Ông bụt ở Sài Gòn tặng hơn 100 tỷ cho trẻ mồ côi: "Nếu đã gọi mấy đứa nhỏ là con thì tiền bạc đừng để trong đầu"
Ngoài việc thuyết phục gia đình tặng khối tài sản hơn 100 tỷ đồng cho các cháu nhỏ, mỗi tháng ông Hiệp còn chi 100 triệu để duy trì hoạt động của trung tâm, giúp các em nhỏ có nơi nương tựa và phát triển toàn diện.
Không ít người choáng ngợp trước thông tin gia đình ông Bùi Công Hiệp (Quận 9, TPHCM) quyết định dành tặng khối tài sản hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho các em nhỏ mồ côi, nhưng với ông Hiệp, số tiền đó đâu lớn bằng sự trưởng thành và niềm hạnh phúc của các con.
"Cứ nghĩ đây là gia đình lớn, ngày xưa ba má nuôi mình ba má có tính chi phí, có ghi sổ sách nay mua một hộp sữa, mua mấy ký gạo không? Đâu có có ghi. Mấy đứa nhỏ ở đây cũng vậy, nếu mình gọi nó là con thì những chi phí đó mình đừng để trong đầu" - ông Hiệp cười bảo.
Mình làm ra tiền chứ tiền không làm ra mình
Kể về cơ duyên mà ông Hiệp mở ra mái ấm Thiên Thần nhận nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong những năm qua, con trai ông tâm sự: "Thời bố tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nhìn thấy những đứa trẻ không cha không mẹ nằm bơ vơ ở bên đường, bố mới nguyện là nếu có sống sót trở về, làm ăn có tiền thì bố sẽ xây nên một ngôi nhà dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt".
Và rồi như lời ước nguyện, năm 2010 người cựu chiến binh năm nào đã bắt tay vào xây dựng một ngôi nhà làm nơi nương tựa cho trẻ mồ côi. Ông Hiệp tâm sự: "Tôi luôn mong ước giúp đỡ trẻ em không nơi nương tựa, không nhận được sự hỗ trợ của người thân. Đào tạo các bé trong môi trường tập thể mà tôi đã từng trải qua, cái quan trọng mà tôi muốn các bé có được khi trưởng thành đó là tình cảm".
Mái ấm Thiên Thần thành lập năm 2010 hiện tại đang nuôi dạy 90 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Người đàn ông trầm ngâm: "Có thể vì cuộc sống hiện nay có quá nhiều bon chen nên trái tim tôi đập hơi yếu, chứ ngày xưa trái tim tôi đập rất mạnh. Tôi mong các em nhỏ ở đây khi lớn lên ngoài kiến thức học được, thì trái tim lúc nào cũng đập rộn ràng".
Những ngày đầu thành lập mái ấm, ông Hiệp gặp phải rất nhiều lời phản đối, bởi chuyện tự đừng ra mở một cơ sở nuôi dạy trẻ là không hề đơn giản. Có người còn nói thằng với ông rằng: nếu làm tốt thì không ai để ý, nhưng lỡ có một chút trục trặc gì thì từ người ơn trở thành tội đồ. "Chỉ cần gặp một sự cố nhỏ, nhất là trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhưng có lẽ vì tôi đã trải qua thử thách của chiến tranh, nên cái gì càng khó tôi lại càng muốn làm cho bằng được" - ông Hiệp chia sẻ.
Ông Bùi Công Hiệp là một cựu chiến binh có tấm lòng nhân hậu.
Bà Phạm Hoàng Lan (Vợ ông Hiệp) tâm sự: "Cô là phụ nữ mà, ít ra cũng muốn dành dụm gì đó cho con mình chứ. Cô có nói chú, nhưng chú nói là: mình làm ra tiền chứ tiền không làm ra mình. Thôi giúp được gì cứ giúp đi. Con cái nuôi ăn học thành đạt thì tự bương chải, hơi đâu mà tính".
Bán nhà để duy trì việc nuôi dạy các con
Nhưng rõ ràng không có con đường nào trải đầy hoa hồng, nhất là công việc cộng đồng. Đã từng có thời điểm ngôi nhà nhỏ của ông Hiệp và các con lao đao trước sóng gió cuộc đời.
"Đã từng có lúc tôi gặp khó khăn, mọi người khuyên thôi giải thể đi. Năm đó kinh tế thế giới khủng hoàng, các khách hàng quen thuộc của tôi đột ngột cắt hợp đồng không báo trước khiến việc kinh doanh trở nên suy giảm. Bà xã mới bảo thôi đừng làm nữa. Tôi mới lịch sự nói với vợ: Bà cho tôi mượn 1 căn nhà để bán. Sau này có tiền tôi sẽ trả lại, tiền lời sẽ hơn lãi suất ngân hàng" - ông hóm hỉnh bảo phải ra sức "năn nỉ" vợ để bán căn nhà lấy tiền trang trải hoạt động của mái ấm.
Chưa bao giờ ông bỏ rơi những đứa trẻ dẫu có rất nhiều chông gai.
Sau đó ông quyết định bán hết số cổ phiếu đang sở hữu để có thêm chi phí. Nhờ vậy mà mái ấm Thiên Thần vượt qua 3 năm trời khủng hoảng. Nhớ lại khoảng thời gian đó ông Hiệp vẫn luôn biết ơn gia đình đã luôn đứng phía sau ủng hộ. Chuyện đi một con đường dài cùng các em nhỏ không chỉ cần có tình yêu thương mà còn phải kiên trì và hy sinh.
Hãy là chú đại bàng tung cánh bay muôn phương
Ông Hiệp chia sẻ thật lòng rằng ông không thích chữ "mồ côi". Bởi với ông hai chữ ấy thật nặng nề với những đứa trẻ. "Thậm chí chữ bỏ rơi tôi cũng không thích. Với tôi chữ đó nặng nề quá! Tôi muốn gọi các con là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Vì hoàn cảnh nó đặc biệt hơn những đứa trẻ khác, và vì một lý do đặc biệt nào đó nên mẹ các con mới khước từ cái quyền làm mẹ".
Ông không thích gọi các em là trẻ mồ côi.
Bản thân người đàn ông này cũng không hề lên án những người mẹ đã bỏ mặc con mình trước cửa mái ấm rồi lặng lẽ bỏ đi trong đêm. Bởi chẳng ai muốn từ bỏ đứa con mình rứt ruột sinh ra, chỉ là vì một lý do nào đó họ không thể nuôi dưỡng các em. Và ông Hiệp thay họ nuôi bọn trẻ, ông bảo: "Đến một ngày nào đó người mẹ đủ khả năng kinh tế và can đảm để quay lại nhận con, tôi sẽ tạo điều kiện để mẹ con về bên nhau".
Mỗi ngày ông Hiệp láy xe đưa đón các em đi học.
Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp luôn chú trọng bồi dưỡng kiến thức và tâm hồn cho các em nhỏ. Người đàn ông ngoài 60 ngày ngày vẫn tự tìm hiểu sách nấu ăn để các con ăn uống đủ chất. Tự mình tìm tỏi giáo trình trên thế giới để đen đến phương pháp học tập hiệu quả.
Các em được đầu tư về mặt tri thức rất nghiêm túc.
"Tôi không muốn con tôi là chú gà quanh quẫn trong sân, trong chuồng. Mỗi đứa là chim đại bàng xoải cánh bay đi bốn phương trời. Khi nào nhục chí hay gặp vấn đề gì thì quay về anh em nương tựa nhau, khoát vai đi tiếp" - ông Hiêp tâm sự.
Nói đoạn ông đọc mấy câu thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:
"Những cơ cực tôi không cần chia sẻ
Những khổ đau tôi đã quen gánh gồng
Tôi chỉ sợ những bình minh quá đẹp
Không có người bên cạnh để chờ mong…"
"Không phải trù ẻo, nhưng lỡ mai này tôi mất đi hay bà xã mất đi tôi sợ không có ai chúc phúc cho tụi nó" - ông Hiệp nói.
Trí thức trẻ