Ông Đặng Thanh Bình xin được “miễn trách nhiệm hình sự” hoặc “án treo”
Ngày 5-12, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) theo đơn kháng cáo của ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam- NHNN) cùng 4 thuộc cấp.
Đó là các ông Lê Văn Thanh (54 tuổi, nguyên chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An; tổ trưởng giám sát VNCB), Hà Tấn Phước (55 tuổi, nguyên phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Long An; nguyên tổ trưởng tổ giám sát ngân hàng (NH) Đại Tín/ VNCB), Ngô Văn Thanh (41 tuổi, nguyên tổ viên tổ giám sát ngân hàng Đại Tín/ VNCB), Phạm Thế Tuân (62 tuổi, nguyên tổ phó tổ giám sát VNCB).
Để phục vụ công tác xét xử, HĐXX trích xuất bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đến tòa vì một số vấn đề liên quan. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, ông Danh xin vắng mặt tại phiên tòa lần này.
Như đã đưa tin, ông Đặng Thanh Bình được phân công phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án 254 của Chính phủ, trong đó có ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Đặng Thanh Bình và các bị cáo tại toà |
Ngày 15-8-2012, ông Bình đã ký tờ trình số 597 trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu NH Đại Tín. Trên cơ sở đề nghị của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại thông báo số 1350, trong đó có nêu: “... NHNN chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới đầu tư vào NH Đại Tín...”.
Thực hiện chủ trương trên của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-9-2012, Cơ quan thanh tra giám sát NHNN có tờ trình về việc tái cơ cấu ngân hàng
Đại Tín gửi phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng như điều kiện đối với cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức khi thành lập mới ngân hàng. Cụ thể, có khả năng về tài chính để góp vốn để thành lập ngân hàng TMCP và cam kết không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức khác, cá nhân khác để góp vốn. Ông Bình có bút phê vào tờ trình “việc kiểm tra vốn sẽ được thực hiện sau này...”.
Đến ngày 6-9-2012, ông Bình ký công văn 652, chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín. Sau một thời gian cho nhà đầu tư mới tham gia tái cấu trúc NH Đại Tín, đến ngày 14-6-2013, chính ông Bình lại ký thông báo ý kiến kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu NH Đại Tín đã phải thừa nhận: “lộ trình triển khai phương án còn chậm chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu hạn chế”. Mặc dù vậy nhưng sau đó ông Bình vẫn ký công văn số 440 chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín.
Hậu quả của vụ án, từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng Đại Tín làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, bản án sơ thẩm xác định, quá trình giám sát, cả 4 thành viên tổ giám sát khi phát hiện sai phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm, đã không quyết liệt dùng biện pháp phù hợp, kiên quyết thu hồi tiền cho VNCB.
Với hành vi như trên, xử sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Đặng Thanh Bình mức án 3 năm tù. Các bị cáo còn lại cũng bị tuyên 1 năm đến 2 năm 6 tháng tù.
Sau phiên tòa xử sơ thẩm, ông Bình kháng cáo toàn bộ bản án, trong đơn kháng cáo ông Bình cho rằng bản án sơ thẩm nhận định ông là người đứng đầu là không chính xác, chưa xem xét thấu đáo toàn bộ nội dung vụ án. Ngoài ra, các bị cáo còn lại cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt từ tù giam sang tù treo.
Tại tòa phúc thẩm, ông Bình xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho ông được miễn trách nhiệm hình sự, nếu không được ông xin được án treo. Ông Bình xin xem xét các đóng góp của ông trong quá trình tham gia hoạt động trong ngành ngân hàng, trong đó có công tác tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Trả lời trước tòa, ông Bình thừa nhận việc tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín không thành công và có thiệt hại. Nguyên nhân do hành vi vi phạm nghiêm trọng của Ban lãnh đạo ngân hàng Đại Tín. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan là tính hiệu quả của Ban thanh tra giám sát ngân hàng Đại Tín.
Sau lời trình bày trên, ông Bình cho rằng với cương vị chức vụ như trên, ông đã không hoàn thành trách nhiệm Đảng viên, nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, sau đó qua làm việc với các luật sư, ông nhận thấy rằng ông có một phần thiếu sót. “Trong nội dung chỉ đạo, các bút phê của tôi trong quá trình tiến hành tái cơ cấu ngân hàng các có nhiều nội dung chưa được hiểu rõ đúng. Trách nhiệm đối với công tác lãnh đạo có thiếu sót nhưng vì thiếu sót này mà áp dụng hình phạt đối tôi là quá nặng. Nội dung bản án sơ thẩm nêu hành vi của tôi thiếu trách nhiệm là không thỏa đáng”, ông Bình nêu.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, hai bị cáo Lê Văn Thanh, Ngô Văn Thanh nhận tội và xin được án treo.
Công an nhân dân