian đầu muốn con làm quen với tiếng Anh, anh Tùng sử dụng phương pháp "tắm ngoại ngữ". Anh cho con xem các chương trình trẻ em trên YouTube, nghe bài hát tiếng Anh và dần dần làm quen với phần mềm dạy phát âm.
Tiếng Anh chỉ bập bẹ, chưa biết phải dạy con từ đâu, anh Tùng nhờ bạn bè gửi tài liệu và phương pháp dạy học tại các trường quốc tế. Sợ dạy con phát âm sai, trước mỗi buổi học, anh tra Google cách đọc rồi học thuộc, sau đó nhắc lại với con để bé có phản xạ trả lời. Anh cũng học một số mẫu câu đơn giản để tương tác cùng con.
Không ở gần con nhưng tối nào anh cũng gọi điện thoại giao bài tập và kèm cặp. Anh tạo lịch học từng ngày và con gái phải báo cáo kết quả vào cuối ngày. Cuối tuần, anh từ Hà Nội về Lạng Sơn để học cùng con, đánh giá kết quả bằng cách dựa vào bài mẫu, xem con hiểu được đến đâu.
"Giai đoạn đầu chưa vào nếp, con không hợp tác nên việc học không hiệu quả. Trong khi việc học tiếng Anh muốn hiệu quả phải cần tạo thói quen, duy trì thói quen và quan trọng nhất là tạo hứng thú cho con. Thời gian đầu, Lâm Trúc chưa quen nên sợ học, mình lại dễ nổi cáu nên đôi khi thấy... chán, nhiều lần tính bỏ cuộc. Có lần, mình phải về Lạng Sơn liên tục trong tháng để rèn con vào nếp".
Tuy nhiên, dần dần anh Tùng nhận ra việc quát nạt không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây tác dụng ngược. Ông bố chuyển sang cách đặt kỷ luật mềm, có thưởng, có phạt khiến Lâm Trúc hứng thú hơn.
Bé bắt đầu việc "chơi mà học" cùng bố từ năm 5 tuổi. Đến khoảng năm lớp 3, Trúc bắt đầu nói tiếng Anh thường xuyên hơn, thuyết trình và giao tiếp nhiều. Anh Tùng cho con tự nói về các chủ đề xung quanh hằng ngày rồi làm video gửi bố.
Vượt 150km gặp... Tây
Ông bố vui mừng thấy con đã "vào guồng" và yêu thích tiếng Anh thực sự. Không thể dạy con mãi, cũng như để gắn lý thuyết với thực hành, Trúc thường xuyên được bố đưa đến chợ quê, các làng du lịch cộng đồng để gặp khách nước ngoài. Lâu dần, em trở thành "hướng dẫn viên nhí" tại một vài homestay gần nhà và nhận được sự yêu mến của du khách quốc tế.
Mùa hè năm Lâm Trúc 8 tuổi, anh Tùng đưa con xuống Hà Nội. Biết con thích kem Tràng Tiền, anh mua những con thú đồ chơi để con bán dạo quanh Hồ Gươm và đặt chỉ tiêu nói chuyện với 5-10 người nước ngoài sẽ được bố thưởng kem. Ban đầu, Trúc ngại, cần bố hỗ trợ, nhưng sau đó chủ động bắt chuyện du khách.
Từ đó, anh đưa con xuống Hà Nội mỗi cuối tuần để con có cơ hội nói tiếng Anh và làm thiện nguyện. Ngoài tiếng Anh, con gái mê nhảy, lồng tiếng cho phim hoạt hình, đọc rap. Cô bé tự học nhảy từ các video trên mạng, tự quay video thuyết trình bằng điện thoại.
Học ngoại ngữ không cần thông minh, chỉ cần khả năng bắt chước
Theo anh Tùng, Youtube nói riêng hay các công cụ hỗ trợ nói chung chỉ đóng vài trò một phần, còn sự đồng hành của gia đình là vô cùng quan trọng. "Bố mẹ chính là người hiểu con mình nhất, chỉ cần tạo cho con thói quen, hứng thú thì việc học sẽ hiệu quả hơn".
"Bên cạnh đó, việc học tiếng Anh cần có thời gian chứ không phải một sớm một chiều, nhanh cũng 2, 3 năm còn như hai bố con mình thì cần đến 4, 5 năm vì quá trình học cùng con và đi lại khá mất thời gian. Tóm lại khi đã muốn học tiếng Anh, bạn phải dành thời gian vào nó chứ không chỉ một vài tuần, vài tháng là muốn đạt kết quả ngay. Phải đều đặn hằng ngày, ít nhất 1 ngày phải dành cho việc học tiếng Anh một giờ đồng hồ".
Lâm Trúc quen dần với những ngày cuối tuần vượt quãng đường 150km học tiếng Anh cùng bố.
Ông bố này chia sẻ, tiếp xúc ngoại ngữ càng sớm con sẽ càng phát âm chuẩn như người bản xứ. Vấn đề là bố mẹ phải chọn lọc kênh sao cho chuẩn, chẳng hạn tìm các kênh nói giọng Anh - Mỹ hay Anh - Anh. "Nhiều bố mẹ sợ học sớm con bị loạn ngôn, tuy nhiên theo mình thấy, mới đầu có thể hơi lẫn lộn nhưng tự bản thân trẻ sau đó sẽ có sự tiếp thu và điều chỉnh trong quá trình tiếp nhận ngôn ngữ".
Hiện Lâm Trúc đã giữ liên lạc với một số bạn nước ngoài nên có thể giao tiếp thường xuyên, cùng với việc học ở trường và chương trình trực tuyến Mỹ nên thỉnh thoảng anh mới đưa con về Hà Nội để có cơ hội gặp gỡ với người nước ngoài.
"Bố mẹ muốn đồng hành cùng con học tiếng Anh hay bất cứ một môn gì khác, trước hết phải thay đổi nhận thức rằng mình sẽ làm được. Bây giờ có internet, nhiều công cụ hỗ trợ nên việc học cũng dễ dàng hơn nhiều. Chính suy nghĩ của bố mẹ rằng mình không biết làm gì và không bắt đầu hành động thì không bao giờ có kết quả cả. Trong quá trình làm mình thấy sai ở đâu thì sửa đến đấy, dần dần sẽ định hình một phương pháp nhất định"
"Mình nghĩ bất cứ một ai cũng có thể học tốt tiếng Anh nếu biết áp dụng đúng phương pháp và có sự kiên trì. Học ngôn ngữ không cần thông minh, chỉ cần khả năng mô phỏng và bắt chước âm. Nghe nhiều thì nói được và đọc nhiều thì viết được", anh Tùng chia sẻ.
Trí thức trẻ