Ông chủ bánh Trung thu nổi tiếng từ chối hàng trăm cuộc gọi vì thiếu người làm
Chủ cơ sở Bánh Trung thu Bảo Phương cho biết, từ đầu tháng 8 âm lịch, có ngày cơ sở này làm hàng nghìn chiếc bánh. Tuy nhiên, do dịch bệnh, người làm chỉ còn bằng 1/10 năm ngoái nên không thể đáp ứng.
- 11-09-2021Thu giữ hơn 11.000 bánh trung thu không rõ nguồn gốc tại Hà Nội
- 09-09-2021Bánh Trung thu mùa COVID-19: "Vừa làm vừa... run"
- 08-09-2021Cảnh báo bánh trung thu không rõ nguồn gốc tràn lan chợ mạng
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng bánh trung thu năm nay vẫn phong phú nhiều loại được bán trên thị trường, phục vụ nhu cầu người dân.
Từ những chiếc bánh truyền thống ở các cơ sở sản xuất như Bảo Phương ở Hà Nội, bánh trung thu với các loại nhân thập cẩm, đậu xanh hạt dưa, trứng muối vẫn duy trì mức giá 25.000-75.000 đồng/chiếc, tùy loại.
Các thương hiệu bánh trung thu có giá đắt hơn như Hội An có giá thấp nhất là 125.000 đồng/chiếc và đắt nhất là 185.000 đồng/chiếc với vị hải sâm - tôm hùm. Một số bánh trung thu vị đông trùng hạ thảo – yến sào, cua Huỳnh Đế sốt HongKong hay bào ngư sốt rượu vang... đều có giá 165.000 đồng/chiếc.
Thiếu nhân công, ông chủ bánh trung thu nổi tiếng Hà thành từ chối hàng trăm cuộc gọi đặt bánh... (Ảnh: Internet)
Nhiều khách sạn vẫn ra mắt các hộp bánh trung thu đắt tiền. Khách sạn Hà Nội có các hộp bánh dao động từ 808.000 – 1.938.000 đồng. Đặc biệt, khách sạn này còn có hộp bánh đắt đỏ, giá gần 16 triệu đồng. Bánh được đặt trong hộp trang sức hai ngăn, kèm hộp quà tặng là một đồ uống cao cấp.
Hay khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi (Metropole Hà Nội) có các phiên bản bánh trung thu phổ thông giá khoảng từ 1.900.000 - 6.606.000 đồng/hộp. Phiên bản giới hạn có giá 14,8 triệu đồng/hộp.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Phạm Hải Đăng, chủ cơ sở Bánh Trung thu Bảo Phương (Hà Nội) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến cơ sở bánh của ông phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nhân công, giá nguyên liệu tăng cao... Tuy nhiên, cơ sở vẫn bán bánh với giá cũ, không tăng giá.
“Sản xuất thì buộc phải tính toán để không bị lỗ, mọi khi lãi nhiều thì giờ cắt bớt lãi đi. Gia đình có truyền thống nếu trong mức còn chịu đựng được, không bị lỗ, vẫn có chút lãi thì không được tăng giá”, ông Đăng chia sẻ.
Cũng theo ông Đăng, đến thời điểm này, nhu cầu mua bánh của khách hàng bằng khoảng 80-90% năm trước, nhưng khả năng sản xuất của cơ sở chỉ bằng 10% so với mọi năm nên sẽ thiếu hụt sản phẩm phục vụ.
Do giãn cách phòng dịch, ông Đăng cho biết, cơ sở của ông phải tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada cũng như liên kết với các bên giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh để nhận đặt online.
“Thường đến mùa Trung thu, để đáp ứng được tương đối đủ cho nhu cầu người dân phải cần đến 70-80 công nhân, bởi tất cả công đoạn đều làm bằng tay. Còn năm nay, do dịch bệnh nên công nhân chỉ còn khoảng 7-8 người. Mọi năm người nhà chỉ trông nhân viên làm, nhưng năm nay tất cả người nhà phải xắn tay vào làm cùng. Hiện cơ sở chỉ có khoảng 17-18 người làm bánh để phục bà con”, ông Đăng cho hay.
Cơ sở không sản xuất trước để bán, mà sản xuất theo nhu cầu bán, hôm nào bán được nhiều thì làm nhiều, hôm nào chậm thì làm ít đi.
Tháng 7 âm lịch có những lúc cơ sở của ông làm 200 – 300 hoặc 500 chiếc một ngày lại cho công nhân nghỉ đi dọn dẹp, hôm sau đắt hàng thì làm tiếp, mà không đắt hàng lại nghỉ. Sang tháng 8 âm lịch, có ngày làm 500-700 chiếc, ngày cao điểm làm đến 1.000 – 2.000 chiếc.
“Tính đến hôm nay, tôi đã phải từ chối mấy trăm cuộc gọi đặt bánh vì tất cả đơn đặt bánh đã kín đến chiều 14 và sáng 15/8 âm lịch. Với lực sản xuất của cơ sở hiện nay thì không đáp ứng được nên không dám nhận thêm đơn, còn bán lẻ tại cửa hàng chỉ đến khoảng ngoài mùng 10 hoặc 11 sẽ phải đóng cửa, treo biển hết bánh”, ông Đăng nói.
Khác với thị trường Hà Nội, tại TP.HCM, chia sẻ với Infonet, bà Trần Thị Hồng Ngân, Trưởng phòng Kinh doanh Hội An Mooncake cho hay, mùa Trung thu năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi khách hàng doanh nghiệp không đặt bánh nữa nên bị sụt giảm số lượng mặc dù khách hàng mua lẻ lại có nhu cầu nhiều nhưng đi lại khó khăn nên không giao được nhiều bánh, chỉ có thể giao ở nội thành.
Chính vì thế, so với cùng thời điểm năm ngoái, mùa bánh Trung thu năm nay ‘yếu’ hơn, số lượng khách đặt mua bánh giảm khoảng 30-50%.
“Do dịch bệnh nên công ty cũng cắt giảm nhân viên. Chi phí cho nguyên phụ liệu ban đầu đặt rất nhiều, nhưng giữa chừng do dịch, một số nhà cung cấp bị phong tỏa không thể cung cấp được, điều này ảnh hưởng đến đầu vào không theo kế hoạch. Giá nguyên liệu tăng hơn so với trước nên giá bánh Trung thu của công ty bán ra thị trường cũng tăng nhẹ, khoảng 15-20.000 đồng mỗi chiếc”, chị Ngân cho hay.
Cũng theo chị Ngân, còn chưa đầy chục ngày nữa đến Tết Trung thu, nhưng bánh của công ty cũng sắp bán hết. Bình thường, bánh Trung thu bán hết trước ngày rằm 5 ngày, nhưng năm nay sẽ hết sớm hơn vì dịch bệnh nên công ty cũng không dám làm nhiều.
Infonet