MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đặng Văn Thành: Kinh tế thị trường không nhún nhường và luôn đào thải, DN mía đường đừng trông đợi Chính phủ mà phải tự đối mặt thử thách!

17-11-2018 - 11:52 AM | Doanh nghiệp

Chúng ta bảo hộ ngành mía đường thì sữa như thế nào, kẹo như thế nào, bánh như thế nào… vậy có phải méo mó không?, ông Đặng Văn Thành đặt vấn đề. Vậy thì, "Hãy để tự nhiên đi, bởi đất đai Việt Nam có, khí hậu Việt Nam đang thuận lợi", vị này nhấn mạnh.

Tham gia phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) mới đây, ông Đặng Văn Thành có bài chia sẻ dựa trên hai tư cách: Thứ nhất là nhà đầu tư lớn (Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) có 5 lĩnh vực cốt lõi bao gồm mía đường là SBT) và thứ hai là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm cũng như là chỗ dựa của SBT.

Mía đường Việt Nam thuận lợi về thổ nhưỡng, tính cần cù, nhu cầu lớn

Được biết, Việt Nam chúng ta cách đây khoảng thập niên là một trong những quốc gia phải nhập khẩu đường, dùng ngoại tệ nhập đường để cân đối nhu cầu trữ lượng trong nước. Cho đến thời điểm hiện nay, và đặc biệt gần đây thì chúng ta mới cân đối được và tham gia xuất khẩu, mặc dù quy mô chỉ dừng ở mức tiểu ngạch không đáng kể, nhưng đó vẫn là một tín hiệu rất đáng mừng cho đất nước nói chung và người nông dân nói riêng. Nhưng, ngược lại đây cũng là thách thức rất lớn đối với những đơn vị làm công tác mía đường, ông Thành nhấn mạnh. Với 40 nhà máy đường hiện tại, trong khi đó với điều kiện của Việt Nam suốt thời gian vừa qua phải nói là một sự nỗ lực của doanh nghiệp mía đường nói chung, và SBT nói riêng.

Một mặt, nước ta có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, về tính cần cù, và về nhu cầu thị trường lớn thì ngược lại phải song hành cùng thách thức về cơ giới, về cạnh tranh giống cây trồng… đã tạo nên một bối cảnh mà sự khó khăn đan xen thuận lợi.

Khó khăn này chồng chất khó khăn kia!

Các đồng nghiệp mía đường thời gian qua đã khó khăn đến nỗi họ phải trả tiền mía cho nông dân bằng đường, rồi nông dân phải lấy đường đó tham gia vào thị trường một cách không chuyên nghiệp, từ đó làm cho giá lại khó khăn tiếp tục.

Chính vì thế, Chính phủ mới gia hạn ATIGA cho đến tháng 1/2020, tuy nhiên tính ra chúng ta cũng chỉ còn 4 mùa vụ nữa. Trong bĩ cực ấy, các đồng nghiệp mía đường theo chia sẻ người đứng đầu Tập đoàn đã khó khăn đến nỗi họ phải trả tiền mía cho nông dân bằng đường, rồi nông dân phải lấy đường đó tham gia vào thị trường một cách không chuyên nghiệp, từ đó làm cho giá lại khó khăn tiếp tục. Kết quả, khó khăn này chồng chất khó khăn kia!

Mặt khác, khó khăn lớn thứ hai là vấn đề đường lậu tràn ngập, ông Thành phân trần không thể trách được vì đây là chu kỳ, theo chu kỳ của ngành mía đường thì thực trạng là như vậy.

Không thể trông đợi vào Chính phủ mà phải tự đối diện

Song, trong cơn bĩ cực ấy, ông Thành khẳng định không riêng SBT mà cả ngành mía đường Việt Nam chính trong quá trình hội nhập không thể trông chờ vào Chính phủ, mà phải đối diện thực sự, bởi đây là một nền kinh tế thật sự, một nền kinh tế thị trường hoạt động theo quy luật đào thải và sự không nhún nhường. "Tóm lại, chúng ta phải đối mặt với thị trường thôi", ông Thành nói.

Chính vì lẽ đó, vấn đề vùng nguyên liệu nổi lên là một thách thức rất lớn cho doanh nghiệp, và SBT cũng đang rất nỗ lực với bài toán hạn điền, hạn điền làm chúng ta không thể nào đưa công tác kỹ thuật vào một cách vội vàng, mà chúng ta phải tổ chức một cách hết sức công phu để khuyến nông như thế nào cho bà con nông dân, đặc biệt những hộ nhỏ lẻ phải kết lại với nhau để thành ra những cánh đồng lớn, từ đó chúng ta có thể cơ giới hóa nó. Đây là những thách thức!

Nếu không cơ giới tương lai không còn ai đi đón mía!

Ông Đặng Văn Thành: Kinh tế thị trường không nhún nhường và luôn đào thải, DN mía đường đừng trông đợi Chính phủ mà phải tự đối mặt thử thách! - Ảnh 2.

Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển cho nên lao động phổ thông càng ngày càng khan hiếm. Và như vậy, nếu chúng ta không cơ giới thì tương lai không còn người đi đón mía nữa!

Chưa kể chúng ta còn phải làm công tác đưa kỹ thuật canh tác vào, mà trước hết nói đến cơ giới hóa thì phải có thiết kế đồng vùng, chứ không thể nào manh nhún là cơ giới được. Nói rộng hơn, chúng ta phải đồng ý rằng nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển cho nên lao động phổ thông càng ngày càng khan hiếm. Và như vậy, nếu chúng ta không cơ giới thì tương lai không còn người đi đón mía nữa!

Thành thử ra trồng mía là cả một vấn đề, từ thiết kế đồng vùng, từ kỹ thuật canh tác thế nào, từ cách đặt bẫy đèn bắt sâu vào ban đêm mà trước đây phải dùng thuốc trừ sâu, dùng kỹ thuật mới như "Ong mắt đỏ" hay "cày ngầm".

Riêng về kỹ thuật "cày ngầm", theo phương pháp truyền thống của nông dân Việt Nam chúng ta thì chúng ta chỉ mới cày có 3 tấc tức chỉ lớp đất bên trên. Theo thời gian qua các hội thảo quốc tế, chúng ta có trao đổi, chia sẻ giữa nông dân với nông dân, nông dân Braxin, nông dân Úc, nông dân Mỹ… chúng ta mới hiểu được cái cày ngầm và cày sâu là phải từ 6-8 tấc. Tại sao như vậy?

Vì dinh dưỡng trong lòng đất vẫn còn, và cày sâu mới như vậy chúng ta mới có đủ độ ẩm để chống nắng – thậm chí với thời gian dài từ 10, 20 đến 30 ngày cây mía vẫn vượt qua được. Đặc biệt rễ sẽ bén xuống và cây mía mới đứng vững, không bị đổ ngã bởi những cơn lốc không đáng kể. Đó là những kỹ thuật canh tác mà nó đưa cả cái tính hiệu quả, năng suất vào đó.

Vấn đề đáng quan tâm khác liên quan đến tổ chức sản xuất, chúng ta thấy rằng nhiều đơn vị cũng đưa ra được quy trình khép kín, tuy nhiên câu chuyện còn mở rộng sang cả hiệu suất thu hồi, đặc biệt động thái việc mạnh dạn đầu tư về vấn đề điện sạch – hỗ trợ tích cực cho sản xuất mía. Bên cạnh đó là công tác sấy bã, đồng thời bón phân hữu cơ phân vi sinh… cũng hỗ trợ tăng cường được tính hiệu quả.

Chừng ấy công tác cũng nhằm hướng đến mục đích cuối cùng là tăng năng lực cạnh tranh, có đủ điều kiện đủ ngân sách để không chỉ đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp, cổ đông mà còn đủ sức quay lại hỗ trợ nông dân, ông Thành nói.

"Phải làm sao để khu vực Đông Dương SBT phải có tiếng nói"

Riêng SBT, hiện Công ty đã có mặt ở thị trường Lào và Campuchia, tuy nhiên vẫn tham vọng đưa nhà máy sang Campuchia, "phải làm sao để khu vực Đông Dương SBT phải có tiếng nói". Chưa kể, ATIGA thông qua thì ngành mía đường không còn biên giới nữa, việc lùi thời hạn lại 1 năm là quá đủ rồi, chúng ta đừng trông chờ nữa để nền kinh tế thị trường trở nên méo mó.

Chúng ta bảo hộ ngành mía đường thì sữa như thế nào, kẹo như thế nào, bánh như thế nào… vậy có phải méo mó không?, ông Thành đặt vấn đề. Vậy thì, "Hãy để tự nhiên đi, bởi đất đai Việt Nam có, khí hậu Việt Nam đang thuận lợi", vị này nhấn mạnh.

Điểm qua về thực trạng ngành đường Việt Nam hiện nay, những năm gần đây toàn ngành liên tục gặp khó, từ việc giá đường thế giới đi vào chu kỳ giảm kéo dài đến hiệp định ATIGA quy định các nước ASEAN phải dành cho nhau những ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác FTA - buộc phải giảm mức thuế nhập khẩu đường về mức 5% khiến đường Việt Nam có thể mất năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi đường Thái Lan có lợi thế nhờ mức giá rẻ hơn từ 2.000-2.500 đồng/kg so với đường nước ta.

Ông Đặng Văn Thành: Kinh tế thị trường không nhún nhường và luôn đào thải, DN mía đường đừng trông đợi Chính phủ mà phải tự đối mặt thử thách! - Ảnh 3.

Nguồn: Nasdaq.

Trên góc độ vi mô, doanh nghiệp đường từ việc đối mặt với tình trạng nhập lậu thông qua đường tiểu ngạch dẫn đến nguy cơ phá sản, đến lo ngại đối với quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Hiếu Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên