MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn, lộ nhiều khe hở xuất nhập cảnh

29-05-2019 - 09:03 AM | Xã hội

Chiều 28/5, thảo luận tại tổ về Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội đã dẫn hàng loạt các vụ việc Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn để đề nghị bổ sung các quy định nhằm bao quát, ngăn ngừa khoảng trống trong quy định xuất nhập cảnh.

Áp dụng biện pháp khẩn cấp “cấm xuất cảnh”

Dẫn quy định trong dự thảo rằng: “Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét rằng: vừa thừa, vừa thiếu.

“Vừa qua dư luận nói rất nhiều và rất bức xúc với nhiều trường hợp không nằm trong trường hợp này. Ví dụ, có những vụ án vừa rồi xảy ra như Trịnh Xuân Thanh hay vụ Nhật Cường Mobile, rõ ràng những trường hợp này họ chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác. Về mặt pháp lý chưa có bất cứ quyết định gì nhưng về mặt thực tế nếu những trường hợp này không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không có biện pháp hoãn xuất cảnh thì chắc chắn sẽ trốn, gây nhiều hệ lụy mà dư luận vô cùng bức xúc”, ông Hiển nhấn mạnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, với những trường hợp đã nằm trong chuyên án, đưa vào diện điều tra thì không thể thả lỏng, phải có trinh sát nội ngoại tuyến, dự phòng trường hợp cấm xuất nhập cảnh những đối tượng này.

“Tại sao lại bỏ trốn và tại sao bỏ trốn được? Cần phải bổ sung vào trong luật để khắc phục tình trạng này”, ông Nhưỡng nói và cho rằng “ Đây là sơ hở vô cùng to lớn, làm nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, dư luận không tin tưởng vào hoạt động của chúng ta. Cần bổ sung quy định để bịt kẽ hở này”.

Công dân có quyền đề nghị cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử

Về hộ chiếu gắn chíp điện tử, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đây là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử). Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản luật điều chỉnh về loại hộ chiếu này.

Do đó, việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.

Dự thảo luật quy định công dân có 4 quyền mang tính nguyên tắc: quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử…


Theo Văn Kiên - Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên